Lượng giao dịch chung cư giảm so với quý trước
Theo báo cáo thị trường bất động sản của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), trong quý III, thị trường ghi nhận nguồn cung đạt hơn 22.400 sản phẩm được chào bán, với 14.750 sản phẩm mở bán mới, giảm 25% so với quý trước.
Toàn thị trường ghi nhận khoảng 10.400 giao dịch thành công trong quý III, giảm 25% so với quý trước nhưng tăng 80% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong 9 tháng, thị trường đã ghi nhận gần 38.800 sản phẩm mới được chào bán. Nguồn cung vẫn ghi nhận sự phân hóa mạnh với 70% nguồn cung mới đến từ phân khúc căn hộ chung cư.
Trong đó, các sản phẩm chung cư có giá bán trên 50 triệu đồng/m2 trở lên chiếm phần áp đảo. Thị trường gần như vắng bóng hoàn toàn căn hộ chung cư thương mại giá bình dân.
Chuyên gia: Giá căn hộ ngày càng cao do sự tiếp tay của một số nhóm đầu cơ
Bà Phạm Thị Miền – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam – cho biết, thị trường bất động sản nhà ở đã bắt đầu ghi nhận những dấu hiệu thể hiện sự “tăng nhiệt”.
Câu chuyện đấu giá đất “nóng” hơn bao giờ hết với các phiên đấu giá được tổ chức “xuyên đêm”, ghi nhận hàng trăm, thậm chí cả nghìn người chấp nhận chực chờ để tranh suất. Mức giá trúng cũng cao kỷ lục, ngang ngửa đất dự án đã được đầu tư hạ tầng bài bản.
Sức nóng của thị trường còn được dẫn dắt bởi phân khúc căn hộ, với mức giá liên tục thiết lập mặt bằng mới ở mức cao, trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Nhu cầu tăng cao khiến hàng nghìn người sở hữu chung cư thường xuyên nhận được cuộc gọi hỏi bán nhà.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả xuất phát từ cung, cầu thực tế, thị trường cũng đã xuất hiện những dấu hiệu “tạo nhiệt”. Tình trạng này thể hiện qua việc đầu cơ đất đai, đẩy giá nhà ở, và phát sinh các giao dịch bất động sản thiếu minh bạch. Nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia thị trường với mục đích lướt sóng, khiến giá bất động sản bị đẩy lên cao bất hợp lý.
“Dấu hiệu tạo nhiệt còn thể hiện ở phân khúc căn hộ với mặt bằng giá chào bán căn hộ chuyển nhượng ngày càng cao, do sự tiếp tay của một số nhóm đầu cơ”, bà Miền nhấn mạnh.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới Việt Nam (VARS) – cho biết giá chung cư Hà Nội tăng vì khan hiếm là một hiệu ứng của quy luật cung cầu. Mặc dù mức giá tăng có dấu hiệu tác động, tạo thông tin nhiễu loạn từ nhóm đầu cơ tạo cung cầu ảo để đẩy giá trên thị trường mua đi bán lại nhưng trên thực tế khó có thể xác định và xử lý hành vi đầu cơ, thổi giá chung cư.
Trong bối cảnh nguồn cung “ách tắc”, cá nhân, doanh nghiệp có hàng sẽ có lợi thế trong việc đưa giá. Việc người bán đẩy giá khi chung cư hay bất kỳ hàng hóa nào khan hiếm trên thị trường là điều không thể tránh khỏi. Ông nói giá chung cư Hà Nội sẽ có điểm điều chỉnh nhưng không nhiều.
Trước đó, Bộ Xây dựng cũng cho biết, một số hội nhóm đầu cơ, nhà đầu tư và các cá nhân hoạt động môi giới bất động sản gây nhiễu loạn thông tin thị trường để “thổi giá”, “tạo giá ảo” và lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để thao túng tâm lý, lôi kéo đầu tư theo tâm lý đám đông để trục lợi.
Nhìn nhận về phân khúc chung cư, ông Lê Đình Chung – chuyên gia bất động sản – cho rằng giá chung cư Hà Nội đang trong giai đoạn lập đỉnh. Những người có nhu cầu đầu tư cần cân nhắc trước khi “xuống tiền” vì rủi ro lớn.
Lý giải nguyên nhân giá chung cư Hà Nội liên tục tăng cao thời gian qua, ông Chung cho rằng, do nguồn cung cực kỳ khan hiếm. Trong khi đó, nhu cầu về nhà ở của người dân tăng cao. Ngoài ra, các chi phí đầu vào phát triển dự án như vật liệu xây dựng, nhân công… đều tăng cao kéo giá chung cư tăng lên.
Ông dự báo từ nay tới cuối năm, thị trường chung cư tại Hà Nội sẽ không biến động nhiều, nguồn cung trong ngắn hạn cũng chưa thể tăng trở lại. Do đó, giá bán thời gian tới vẫn khó giảm.
Nguồn: https://dantri.com.vn/bat-dong-san/chuyen-gia-gia-can-ho-ngay-cang-cao-do-su-tiep-tay-cua-nhom-dau-co-20241016015434714.htm