Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: Giá điện khí LNG cần phải theo cơ chế thị trường
PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế
Giá điện cần theo cơ chế thị trường và có hợp đồng dài hạn
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, giá LNG thường biến động do nhiều yếu tố như cung – cầu toàn cầu, biến đổi khí hậu, chính sách năng lượng và các khủng hoảng địa chính trị. Cơ chế thị trường giúp giá điện điều chỉnh linh hoạt theo sự thay đổi của giá LNG, đảm bảo tính bền vững cho ngành điện.
Một cơ chế giá theo thị trường tạo ra môi trường minh bạch và hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Điều này cần thiết để thu hút vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng LNG và năng lượng tái tạo, góp phần tăng cường an ninh năng lượng.
Cơ chế giá thị trường giúp phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn. Các nhà sản xuất điện sẽ điều chỉnh sản xuất dựa trên chi phí và nhu cầu, từ đó giảm thiểu lãng phí và tăng hiệu quả kinh tế. Khi giá theo cơ chế thị trường, điện phản ánh đúng chi phí sản xuất, người tiêu dùng sẽ có động lực tiết kiệm năng lượng và sử dụng hiệu quả hơn. Điều này không chỉ giúp giảm chi phí mà còn giảm áp lực lên hệ thống điện.
Về cam kết hợp đồng dài hạn, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc quy định về các cam kết dài hạn trong mua bán khí LNG và hợp đồng điện có ý nghĩa quan trọng. Bởi các cam kết dài hạn sẽ giúp đảm bảo nguồn cung LNG ổn định cho sản xuất điện, trong bối cảnh giá LNG có thể biến động lớn theo thời gian và các yếu tố thị trường.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, hợp đồng dài hạn thường có giá cố định hoặc tăng dần, giúp giảm thiểu rủi ro cho cả nhà cung cấp và người tiêu dùng. Điều này tạo ra một môi trường kinh doanh ổn định và tạo điều kiện cho nhà đầu tư yên tâm đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ cần thiết cho sản xuất và cung cấp điện.
Việc có các hợp đồng dài hạn giúp các bên quản lý rủi ro liên quan đến biến động giá và bất ổn trong thị trường, giúp bảo vệ cả nhà cung cấp và người tiêu dùng khỏi những cú sốc thị trường không lường trước.
“Các cam kết dài hạn có thể tạo ra một nền tảng vững chắc cho các hoạt động thương mại và đầu tư, từ đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường LNG và điện lực. Các bên có thể lên kế hoạch phát triển và tối ưu hóa hoạt động của mình trong dài hạn, từ đó đảm bảo tính bền vững cho ngành năng lượng”, chuyên gia Ngô Trí Long cho biết thêm.
Mở rộng đối tượng được mua bán điện trực tiếp
Việc mở rộng đối tượng tham gia vào thị trường mua bán điện trực tiếp, theo các chuyên gia, sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh, góp phần giảm giá điện và nâng cao hiệu quả sản xuất điện năng tại Việt Nam.
Mua bán điện trực tiếp còn giúp các nhà máy công nghiệp có thể thương thảo và ký kết hợp đồng mua điện với nhà sản xuất phù hợp với nhu cầu năng lượng cụ thể của mình/Ảnh minh họa
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, việc cho phép các đối tượng khác ngoài các công ty điện lực, như các nhà máy công nghiệp lớn, trực tiếp tham gia vào thị trường mua bán điện sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh. Điều này giúp giảm chi phí sản xuất và giá điện cho người tiêu dùng. Các nhà sản xuất điện cũng có thể linh hoạt lựa chọn nguồn nguyên liệu tối ưu, bao gồm khí LNG, để tối ưu hóa chi phí và nâng cao hiệu suất hệ thống năng lượng.
Việc mua bán điện trực tiếp còn giúp các nhà máy công nghiệp có thể thương thảo và ký kết hợp đồng mua điện với nhà sản xuất phù hợp với nhu cầu năng lượng cụ thể của mình, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất. Đồng thời, điều này cũng tạo ra cơ hội thu hút các nhà đầu tư vào các dự án hạ tầng năng lượng, đặc biệt là điện khí và LNG.
Khi được phép bán điện trực tiếp, các nhà sản xuất sẽ giảm thiểu rủi ro từ sự biến động của giá điện và cung – cầu, tạo ra một mô hình kinh doanh ổn định hơn. Thêm vào đó, việc mở rộng đối tượng tham gia cũng sẽ khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và điện khí, từ đó góp phần giảm thiểu ô nhiễm và hướng tới phát triển bền vững.
Cũng theo PGS.TS Ngô Trí Long, để triển khai hiệu quả mô hình này, cần có các điều chỉnh trong hệ thống pháp lý, đặc biệt là sửa đổi Luật Điện lực. Các quy định mới cần làm rõ cơ chế chính sách hỗ trợ nhiệt điện khí – nguồn năng lượng “trụ đỡ” quan trọng cho cơ cấu nguồn điện quốc gia đến năm 2030. Các chính sách này sẽ bao gồm các ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính cho các nhà đầu tư vào nhiệt điện khí, quy trình cấp phép nhanh chóng, cũng như cơ chế giá mua điện linh hoạt theo cơ chế thị trường, bảo đảm lợi ích hợp lý cho nhà đầu tư và người tiêu dùng.
Ngoài ra, chính sách khuyến khích nghiên cứu và phát triển công nghệ mới trong lĩnh vực nhiệt điện khí, đặc biệt là các công nghệ giảm thiểu ô nhiễm và nâng cao hiệu quả, cũng cần được đưa vào Luật Điện lực sửa đổi. Một kế hoạch phát triển nguồn điện rõ ràng, xác định tỷ trọng nhiệt điện khí trong tổng thể quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, sẽ giúp Việt Nam duy trì an ninh năng lượng và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Việc sửa đổi Luật Điện lực với các quy định chi tiết sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ và ổn định của ngành năng lượng trong tương lai, đồng thời giúp bảo vệ môi trường và tối ưu hóa nguồn lực quốc gia.
“Trong khi chờ thông qua và ban hành Luật Điện lực sửa đổi, chắc chắn còn mất nhiều thời gian khi Luật được thực thi và đi vào cuộc sống. Để tháo gỡ những rào cản, khó khăn đang hiện hữu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần ban hành Nghị quyết nhằm tháo gỡ rào cản, khó khăn cho các dự án nhiệt điện khí là rất cần thiết. Nghị quyết này không chỉ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đang gặp khó khăn mà còn góp phần xây dựng cơ cấu nguồn điện vững chắc, đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia”, PGS.TS Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Huy Tùng
Nguồn: https://www.pvn.vn/chuyen-muc/tap-doan/tin/4d0ef27d-e723-4313-8104-4e5f791e3d0f