Văn phòng Công tố viên quận Manhattan (New York) ngày 4/4 công bố bản cáo trạng 34 trọng tội đối với cựu Tổng thống Donald Trump. Bản cáo trạng nói rằng, ông Trump đã làm giả hồ sơ kinh doanh để che giấu khoản tiền bịt miệng ngôi sao khiêu dâm vào những ngày cuối cùng của chiến dịch tranh cử năm 2016.
Theo công tố viên Manhattan Alvin Bragg, ông Trump đã 34 lần chi tiền cho các thỏa thuận “bịt miệng” như vậy và kê khai chúng là chi phí pháp lý trong hồ sơ kinh doanh.
Bản thân việc làm giả hồ sơ kinh doanh ở New York là một tội nhẹ có thể bị phạt không quá 1 năm tù, nhưng nó có thể bị nâng lên thành trọng tội có thể bị phạt tới 4 năm tù khi được thực hiện để tiến hành hoặc che giấu một tội danh khác. Với 34 trọng tội mức E, mức độ thấp nhất của trọng tội theo luật hình sự New York, ông Trump đối mặt với tổng cộng tối đa hơn 100 năm tù.
Mặc dù việc truy tố nhằm vào một cựu tổng thống là chưa từng có trong lịch sử Mỹ, nhưng để kết tội ông Trump không phải dễ dàng. Giới chuyên gia pháp lý cho rằng, các công tố viên sẽ gặp thách thức lớn khi tìm cách chứng minh ông Trump phạm trọng tội theo lập luận trên.
Mối quan hệ của cựu tổng thống với ngôi sao phim người lớn Stormy Daniels và các khoản thanh toán bị cho là nhằm mua sự im lặng của bà làm dấy lên những quan ngại về vấn đề đạo đức, nhưng không nhất thiết giải quyết trong phòng xử án.
Công tố viên Bragg cáo buộc Michael Cohen, luật sư cũ của ông Trump, vi phạm luật tranh cử khi đứng ra làm trung gian chi trả khoản tiền trên. Bản cáo trạng không nêu rõ nhưng dường như ông Trump bị cáo buộc sai phạm khi không công khai khoản chi này là một phần trong chi phí vận động tranh cử, thay vào đó, tìm cách làm giả hồ sơ kinh doanh.
Tuy nhiên, lập luận này không chắc chắn bởi mối quan hệ của cựu chủ nhân Nhà Trắng với nữ diễn viên khiêu dâm Daniels thuộc phạm trù cá nhân, việc ông không kê khai khoản chi trả vào chi phí tranh cử hoàn toàn chấp nhận được.
Thực tế, có rất nhiều khoản chi tiêu cá nhân mà một ứng cử viên thực hiện trong suốt chiến dịch tranh cử có thể mang lại lợi ích cho họ, nhưng sẽ là sai lầm nếu yêu cầu họ tiết lộ.
Năm 2008, cựu thượng nghị sĩ John Edwards cũng bị truy tố với cáo buộc che giấu khoản tiền chi ra nhằm che giấu mối quan hệ ngoài hôn nhân trong chiến dịch tranh cử tổng thống. Sau đó, ông được trắng án.
Randy Zelin, giáo sư Trường Luật Cornell, người trước đây từng làm luật sư bào chữa và công tố viên, cho biết công tố viên Bragg có thể gặp trở ngại đáng kể trong việc thuyết phục bồi thẩm đoàn rằng ông Trump có ý định phạm tội hoặc che giấu một tội khác khi làm sai lệch hồ sơ kinh doanh để che giấu tiền bịt miệng.
Jessica Levinson, chuyên gia phân tích luật của hãng tin CBC và là giáo sư trường luật Loyola, nhận định các công tố viên Manhattan có “cơ sở rất vững chắc” khi lập luận rằng hành động làm giả hồ sơ kinh doanh của cựu tổng thống Trump là một phần trong chiến lược “tìm và diệt” của ông Trump nhằm che giấu những tiêu cực về ông trước thềm bầu cử. Tuy nhiên, bà cũng cho rằng việc móc nối hành động đó với hành vi vi phạm luật bầu cử hoặc các tội danh khác sẽ khó khăn hơn.
Theo chuyên gia này, để chứng minh ông Trump phạm trọng tội, các công tố viên chỉ có thể tận dụng lời khai của những người có liên quan như cựu luật sư Michael Cochen hay David Pecker – cựu giám đốc điều hành hãng truyền thông được thuê để dập tắt những chuyện tiêu cực của ông.
Trong khi đó, John Coffee, giáo sư Đại học Columbia, cho rằng các luật sư của ông Trump sẽ tìm cách bác bỏ vụ kiện với lý do công tố viên không có đủ bằng chứng chứng minh ông làm giả hồ sơ kinh doanh để che giấu một tội khác.
Chuyên gia Zelin nói, đội ngũ của ông Trump có thể sẽ lập luận việc chi tiền bịt miệng chỉ nhằm bảo vệ gia đình ông thay vì để tác động đến bầu cử.