Thấm thoát đã 20 năm kể từ khi Andrea Teufel, chuyên gia bảo tồn, trùng tu người Đức đặt những bước chân đầu tiên đến Huế, để rồi bà đã chọn mảnh đất này làm quê hương thứ hai.
Bà Andrea Teufel tại triển lãm “Khám phá Quần thể điện Phụng Tiên tổ chức vào sáng 20/11/2023 |
Nâng niu áo dài Huế
Sinh sống gần 20 năm ở mảnh đất Huế, người dân thành phố này đã quá thân quen với hình ảnh Andrea Teufel trong tà áo dài duyên dáng, thiết tha mỗi khi bà tham dự sự kiện quan trọng tại Huế. Tuy nhiên, đối với bà để mặc được chiếc áo dài một cách tự nhiên như hôm nay phải trải qua một quá trình khá dài. Andrea Teufel luôn thích áo dài ở mọi hình thức. Từ trang phục hàng ngày đến trang phục lễ hội.
Lần đầu tiên mặc áo dài, Andrea Teufel có cảm giác như đang ở trong một lễ hội hóa trang. Điều đó đã thay đổi khi bà nhận ra điều ngược lại hoàn toàn với suy nghĩ của mình. Andrea Teufel bày tỏ sự tôn trọng và đánh giá cao đối với một nền văn hóa chấp nhận mình. “Thật tình lần thử mặc áo dài đầu tiên của tôi không được thoải mái lắm, vì không có cái nào vừa với tôi. Tôi cảm thấy rất khó chịu trong người. Phụ nữ Việt Nam nói với tôi rằng tôi đã đúng. Rằng nó trông không thật thoải mái, mà việc mặc áo dài này chỉ để làm nổi bật vẻ đẹp duyên dáng”. Andrea Teufel kể lần đầu tiên mặc chiếc áo dài.
Không thể chấp nhận điều này cho bản thân mình, bà đã tìm được một người thợ may (sau rất nhiều cuộc thảo luận) để thực hiện những gì Andrea Teufel muốn, để may cho mình một chiếc áo dài yêu thích. Sau đó, chiến dịch quảng bá áo dài bắt đầu ở Huế cùng chiếc áo dài ngũ thân trở nên phổ biến. Phong cách này hoàn toàn phù hợp với bà. Từ đó Andrea Teufel mặc nó “như trông một làn da thứ hai của mình”.
Đặc biệt, khi thấy bà mặc áo dài truyền thống của người Việt đi trên đường phố Huế, rồi tham dự cả những sự kiện lớn, nhiều người đã có cảm nghĩ như chính Andrea Teufel đã góp thêm phần quảng bá tà áo dài Huế nói riêng, và Việt Nam nói chung đến với người dân khắp năm châu. Trước những lời nhận xét đó, Andrea Teufel rất khiêm tốn: “Điều đó nghe có vẻ hơi tâng bốc tôi. Mình không nghĩ mình có tính ảnh hưởng nhiều đến vậy. Tuy nhiên, điều đó khẳng định quan điểm của tôi rằng, người Việt Nam rất tự hào về tà áo dài của mình. Andrea Teufel thể hiện sự đánh giá cao khi người nước ngoài tiếp nhận một phần văn hóa quan trọng này của đất nước các bạn, từ đó lan tỏa nó hơn nữa”.
Gần 20 năm gắn bó với TP. Huế và có nhiều năm đón tết cổ truyền cùng gia đình, người thân tại mảnh đất này, Andrea Teufel rất coi trọng Tết Nguyên đán của người Việt. Đối với bà, dịp tết Nguyên đán hàng năm là lúc bà cùng bạn bè chia sẻ trải nghiệm trong năm qua, đồng thời tận hưởng cuộc sống bên nhau. “Vào dịp tết cổ truyền của Việt Nam, chúng tôi cũng gặp gỡ bạn bè. Tết Nguyên đán năm nay chúng tôi đã thiết kế một trò chơi dựa trên những mô típ truyền thống của nghệ thuật triều Nguyễn, trò chơi này sẽ góp phần thú vị vào việc bảo tồn di sản văn hóa này luôn sống động”, Andrea Teufel chia sẻ.
