PGS.TS Nguyễn Thái Sơn – Chuyên gia Vi sinh, Phó Giám đốc Trung tâm Xét nghiệm MEDLATEC, nguyên chủ nhiệm Bộ môn, Khoa Vi sinh – Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y), nguyên trưởng phòng Vi sinh – Trung tâm Y dược học quân sự (Học viện Quân y)
Bệnh bạch hầu thường xuất hiện trong những tháng lạnh ở vùng ôn đới. Tuy nhiên, thời điểm nắng nóng hiện nay bệnh lại phát triển? Chuyên gia chia sẻ nguyên nhân của sự bất thường này?
Nhiều bệnh có yếu tố lây theo mùa, đây là có yếu tố thuận lợi cho mầm bệnh, hoặc những vật trung gian mang mầm bệnh phát triển.
Bệnh đường hô hấp thường lây lan mạnh vào mùa đông, mùa xuân, tức là mùa lạnh. Đây cũng là thời điểm mà hệ hô hấp của chúng ta dễ bị tổn thương. Trước đây mùa lạnh dễ ở tập trung trong phòng kín để tránh lạnh. Mùa xuân ẩm ướt là điều kiện thuận lợi cho một số tác nhân, trong đó có tác nhân lây qua đường hô hấp như bệnh Covid-19, bệnh bạch hầu, đó là yếu tố thuận lợi gây bệnh theo mùa.
Tuy nhiên, bệnh theo mùa chỉ mang tính tương đối, vì rất nhiều mầm bệnh vẫn lây, thậm chí thành dịch ở những thời điểm không thuận lợi.
Ngoài ra, do bản chất tác nhân và lối sống thay đổi của con người. Ví dụ, vi khuẩn bạch cầu, ngoài mùa lạnh, bệnh vẫn lây rải rác ở những khu vực, những cá thể tiêm phòng chưa đầy đủ, do tập trung đông người và tiếp xúc gần.
Nguyên nhân khác là do biến đổi về mặt sinh học của tác nhân vi sinh vật để thích nghi với hoàn cảnh chúng sống, dẫn tới yếu tố mùa dần dần không còn rõ nét như trước đây nữa.
Bệnh bạch hầu thường gặp ở trẻ dưới 15 tuổi, ngoài ra, những đối tượng nào cần lưu ý để tránh nguy cơ mắc bệnh?
Bệnh bạch hầu có thể được “thanh toán” bằng vaccine, nhưng nếu chưa tiêm đủ thì dù là người lớn, hay trẻ em đều có nguy cơ mắc bệnh, nhất là khi có tiếp xúc với bệnh nhân, hoặc du lịch tại vùng dịch.
Trẻ em dưới 15 tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh nhất, do trẻ không được tiêm chủng đầy đủ, nhất là ở vùng khó khăn. Tuổi mắc bệnh bạch hầu tại Việt Nam có xu hướng tăng. Trước đây hầu hết các trường hợp mắc bệnh bạch hầu là trẻ nhỏ 5 tuổi chiếm ưu thế đặc biệt là nhóm 5-9 tuổi và 10-14 tuổi.
Đối tượng có nguy cơ mắc cao khác là người mắc mạn tính, bệnh nền, người có miễn dịch kém như trẻ nhỏ, người già.
Tiêm vaccine bạch hầu là biện pháp hữu hiệu phòng tránh bệnh, nhưng miễn dịch sẽ suy giảm theo thời gian nên vẫn có thể tái nhiễm nếu không tiêm đủ theo khuyến cáo, vì vậy người dân cần cảnh giác khi tiếp xúc các tác nhân gây bệnh.
Sau khi tiếp xúc với mầm bệnh, bao lâu người bệnh xuất hiện triệu chứng?
