(Dân trí) – Trả lời phỏng vấn Dân trí, chuyên gia thể thao Hàn Quốc Bae Ji Won chỉ ra những vấn đề thể thao Việt Nam cần cải thiện nếu muốn nghĩ đến tấm huy chương ở sân chơi Olympic.
Đoàn thể thao Việt Nam đã kết thúc màn tranh tài tại Olympic Paris 2024. Kết quả không khó đoán, Việt Nam không giành được tấm huy chương nào dù có 16 vận động viên tham gia. Kết quả này phản ánh điều gì thưa ông?
– Trong thời gian làm việc tại Việt Nam, tôi đã có cơ hội mục sở thị cơ sở hạ tầng thể thao của các bạn. Tôi đã tham quan Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia và một số cơ sở tập luyện thể dục thể thao, chủ yếu là các môn điền kinh, cử tạ, bắn cung và một số môn thể thao trong nhà.
Người ta thường nói việc giành huy chương tại Olympic là thành quả của ý chí mãnh liệt và tinh thần mạnh mẽ của các vận động viên (VĐV). Tuy nhiên, ý nghĩa của những tấm huy chương còn phản ánh mức độ phát triển của thể thao quốc gia.
Nói cách khác là phản ánh nền khoa học thể thao, sự phát triển của công nghệ, trình độ nhân lực, cơ sở hạ tầng và nguồn lực kinh tế.
Việt Nam cần nhận thức rõ mục tiêu, giá trị và đâu là môn thể thao tiềm năng để cạnh tranh huy chương ở Thế vận hội. Theo quan điểm của tôi, Việt Nam cần phát triển hơn nữa cơ sở hạ tầng và chủ động đầu tư mạnh mẽ hơn vào các môn thể thao cá nhân như bắn súng, bắn cung, cử tạ, judo, đấu vật, quyền anh, cầu lông hay bóng bàn.
Lý do là các môn thể thao đồng đội như bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, bóng chày, bóng ném hay các môn điền kinh, bơi lội đòi hỏi rất nhiều về thể chất, mà về thể chất thì có sự khác biệt rất lớn giữa người châu Á so với châu Âu, châu Mỹ hoặc châu Phi.
Ông có thể chia sẻ chi tiết hơn về cách vận dụng khoa học thể thao như thế nào, giúp vận động viên nâng cao thành tích?
– Khoa học thể thao là một lĩnh vực nghiên cứu kết hợp kiến thức từ các ngành khác nhau như sinh lý học, sinh học, tâm lý học, dinh dưỡng, y học thể thao và công nghệ để hiểu rõ hơn về cách cơ thể con người hoạt động và phản ứng trong quá trình luyện tập và thi đấu thể thao. Mục tiêu chính của khoa học thể thao là tối ưu hóa hiệu suất vận động viên (VĐV) và giảm nguy cơ chấn thương.
Tại Hàn Quốc, khoa học thể thao phát triển mạnh mẽ trong những thập niên gần đây, đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao thành tích thể thao của quốc gia này trên trường quốc tế.
Sự phát triển của khoa học thể thao ở Hàn Quốc dựa trên hệ thống đào tạo và nghiên cứu tiên tiến, với Viện Khoa học Thể thao Quốc gia Hàn Quốc (KISS) được thành lập từ năm 1980, nhằm tập trung vào nghiên cứu và ứng dụng khoa học để nâng cao hiệu suất của các vận động viên (VĐV) quốc gia, đặc biệt là trong các môn thể thao như bắn cung, bắn súng, đấu kiếm và taekwondo.
Ngoài ra, nhiều trường đại học hàng đầu ở Hàn Quốc như Đại học Quốc gia Seoul và Đại học Yonsei cũng có các khoa khoa học thể thao, nơi họ nghiên cứu về sinh lý học, sinh học, tâm lý học thể thao và dinh dưỡng.
Sự phát triển của khoa học thể thao tại Hàn Quốc cũng được áp dụng công nghệ tiên tiến như phân tích video, công nghệ theo dõi chuyển động và sử dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa quá trình tập luyện của VĐV. Điều này giúp họ có thể cải thiện kỹ thuật và chiến thuật thi đấu.
Không chỉ vậy, Hàn Quốc đã đầu tư mạnh mẽ vào các công nghệ y tế và phục hồi tiên tiến, bao gồm các phương pháp trị liệu bằng nhiệt, massage và các thiết bị hỗ trợ khác giúp VĐV phục hồi nhanh chóng sau chấn thương.
Thành tích đoàn Hàn Quốc đạt được tại Thế vận hội 2024 chính là minh chứng của việc áp dụng khoa học thể thao. Tất nhiên cũng cần nói thêm rằng Chính phủ Hàn Quốc đã đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển khoa học thể thao thông qua việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nghiên cứu và phát triển, cũng như hỗ trợ tài chính cho các vận động viên và các chương trình đào tạo.
