Chiều 6/6, nhiều chuyên gia đã đưa ra tham luận, chia sẻ ý kiến tại Hội nghị tập huấn “Truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài theo cách mới”, do Bộ TT&TT cùng UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức tại TP Đà Lạt.
Hội nghị có sự tham gia của ông Phạm Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ TT&TT) cùng hơn 300 đại biểu đến từ các sở, ngành của 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Phát biểu tham luận tại hội nghị, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Le Group of Companies cho rằng, mỗi quốc gia đều có một cái tên, hình ảnh riêng trong tâm trí của người dân trong và ngoài nước. Quốc gia nào cũng có thương hiệu riêng như con người, địa điểm, văn hóa, lịch sử, ẩm thực, gương mặt nổi tiếng…
Tuy nhiên, ông Lê Quốc Vinh cho rằng, thách thức lớn nhất trong xây dựng thương hiệu quốc gia là làm thế nào truyền tải hình ảnh, hoặc thông điệp duy nhất của mình. Vì thế, mỗi tỉnh thành hay khu vực phải xây dựng chiến lược thương hiệu địa phương, dựa vào thế mạnh bền vững của vùng đất để tạo ra nét đặc trưng. Bên cạnh đó, phải xây dựng chiến lược truyền thông cho thương hiệu, thúc đẩy phát triển, quảng bá hình ảnh.
Theo ông Nguyễn Đức Dũng, Tổng Giám đốc Công ty THHH Techcity, để truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài, phải có một nền tảng quảng bá tốt. Hình ảnh, thông điệp tích cực về đất nước, con người của Việt Nam cần được lan tỏa rộng rãi trên không gian mạng, đến với đông đảo công chúng trong nước và cộng đồng quốc tế.
Chẳng hạn, việc quảng bá hình ảnh Việt Nam đã được thực hiện tại địa chỉ https://vietnam.vn và các kênh truyền thông mạng xã hội một cách tích cực, và được quản lý rõ ràng. Ở mỗi địa phương cần có những trang tin tức, nội dung hữu ích để truyền tải. Khi những trang thông tin có nội dung tốt, hình ảnh đẹp, sẽ tạp cảm xúc tốt cho người xem.
Theo ông Nguyễn Đức Dũng, cần áp dụng công nghệ để có thể dịch những bài viết tiếng Việt trên website sang các thứ tiếng khác nhau, việc này phải dùng công nghệ thực hiện một cách tự động. Khi đó, người nước ngoài sẽ dùng ngôn ngữ của họ để đọc được, giúp quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài.
Là người đại diện cho các KOL, nhạc sĩ Quách Beem (Đoàn Đông Đức) cho rằng, mạng xã hội ngày càng phát triển mạnh, là công cụ hữu hiệu để nâng cao chất lượng hiệu quả công tác thông tin đối ngoại. Ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số để đổi mới cách làm thông qua đối ngoại sẽ tạo hiệu quả đột phá.
Theo nhạc sĩ Quách Beem, âm nhạc cũng là công cụ truyền thông mạnh mẽ, góp phần sáng tạo không gian mới, thúc đẩy hình ảnh của Việt Nam trên thế giới. Chẳng hạn, dự án âm nhạc “Tôi yêu Việt Nam” với ca khúc “Hà Giang ơi” là một trong 63 ca khúc của dự án âm nhạc quảng bá – thúc đẩy công tác thông tin đối ngoại. Dự án này đã đạt hơn 200 triệu lượt xem trên các nền tảng công nghệ số.
Nhạc sĩ Quách Beem cho biết, dự án âm nhạc “Tôi yêu Việt Nam” dự kiến sẽ được dịch sang 5 thứ tiếng và sẽ huy động các KOL, nghệ sĩ nổi tiếng có sức ảnh hưởng cùng lan tỏa, cùng chung tay quảng bá, phát triển hình ảnh quốc gia.
Ông Phạm Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại cho hay, hội nghị lần cũng thống nhất được với 63 tỉnh, thành cùng nhau chung tay trở thành lực lượng thông tin đối ngoại phát triển mạnh. Theo ông Tuấn, để quảng bá hình ảnh Việt Nam, ngoài nguồn lực đã có, cần kết nối thêm nguồn lực bên ngoài xã hội, nguồn lực báo chí và khi khai thác tốt các lợi thế này, sẽ tạo được kết nối, lan tỏa thông tin tích cực, hiệu ứng tốt, để đi tới thành công.
Ông Nguyễn Anh Tuấn mong muốn, Cục Thông tin đối ngoại trở thành cầu nối, điểm trung chuyển các nguồn lực xã hội để cùng nhau xây dựng, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/chuyen-gia-hien-ke-phuong-thuc-quang-ba-hinh-anh-viet-nam-ra-nuoc-ngoai-2288963.html