Ngày hội tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2024 có hơn 150 gian tư vấn của các đơn vị giáo dục tham dự. Đây được xem là ngày hội quy mô lớn được tổ chức nhằm tạo cơ hội cho phụ huynh, học sinh được giải đáp thắc mắc liên quan đến đợt xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2024.
Tại ngày hội, nhiều phụ huynh, học sinh đã đặt câu hỏi về các vấn đề tuyển sinh như: nguyện vọng, chứng chỉ IELTS, phương thức xét tuyển, cơ hội việc làm… và được chuyên gia trong Ban tư vấn giải đáp, chỉ dẫn.
Chia sẻ với thí sinh về hệ thống lọc ảo của Bộ GD&ĐT, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết: hệ thống lọc ảo được xây dựng để giúp thí sinh sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên và năng lực thực lực của thí sinh, thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng trong số các nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển. Do vậy, các em nên xếp nguyện vọng yêu thích là những nguyện vọng đầu tiên. Hệ thống sẽ xét trúng tuyển cho thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển với các nguyện vọng được xếp trên đầu danh sách.
Cùng với thắc mắc về nguyện vọng, PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo – Trường ĐH Ngoại thương đưa ra lời khuyên cho thí sinh về “công thức” để sắp xếp nguyện vọng xét tuyển. Theo đó, thí sinh nên xếp nguyện vọng xét tuyển theo 3 nhóm: nhóm ước mơ là các nguyện vọng thí sinh yêu thích nhất; nhóm vừa sức là các nguyện vọng thí sinh muốn học và có khả năng đỗ cao, nhóm này bao gồm các nguyện vọng đỗ xét tuyển sớm; nhóm an toàn để đảm bảo tránh các rủi ro, chống trượt.
Trước câu hỏi của một số phụ huynh về giá trị của chứng chỉ IELTS và cách thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ. PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Phenikaa nhấn mạnh, thí sinh có chứng chỉ IELTS cần xem kỹ đề án tuyển sinh của mỗi trường để biết chứng chỉ được sử dụng trong phương thức nào, cách quy đổi thế nào và thời điểm có thể sử dụng chứng chỉ.
Về tuyển bổ sung, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho hay: các đợt xét tuyển bổ sung của các trường sẽ diễn ra đến hết ngày 31/12/2024, tuy nhiên tùy vào chỉ tiêu tuyển sinh, các trường có thể thông báo riêng về các đợt xét tuyển bổ sung sau đó. Bởi vậy, việc thí sinh không xác nhận nhập học đợt 1 để chờ tuyển bổ sung sẽ có nhiều rủi ro vì hầu hết các trường sau đợt xét tuyển bổ sung sẽ không có thêm nhiều đợt xét tuyển nữa.
Câu hỏi về chương trình đào tạo chất lượng cao, chất lượng tiên tiến được PGS.TS Vũ Duy Hải, Trưởng Ban tuyển sinh – hướng nghiệp ĐH Bách Khoa Hà Nội giải thích: trong đề án tuyển sinh của tất cả các trường đại học, cao đẳng được công bố vào tháng 5/2024 đều đã mô tả rõ về các chương trình đào tạo. Các chương trình đào tạo chủ yếu được chia ra thành: chương trình đào tạo chuẩn, chương trình đào tạo chất lượng cao/tiên tiến, chương trình đào tạo hợp tác với chương trình đào tạo quốc tế. Các chương trình này khác nhau về ngôn ngữ đào tạo, quy mô đào tạo, học phí… Vì vậy, trước khi lựa chọn, thí sinh và phụ huynh cần tìm hiểu thật kỹ.
Ngoài Ban chuyên gia, tại ngày hội còn có các gian tuyển sinh của từng trường đều có bố trí đội ngũ tư vấn để giải đáp thắc mắc về phương thức xét tuyển, điều kiện đào tạo, dữ liệu mô tả về ngành nghề đào tạo, các chính sách… liên quan tới sinh viên của các trường. Bên cạnh đó còn có một số trung tâm tư vấn du học khảo sát, tư vấn cho học sinh những kinh nghiệm về ôn thi, chọn ngành, thủ tục đăng ký xét tuyển, cách tìm kiếm học bổng du học.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/chuyen-gia-go-roi-cho-thi-sinh-va-phu-huynh-ve-xet-tuyen-dai-hoc-2024.html