Tại Olympic Paris 2024, đoàn Hàn Quốc đang thi đấu khá thành công khi nằm trong top 10. Trong đó, Hàn Quốc tiếp tục thống trị ở môn bắn cung. Thành công này đến từ đâu thưa ông? Hàn Quốc đã xây dựng chiến lược đầu tư và phát triển môn thể thao này như thế nào?
– Bắn cung Hàn Quốc thống trị mọi giải đấu trên khắp thế giới, đến mức cứ môn thể thao nào thắng áp đảo, truyền thông đất nước chúng tôi lại ví von là “mạnh như bắn cung”.
Đất nước chúng tôi tổ chức nhiều cuộc thi để tuyển chọn VĐV tham dự các giải đấu quốc tế. Thi đấu bắn cung ở Hàn Quốc hết sức khốc liệt, thậm chí người ta còn cho rằng vô địch một giải quốc nội còn khó hơn vô địch… thế giới hay giành huy chương vàng Olympic. Nói vậy để thấy Hàn Quốc có nhiều VĐV bắn cung giỏi như thế nào.
Tôi cũng thường tự hỏi tại sao bắn cung Hàn Quốc lại thống trị thế giới. Tôi nghĩ câu trả lời là quá chung chung nếu cho rằng các tay cung của chúng tôi có kỹ năng xuất sắc, khả năng tập trung cao độ và bản lĩnh thi đấu vượt trội so với các quốc gia khác trên thế giới.
Và tôi nhận ra, đất nước chúng tôi có truyền thống bắn cung xuất sắc. Từ xa xưa, trong các cuộc chiến tranh, những cung thủ đã thể hiện kỹ năng thượng thừa và được kế thừa từ đời này sang đời khác.
Tất nhiên, thành công không chỉ đến từ câu chuyện. Hàn Quốc ngày càng thống trị môn bắn cung là nhờ sự phát triển của khoa học thể thao, các VĐV ngày càng điềm tĩnh và bản lĩnh nhờ sự tư vấn từ các bác sỹ tâm lý. Khi kinh nghiệm càng tăng, chiến thắng càng nhiều thì sự tự tin càng vượt trội.
Tổng quát hơn, Hàn Quốc xây dựng chiến lược như thế nào để phát triển các môn thể thao đỉnh cao và canh tranh huy chương tại Thế vận hội?
– Kết quả đoàn thể thao Hàn Quốc đạt được đến từ chính chiến lược đầu tư phát triển thể thao như tôi vừa nói đến. Dĩ nhiên nền thể thao đất nước chúng tôi có sự đầu tư và hỗ trợ tốt cho nhiều môn thể thao, nhưng nổi bật hơn cả là các môn thể thao cá nhân. Không chỉ bắn cung, Hàn Quốc cũng rất mạnh ở môn bắn súng hay đấu kiếm.
Tôi nghĩ rằng việc đầu tư và hỗ trợ mạnh mẽ có chọn lọc đặc điểm nền thể thao cũng như sự kiện thể thao đã giúp Hàn Quốc có nhiều thuận lợi hơn để phát triển, cuối cùng là nâng cao cơ hội cạnh tranh huy chương tại Thế vận hội.
Tất nhiên, không thể phủ nhận thể chất của người Hàn Quốc ngày càng phát triển. Nhiều VĐV của chúng tôi hiện nay có sức mạnh, tốc độ, hình thể chẳng khác nào người châu Âu.
Cũng cần nói thêm, sự quan tâm đầu tư về mặt kinh tế rất cần thiết để phát triển thể thao. Muốn tăng chất lẫn lượng về cơ sở hạ tầng, về con người, phải có tiền. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các VĐV nỗ lực hết sức không chỉ để giành huy chương Olympic, họ đã cống hiến bằng tất cả niềm đam mê để đem về niềm tự hào cho Tổ quốc.
Vì thế, doanh nghiệp và người dân cần chung tay hỗ trợ để các VĐV toàn tâm nỗ lực thi đấu. Trong khi đó, vai trò của Nhà nước là thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào thể thao, một cách căn cơ, bài bản chứ không phải đến rồi đi chóng vánh vì lý do khác.
Bên cạnh Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đều đạt thành tích cao ổn định qua các kỳ Thế vận hội. Thành công của hai nền thể thao này đến từ đâu, có sự khác biệt gì so với Hàn Quốc?
– Trung Quốc là cường quốc thể thao hàng đầu thế giới nhờ đặc điểm nguồn nhân lực gần như vô hạn. Tất nhiên, việc khai thác nguồn nhân lực ấy cũng đòi hỏi chiến lược và kế hoạch triển khai đúng đắn, hiệu quả.
Ngày nay Trung Quốc đâu chỉ giành huy chương vàng ở các môn thể thao có ưu thế cho người châu Á, họ còn cạnh tranh huy chương ở điền kinh và bơi lội, những môn người châu Á thường lép vế. Điều đó cho thấy thể chất của các VĐV Trung Quốc ngày càng được nâng cao để cạnh tranh.
