Ô nhiễm không khí: Ảnh hưởng sức khoẻ hơn tưởng tượng
Sống trong môi trường chung, hầu hết mọi người đều phải tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm. Mặc dù có nhiều biện pháp đang được thực hiện để cải thiện chất lượng không khí, nhưng tác động tiêu cực đối với sức khỏe do ô nhiễm không khí vẫn tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới, kể cả trong các khu vực phát triển.
Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến mọi người và là nguyên nhân hàng đầu của tử vong do các bệnh không truyền nhiễm, chỉ đứng sau hút thuốc lá. Tiếp xúc ngắn hoặc dài hạn với ô nhiễm không khí có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả trẻ em và người lớn. Ở trẻ em, việc hít phải không khí kém chất lượng có thể gây ức chế tăng trưởng phát triển và giảm chức năng của phổi, cũng như gây nhiễm trùng đường hô hấp và làm tăng nặng bệnh hen suyễn.
Đối với người lớn, thiếu máu cơ tim cục bộ và đột quỵ là nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong sớm do ô nhiễm không khí ngoại trời. Các nghiên cứu cũng chỉ ra mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và bệnh tiểu đường, các vấn đề về rối loạn não bộ ở trẻ em (như học kém, phát triển chậm, tự kỷ, thiếu tập trung, hoặc tăng động), cũng như tình trạng thoái hóa thần kinh ở người lớn (bao gồm cả bệnh Alzheimer).
Làm sao để tự bảo vệ sức khoẻ trước ô nhiễm không khí?
Trước tác động đáng ngại của ô nhiễm không khí, các chuyên gia “mách nước” để người dân tự bảo vệ sức khoẻ của mình bằng những cách sau:
– Hạn chế ra ngoài đường vào giờ cao điểm: Là biện pháp để giảm tiếp xúc với ô nhiễm môi trường. Trong những giờ cao điểm, lưu lượng giao thông thường tăng cao, dẫn đến sự tăng cường phát thải khí nhà kính và các chất ô nhiễm khác từ phương tiện giao thông dẫn đến việc người dân phải hít nhiều bụi mịn hơn.
– Sử dụng khẩu trang: Khẩu trang giúp ngăn chặn hạt bụi và các chất ô nhiễm từ không khí, giảm khả năng hít phải các tác nhân gây hại. Khẩu trang có thể bảo vệ tốt, giúp ngăn chặn vi khuẩn, vi rút và tác nhân gây bệnh khác từ việc xâm nhập vào đường hô hấp. Lưu ý rằng việc chọn khẩu trang phù hợp và sử dụng nó đúng cách là quan trọng, nên sử dụng các loại khẩu trang chuyên dụng như 3M, Xiaomi Purely… hoặc nếu không, hoàn toàn có thể sử dụng khẩu trang y tế nhưng nhớ chồng 2 cái rồi mới sử dụng.
– Tránh các hoạt động ngoài trời: Có thể thực hiện hoạt động ngoài trời vào những khoảng thời gian mà mức ô nhiễm không khí thấp hơn, chẳng hạn như buổi sáng sớm hoặc tối muộn. Tránh ra ngoài vào giờ cao điểm khi lưu lượng giao thông và phát thải khí nhà kính cao.
– Chế độ ăn uống lành mạnh: Thay đổi chế độ ăn uống lành mạnh là một biện pháp quan trọng để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Cần bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin và chất dinh dưỡng. Chẳng hạn thực phẩm giàu vitamin A như bơ, khoai lang, cà rốt và gan động vật, những thực phẩm giàu vitamin C cam, dâu tây, xoài, súp lơ xanh và đu đủ… Bổ sung thêm Vitamin E sẽ bảo vệ cơ thể khỏi những tổn thương tế bào, giúp tăng năng suất của hệ miễn dịch. Để tăng cường vitamin E cho cơ thể, hãy ăn nhiều rau xanh, hạt nguyên cám, lòng đỏ trứng, bơ và dầu thực vật.
– Sử dụng máy lọc không khí: Máy lọc không khí có khả năng loại bỏ các hạt bụi, vi khuẩn, virus, phấn hoa và các chất ô nhiễm khác từ không khí, giúp làm sạch không khí. Máy lọc không khí giúp cải thiện chất lượng không khí bên trong nhà, nơi có thể tích tụ nhiều chất ô nhiễm hơn so với bên ngoài.
Trong bối cảnh ngày càng gia tăng của ô nhiễm không khí trên toàn cầu, việc áp dụng các biện pháp bảo vệ sức khỏe trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Với việc thực hiện danh sách các biện pháp trên, người dân có thể an tâm tự bảo vệ sức khoẻ của mình trước tình hình diễn biến không khí nghiêm trọng.