Cũng theo lời của Andrea Teufel càng ở lâu bà càng hiểu hơn về tết Nguyên đán tại Việt Nam, trong đó những món ăn truyền thống ngày tết được chuẩn bị kỹ lưỡng, sau đó đưa ra mời nhau, rồi cùng thưởng thức theo nghi thức đã được định sẵn, những người quan trọng được thăm viếng và tiếp đón tại nhà trong ngày tết cổ truyền.
Dành trọn tình yêu ở quê hương thứ hai
Riêng với Cố đô Huế, quê hương thứ hai của Andrea Teufel, bà đã cảm nhận mảnh đất này đang đổi thay từng ngày, nhưng trong tiềm thức, lẫn tính cách của mỗi người dân xứ Huế họ vẫn mong muốn giữ sự cân bằng giữa bảo tồn văn hóa và hội nhập phát triển. Theo kinh nghiệm của Andrea Teufel, người dân ở Huế có mối liên hệ chặt chẽ với quê hương của họ. Ví dụ, Andrea Teufel thường nghe câu nói “Người Huế chỉ có thể sống ở Huế”, đây cũng là một “tiêu chí” khá tốt để các bạn trẻ tham gia vào các hoạt động thành phố. Bà nghĩ rằng, người dân cần phải tham gia vào các diễn biến phát triển của địa phương để mọi người có thể hòa mình vào tiến trình này về lâu dài. “Các bạn trẻ cần biết rằng, mỗi ý kiến của mình đều có giá trị và đều được lắng nghe. Nhưng cần phải có một luận điểm thật tốt”, Andrea Teufel nhắn nhủ.
Do có nhiều điểm tương đồng giữa quê hương của Andrea Teufel ở Potsdam (Đức) và Huế, nên khi tham gia trong lĩnh vực vực trùng tu, bảo tồn di sản cũng như đào tạo nghề cho các học viên Việt Nam, Andrea Teufel rất say mê, nhiệt tình với công việc mình chọn lựa. Bà kể, cả hai thành phố đều là nơi ở của hoàng gia với nhiều cung điện, công viên. Cả hai đều có nhiều tòa nhà lịch sử, các hồ nước cùng hệ thống cây xanh, cùng với diện tích tương tự và có vẻ đẹp riêng. Potsdam cũng là Di sản Thế giới được UNESCO công nhận và giống như Huế, nó thu hút hàng triệu du khách nội địa và nước ngoài mỗi năm.
Ở Potsdam, có những quy định rất nghiêm ngặt, rõ ràng về việc bảo vệ các di tích cũng như phát triển đô thị một cách thận trọng dựa trên những quy tắc này. “Đối với tôi, Huế và Potsdam là những ví dụ điển hình về các thành phố di sản đã đạt được sự cân bằng thông minh cùng sự tối ưu hóa tiềm năng đặc biệt của chúng giữa bảo tồn, phát triển. Huế đã trở thành quê hương thứ hai của tôi. Điều này tất nhiên là nhờ thực tế may mắn rằng Đức và Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược chặt chẽ. Cá nhân tôi có thể đóng góp chuyên môn của mình trong khuôn khổ mối quan hệ hợp tác này”, Andrea Teufel cho biết.
Hiện tại, Andrea Teufel cùng các cộng sự đang thực hiện dự án thứ năm ở kinh thành tại khu vực điện Phụng Tiên – Đại Nội Huế. Dự án này được thực hiện từ năm 2017 và dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2026. “Chúng tôi đã chọn phạm vi rộng của dự án này vì tôi tin rằng cần phải quan tâm nhiều hơn đến việc truyền đạt di sản văn hóa để khơi dậy sự quan tâm của người dân và nhất là người trẻ”, Andrea Teufel chia sẻ.
Theo Hồ Ngọc Minh/baothuathienhue.vn
https://baothuathienhue.vn/van-hoa-nghe-thuat/thong-tin-van-hoa/chuyen-gia-duc-lan-toa-ao-dai-viet-137837.html
Nguồn: https://thoidai.com.vn/chuyen-gia-duc-lan-toa-ao-dai-viet-196514.html