PGS.TS Trần Trí Trắc sinh năm 1943 tại làng Nho Tống (nay thuộc huyện Phú Xuyên, Hà Nội) trong một gia đình nhiều đời làm nghề y, được biết đến là chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu, lý luận phê bình sân khấu, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật qua đời vào tối 27/9, ở tuổi 82.
Chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu, lý luận phê bình sân khấu PGS.TS Trần Trí Trắc. (Nguồn: Vietnamnet) |
PGS.TS Trần Trí Trắc có năng khiếu nghệ thuật từ nhỏ. Năm 22 tuổi, ông là diễn viên chính xuất sắc của Đoàn Chèo Lúa mới Hà Tây.
Với các vai diễn ấn tượng như: Tân (vở Trước giờ tái ngũ), ông bố (vở Đường xuân), Đức (vở Chị Nhàn), Việt (vở Đôi mắt), thư ký (vở Bản danh sách điệp viên), Lê Huy (vở Tiền tuyến gọi), bác sĩ (vở Lửa hậu phương), Ngô Thì Nhậm (vở Ngô Thì Nhậm)… Trần Trí Trắc được khán giả, đồng nghiệp yêu mến.
Năm 1969, ông học đạo diễn tại Trường Nghệ thuật sân khấu Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp, ông Trần Trí Trắc đã dàn dựng hàng chục vở với nhiều thể loại khác nhau như: Sóng, Lời ru tình đời (Câu lạc bộ Bạch Đằng, Hải Phòng), Đường xuân, Bài thơ nghĩa tình (Đoàn Ca Múa Kịch Hà Tây), Hoa rừng và thanh gươm (Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Hòa Bình), Mục Liên Thanh Đề (Đoàn Chèo Hà Nội), Tùng lò gạch (Đoàn Chèo Tổng cục Hậu cần, Đoàn Chèo Hà Nội), Vượt vũ môn (Nhà hát Múa rối Trung ương)…
Không chỉ ở cương vị diễn viên, đạo diễn, PGS.TS Trần Trí Trắc còn tham gia sáng tác kịch bản sân khấu. Năm 23 tuổi, ông đã viết kịch bản đầu tay Trước giờ tái ngũ, được Đoàn Ca múa kịch Hà Tây dàn dựng và biểu diễn. Từ đó đến nay, ông đã sáng tác khoảng 30 kịch bản, đoạt 19 giải thưởng.
Nhiều kịch bản của ông đã được các nhà hát, các đoàn nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp dàn dựng như: Tổ quốc Việt Nam, Tiếng hát, Người đàn bà bất hạnh, Chuyện tình hậu chiến, Cõi thiêng huyền thoại, Băng đạn cuối cùng…
Trong đó, trích đoạn Tùng lò gạch (hay Nghịch đời) trong vở Người đàn bà bất hạnh do ông sáng tác kiêm đạo diễn đã trở thành mẫu mực về trích đoạn chèo hay về đề tài hiện đại, được nhiều nghệ sĩ biểu diễn, gắn với tên tuổi của danh hài Xuân Hinh và NSND Quốc Trượng, được đưa vào đào tạo vai mẫu cho các khóa đào tạo diễn viên Chèo của Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội.
Vốn kinh nghiệm về diễn xuất, đạo diễn và tác giả kịch bản – đã trở thành hành trang giúp PGS.TS Trần Trí Trắc quyết tâm theo đuổi con đường trở thành nhà lý luận phê bình sân khấu.
PGS.TS Trần Trí Trắc có hơn 300 bài viết đăng trên các tạp chí chuyên ngành và 11 công trình nghiên cứu khoa học viết riêng.
Trong đó có 6 cuốn sách đoạt 8 giải thưởng như. Cuốn Cơ sở triết học, văn hóa học và mỹ học của chèo cổ đoạt giải A của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam năm 2012, giải A của Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương năm 2013 và Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2016. Cuốn Thi pháp chèo cổ đoạt giải A năm 2019 của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Cuốn Cơ sở văn hóa của nghệ thuật biểu diễn Việt Nam đoạt giải B (không có giải A) của Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương năm 2018. Cuốn Chèo cách mạng được trao giải B của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam năm 2020.
Gần đây nhất, PGS.TS Trần Trí Trắc đã xuất bản cuốn sách Tuồng, đoạt giải Khuyến khích năm 2023 và Kịch dân ca đoạt giải C của Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương.
TS. NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam – học trò của PGS.TS Trần Trí Trắc chia sẻ: “Tôi có nhiều duyên nợ với thầy. Khi dựng hai vở của thầy viết kịch bản là Linh khí trời Nam và Người đi tìm minh chủ, thầy là người tận tình, nhiệt huyết và chu đáo, luôn hối thúc học trò, hướng dẫn như cách cha mẹ nâng đỡ con những bước đi chập chững đầu tiên. Tôi là một nghệ sĩ cải lương lại dấn thân vào con đường nghiên cứu khoa học, nhờ sự giúp đỡ của thầy đã bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ, Tiến sĩ”.
Nguồn: https://baoquocte.vn/chuyen-gia-hang-dau-ve-nghien-cuu-ly-luan-phe-binh-san-khau-qua-doi-o-tuoi-82-287983.html