Chuyên gia kiến nghị giãn lộ trình tăng thuế rượu, bia để ổn định thị trường
Tại Hội thảo “Sửa thuế để thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 14/8, các chuyên gia cho rằng đề xuất tăng thuế cần nghiên cứu thực tế, lộ trình khả thi và cân nhắc sức chịu đựng của doanh nghiệp.
Cần sự ổn định về chính sách
Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, dự kiến sẽ được Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).
Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm rượu, bia và bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Hội thảo “Sửa thuế để thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 14/8. (Ảnh: Chí Cường) |
Nêu quan điểm về vấn đề này tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế cho rằng cần nghiên cứu kỹ mức độ tăng tỷ lệ thuế suất cũng như lộ trình tăng hợp lý để đảm đảm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, công ăn việc làm của người lao động trong chuỗi cung ứng từ khâu nguyên liệu, sản xuất, thương mại, dịch vụ ăn uống.
Đồng thời, theo bà Cúc, việc nghiên cứu kỹ mức độ tăng và lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cũng sẽ tạo điều kiện để ổn định thị trường, giúp doanh nghiệp, người tiêu dùng thích nghi với việc tăng dần thuế đến năm 2030, tránh bị sốc so tăng nhanh, đột ngột.
“Việc điều chỉnh thuế suất các mặt hàng rượu, bia cần hướng đến chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt hài hòa với các mục tiêu và phù hợp với bối cảnh cụ thể. Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức cao và liên tục nhiều khả năng không mang lại hiệu quả như mục tiêu đề ra. Có thể việc tăng thuế làm tăng giá bán, hạn chế sản xuất rượu, bia, nhưng chưa hẳn sẽ đạt được mục tiêu giảm tiêu dùng mặt hàng rượu, bia.
Chẳng hạn, việc tăng thuế cao dẫn đến hàng nhập lậu tăng, người tiêu dùng có thu nhập cao chuyển sang uống rượu, bia nhập lậu. Người tiêu dùng ở nông thôn, có thu nhập thấp chuyển sang cơ chế tự cung, tự cấp và bán lấy lãi bằng cách tự nấu rượu, tự pha chế, không nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, không đảm bảo chất lượng sản phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân”, bà Cúc phân tích.
Thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế gián thu, được cấu thành trong giá bán rượu, bia. Về nguyên tắc việc tăng thuế sẽ tăng giá bán sản phẩm tương ứng. Nhưng việc hạn chế tiêu dùng, không chỉ phụ thuộc vào yếu tố tăng thuế tiêu thụ đặc biệt mà cần triển khai nhiều biện pháp khác mới đảm bảo mục tiêu đó.
“Việc thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đã làm giảm hẳn số lượng người điều hành phương tiện giao thông uống rượu, bia là một minh chứng”, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam cho hay.
Bà Hương Vũ, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam. (Ảnh: Chí Cường) |
Tương tự, theo bà Hương Vũ, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam, đối với ngành rượu, bia, bà ủng hộ phương pháp tính thuế tương đối – đây cũng là phương pháp mà Việt Nam đã cam kết khi gia nhập WTO. “Phương pháp này không chỉ phù hợp với thị trường Việt Nam mà còn đảm bảo công bằng giữa các phân khúc thị trường, khi mà sự chênh lệch giá giữa bia cao cấp và bia phổ thông vẫn còn lớn”, bà Hương Vũ nói.
Về thuế suất, bà Hương Vũ nhấn mạnh việc nghiên cứu kỹ lưỡng để hài hòa lợi ích giữa nhà sản xuất, Chính phủ và người tiêu dùng. Bà cho rằng nếu cơ quan quản lý chỉ chú trọng vào việc tăng nguồn thu mà không cân nhắc đến quyền lợi của nhà sản xuất và người tiêu dùng thì có thể dẫn đến những hệ quả không mong muốn như giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp, thậm chí là nguy cơ phá sản, từ đó làm giảm nguồn thu thuế.
“Thuế suất nên được giãn cách dần thay vì tăng đột ngột lên 70% hay 80% như trong bản dự thảo hiện tại. Điều này không chỉ giúp nhà sản xuất có thời gian điều chỉnh mà còn đảm bảo không tạo ra “cú sốc” cho doanh nghiệp và người tiêu dùng”, bà Hương Vũ thẳng thắn.