Thành quả này đến từ sự đầu tư đồng bộ của Nhà nước và doanh nghiệp, với mục tiêu tối thượng là nâng cao niềm tự tôn dân tộc và vị thế quốc gia thông qua Thế vận hội.
Nhật Bản hạn chế hơn về nguồn nhân lực, nhưng lại có sự hỗ trợ hiệu quả từ nền kinh tế và khoa học thể thao phát triển. Kinh tế mang lại cơ sở vật chất ưu việt, cơ sở vật chất ưu việt tạo điều kiện cho khoa học thể thao phát triển.
Nhật Bản có lẽ là quốc gia có nền khoa học thể thao phát triển nhất tại châu Á, kết quả là họ sản sinh ra nhiều VĐV xuất sắc. Đó là lý do tại sao Nhật Bản cũng đủ khả năng cạnh tranh huy chương ở các môn bơi lội hay điền kinh.
Ông đánh giá như thế nào về màn trình diễn của các đoàn thể thao Đông Nam Á tại Olympic Paris, khi Philippines giành 2 HCV thể dục dụng cụ của Carlos Yulo, Thái Lan sở hữu HCV taekwondo của Panipak Wongpattanakit, còn Indonesia cũng đoạt 2 HCV của Veddriq Leonardo và Rizki Juniansyah?
– Philippines luôn mạnh ở nội dung thể dục dụng cụ, Thái Lan đã thể hiện tiềm năng ở môn taekwondo, cử tạ, Malaysia cũng có thành tích tốt trong các môn chạy cự ly dài và bắn cung, còn Indonesia thì nổi bật ở nhiều môn thể thao, bao gồm cầu lông, leo núi, cử tạ.
Tôi chưa thấy Việt Nam đạt được kết quả nào ấn tượng. Điều này cho thấy thể thao Việt Nam chưa tạo ra những kết quả tốt như các quốc gia láng giếng tại Đông Nam Á khác.
Tôi đã từng đề cập đến việc Việt Nam nên lên kế hoạch và chuẩn bị như thế nào cho tương lai giống như Hàn Quốc. Quan điểm và thông tin của tôi có thể không đủ, nhưng kết quả là Hàn Quốc đang đạt được những thành tích rất ấn tượng tại Thế vận hội.
Việt Nam cần chấp nhận và học hỏi hệ thống thể thao và các kế hoạch phát triển của Hàn Quốc, Nhật Bản, những cường quốc thể thao châu Á ngoài các quốc gia Đông Nam Á.
Tôi nghĩ rằng cần phải so sánh và phân tích tại sao Hàn Quốc và Nhật Bản đạt được những kết quả đáng chú ý tại Thế vận hội. Sự cạnh tranh với các quốc gia Đông Nam Á sẽ không có nhiều ý nghĩa, nếu thể thao Việt Nam có đủ khả năng để cạnh tranh với Hàn Quốc và Nhật Bản.
Vì vậy, tôi nghĩ rằng cần phải xem xét lại hiện trạng, trình độ và các vấn đề của thể thao Việt Nam, tập trung vào tiềm năng phát triển và khả năng các bạn. Nếu thể thao Việt Nam chỉ muốn cạnh tranh và so sánh với các quốc gia Đông Nam Á, sẽ rất khó để đạt được kết quả ấn tượng trong các cuộc thi toàn cầu lớn như Thế vận hội.
Như vậy thành công tại Olympic các đoàn thể thao châu Á (đặc biệt là Đông Á) chủ yếu đến từ các môn thể thao đòi hỏi sự khéo léo (bóng bàn, bắn súng, bắn cung, thể dụng dụng cụ) hoặc võ thuật truyền thống (judo, Taekwondo). Theo ông, đâu là hướng phát triển hợp lý cho thể thao Việt Nam để cạnh tranh huy chương Olympic?
– Tôi nghĩ rằng ngay cả các cường quốc thể thao châu Á cũng khó cạnh tranh ở bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ hay bóng ném. Vì thế, Việt Nam cần đầu tư mạnh cho các môn thể thao cá nhân, đòi hỏi sự khéo léo như anh đề cập.
Theo nhận định của tôi, các VĐV Việt Nam có thể cạnh tranh tốt ở các môn vật, quyền anh, bắn súng, bắn cung, cử tạ và cầu lông. Nếu đầu tư mạnh mẽ vào bắn cung, đấu vật hoặc các môn thể thao cá nhân khác như bắn súng, cầu lông, judo và boxing, Việt Nam có thể mong đợi kết quả tốt trong các cuộc thi thế giới.
Để đạt được điều đó, thể thao Việt Nam cũng cần nỗ lực tăng cường tiềm năng phát triển của mình thông qua các chương trình trao đổi thể thao với Hàn Quốc và Nhật Bản.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Nguồn:https://dantri.com.vn/the-thao/chuyen-gia-han-quoc-viet-nam-can-nhan-thuc-ro-hon-gia-tri-tam-huy-chuong-olympic-20240806114220981.htm