Đau họng, sốt cao cảnh giác dấu hiệu bệnh bạch hầu
Khi tiếp xúc với mầm bệnh, sau thời gian ủ bệnh từ 2-5 ngày là người bệnh xuất hiện triệu chứng. Dấu hiệu khởi phát ban đầu là người bệnh có sốt, đau họng, họng đỏ; Giai đoạn toàn phát: sốt cao, mệt mỏi, da xanh tái, mạch nhanh, hạch cổ. Đồng thời, xuất hiện giả mạc trắng ngà – vàng, dính chặt niêm mạc ở vùng hầu họng.
Vì sao mắc bệnh bạch hầu cần cảnh giác để tránh biến chứng?
Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi khuẩn bạch hầu phát triển trong cơ thể tiết ra ngoại độc tố gây biến chứng nghiêm trọng như viêm cơ tim, suy thận, tổn thương thần kinh. Tại vùng hầu họng, nơi vi khuẩn phát triển sẽ tạo thành giả mạc gây chít hẹp đường thở. Nếu không được điều trị kịp thời người nhiễm bệnh có thể tử vong trong vòng từ 6 đến 10 ngày.
Bệnh bạch hầu có thể được phát hiện, chẩn đoán thế nào? Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc, người bệnh có thể đến cơ sở y tế nào để được chẩn đoán?
Xét nghiệm vi sinh không thể thiếu để chẩn đoán, hỗ trợ điều trị bạch hầu
Để chẩn đoán bệnh bạch hầu các bác sĩ lâm sàng cần theo nguyên tắc:
- Yếu tố dịch tễ: Sống/ đi qua vùng dịch, tiếp xúc với người bị bệnh, dấu hiệu ủ bệnh, khởi phát phát/toàn phát, khám họng có giả mạc trắng ngà – vàng, dính chặt niêm mạc)
- Xét nghiệm vi sinh: Có giá trị chẩn đoán căn nguyên, hỗ trợ điều trị và giám sát dịch tễ học, gồm:
– Nhuộm soi dịch hầu họng: Cho kết quả nhanh, kết hợp lâm sàng để định hướng chẩn đoán sớm.
– Nuôi cấy định danh: Khẳng định vi khuẩn bạch hầu và làm kháng sinh đồ hỗ trợ điều trị trong trường hợp vi khuẩn bạch hầu kháng thuốc.
– Realtime PCR: Phát hiện cả vi khuẩn và gen sinh độc tố.
– Định lượng kháng thể kháng độc tố bạch hầu trong máu.
– Test nhanh: Phát hiện độc tố bạch hầu từ tăm bông ngoáy họng sau tăng sinh trong môi trường lỏng.
Khi làm những xét nghiệm trên còn có giá trị phân biệt bạch hầu họng với các viêm họng khác có giả mạc như viêm họng mủ, viêm thanh quản do virus, dị vật thanh quản… để tránh bỏ sót bệnh.
Hiện nay, các cơ sở y tế uy tín đều được trang bị các thiết bị kỹ thuật, xét nghiệm chẩn đoán, do vậy, người dân có nhu cầu có thể đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, sàng lọc kịp thời, tránh biến chứng.
Bên cạnh tiêm vaccine, còn có những biện pháp nào phòng ngừa được bệnh bạch hầu? Đó là những biện pháp nào? Chuyên gia có lưu ý gì với người dân lúc này?
Để phòng tránh nguy cơ lây lan bạch hầu, người dân cần tuân thủ thực hiện các biện pháp phòng ngừa như sau:
Tiêm vaccine đủ mũi, đúng lịch giúp phòng ngừa bệnh truyền nhiễm
- Đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu đầy đủ, đúng lịch.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.
- Che miệng khi ho, hoặc hắt hơi.
- Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày.
- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh, hoặc nghi ngờ bệnh.
- Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
- Khi có dấu hiệu mắc bệnh, hoặc nghi ngờ mắc không nên quá lo lắng mà cần thông báo ngay cho cơ quan y tế để được khám, cách ly, xét nghiệm và điều trị kịp thời.
Nguồn: https://medlatec.vn/tin-tuc/chuyen-gia-ly-giai-su-phat-trien-bat-thuong-cua-benh-bach-hau-trong-mua-nang-nong