Đảm bảo lợi ích người tiêu dùng
Việc tăng thuế đột ngột là một trong những lý do khiến người tiêu dùng chuyển sang sử dụng sản phẩm giá rẻ tự sản xuất, chất lượng thấp. Thực tế, ngoài thị trường bia rượu chính thức, còn tồn tại một thị trường bia rượu phi chính thức vốn đã phát triển rất mạnh trong suốt nhiều thập niên qua.
Ước tính của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) vào đầu năm 2022 cho thấy, rượu từ khu vực phi chính thức, cụ thể là rượu thủ công và rượu lậu, ước tính khoảng 385 triệu lít/năm, trong đó rượu thủ công chiếm 70 đến 90% con số này. Và tất nhiên với hơn 380 triệu lít rượu này, Nhà nước không thu được một đồng thuế.
Khi thuế với các sản phẩm bia rượu chính thức được điều chỉnh tăng quá nhanh, việc người tiêu dùng chuyển sang dùng nhiều hơn các sản phẩm rượu phi chính thức. Hơn nữa, nhìn từ các dữ liệu lịch sử, việc tăng mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt cũng không giúp thay đổi hành vi của người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Nguyên Vụ trưởng Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính). (Ảnh: Chí Cường) |
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Phụng, Nguyên Vụ trưởng Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính) thông tin, thống kê từ năm 2003 đến năm 2016 dựa trên số liệu của Hiệp hội đồ uống và hiệp hội rượu bia và Tổng Cục thuế cho thấy trong 13 năm nay, từ lúc tiêu thụ bia/rượu bình quân đầu người 3,8 lít/người/năm tăng lên 6,6 lít/người/năm vào giai đoạn từ năm 2008 – 2010.
Đến năm 2016, thời kỳ kinh tế tăng trưởng đỉnh cao của giai đoạn vừa qua, mức tiêu thụ này lên đến 8,3 lít/người/năm. Như vậy từ năm 2003 đến năm 2016, rõ ràng mức độ tiêu thụ bia rượu bình quân đầu người đã tăng gấp hơn 2 lần.
“Từ đó có thể thấy tăng thuế tiêu thụ đặc biệt không giúp làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Hành vi của người tiêu dùng thực chất thay đổi do Nghị định 100. Như vậy rõ ràng các biện pháp hành chính có tác dụng nhiều hơn thuế”, ông Phụng nói và đề xuất cần tiếp tục kéo dài các biện pháp hành chính, bởi các biện pháp này có ảnh hưởng còn mạnh mẽ hơn rất nhiều so với sử dụng các công cụ thuế.
Trao đổi bên lề Hội thảo, ông Phụng cho biết, doanh nghiệp và người dân là chủ thể tạo ra thu nhập, cho nên việc thu thuế cần phải đảm bảo phù hợp với người dân, phù hợp với mức thu nhập, phù hợp với tiêu dùng.
Tại Việt Nam, nếu áp dụng ngay phương pháp tuyệt đối hoặc phương pháp hỗn hợp thì sẽ gây nên cú sốc và thiệt hại cho doanh nghiệp và cho chính người tiêu dùng vì đại bộ phận chúng ta thu nhập trung bình, không đủ tài chính để tiêu thụ phân khúc giá triệu đồng một chai rượu, trăm ngàn một chai bia.
“Chúng ta chỉ có thể tiêu thụ sản phẩm ở mức vừa phải khiêm tốn ví dụ như 15.000 – 20.000 VNĐ một lon bia. Vậy nên việc áp thuế theo tỷ lệ % là hợp lý”, ông Phụng nói.
Ngoài ra, ông Phụng nhấn mạnh, khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, các cơ quan chức năng cần có các chiến dịch truyền thông để người tiêu dùng chấp nhận mức giá. Đồng thời, để doanh nghiệp chấp nhận sự tác động đến quá trình sản xuất kinh doanh.
Nguồn: https://baodautu.vn/chuyen-gia-kien-nghi-gian-lo-trinh-tang-thue-ruou-bia-de-on-dinh-thi-truong-d222415.html