Chiều 28/3, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia chủ trì cuộc họp quý 1/2024 của Hội đồng, đánh giá tình hình điều hành kinh tế vĩ mô, chính sách tài chính, tiền tệ; tìm giải pháp thực thi hiệu quả các nội dung này.
Triển khai đồng bộ các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai đồng bộ các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, điều tiết thanh khoản, cân bằng lãi suất-tỷ giá, hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát.
Lãi suất bình quân huy động và cho vay đối với các giao dịch phát sinh mới lần lượt ở mức 3,1%/năm và 6,5%/năm, giảm tương ứng khoảng 0,4%/năm và 0,6%/năm so với cuối năm 2023. Tỷ giá diễn biến phù hợp với xu hướng các đồng tiền quốc tế so với USD.
Tín dụng đầu năm tăng thấp chủ yếu do yếu tố mùa vụ của dịp Tết Nguyên đán và khả năng hấp thụ vốn chưa cao, tuy nhiên đã phục hồi trong tháng 3. Thanh khoản dồi dào và dư địa tăng trưởng tín dụng còn nhiều để các tổ chức tín dụng cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế trong thời gian tới.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 và đang rà soát để sửa đổi, bổ sung, gia hạn Thông tư; tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng như chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng, chương trình cho vay lâm sản, thủy sản…
Thị trường vàng miếng được sắp xếp lại căn bản, trật tự, kỷ cương; mạng lưới kinh doanh mua, bán vàng miếng được kiện toàn theo hướng thu hẹp dần; hoạt động huy động, cho vay vốn bằng vàng chấm dứt.
Trong nhiều thời điểm giá vàng biến động phức tạp nhưng hoạt động của thị trường vẫn tương đối ổn định so với giai đoạn trước, không gây áp lực sang thị trường ngoại tệ chính thức như trước đây; thói quen, nhận thức của người dân đối với vàng miếng có sự thay đổi; một phần nguồn lực vàng trong dân đã được chuyển hóa để phát triển kinh tế.
Vướng mắc, khó khăn được Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nêu ra là triển vọng kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều bất trắc, khó lường, giá hàng hóa thế giới tăng trở lại, rủi ro lạm phát tiềm ẩn, lãi suất USD và tỷ giá USD quốc tế ở mức cao nên tạo thách thức lớn cho việc điều hành cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá, tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Nợ xấu có xu hướng tăng trong bối cảnh tỷ lệ tín dụng/GDP cuối năm 2023 là 133%, tiềm ẩn rủi ro tài chính. Khả năng huy động vốn trung, dài hạn của tổ chức tín dụng còn thấp so với nhu cầu vốn đầu tư dài hạn của nền kinh tế.
Đề xuất giải pháp khơi thông các nguồn lực
Tại cuộc họp, nhiều chuyên gia đã đưa ra nhận định về tình hình kinh tế thế giới, dự báo các tác động và triển vọng đối với kinh tế trong nước, đề xuất các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô, quản lý thị trường vàng. Ý kiến của các chuyên gia cho rằng qua 12 năm thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, đã đạt những thành công và hoàn thành sứ mệnh.
Các ý kiến tán đồng với đề xuất của Ngân hàng Nhà nước; thống nhất nhận định thực tiễn đã chứng minh các chính sách điều hành tiền tệ, tài khóa được triển khai thời gian qua là phù hợp, đạt kết quả rất đáng mừng, không chỉ giữ vững được mục tiêu đề ra mà còn giúp nền kinh tế đứng vững trước những “cú sốc” tưởng như không thể vượt qua được.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định, nền kinh tế đất nước vẫn còn đối mặt với không ít khó khăn, cần phải có đột phá chính sách, nhất là về khơi thông các nguồn lực, đẩy mạnh tiêu dùng, đầu tư tư nhân, quản lý thị trường vàng… để phát triển vững chắc.
Chuyên gia Võ Trí Thành nêu hàng loạt vấn đề về tốc độ tăng tiêu dùng giảm mạnh, thị trường bất động sản, đầu tư tư nhân chững lại, chậm chỉnh sửa khung khổ pháp lý, tốc độ tăng năng suất thấp, không đạt mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, đóng góp của kinh tế số trong GDP mới đạt mức 12,3%, còn xa mục tiêu đạt 20% vào năm 2025. Trong kinh tế số, chủ yếu là kinh tế số truyền thống, phần sáng tạo đổi mới còn thấp.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, kinh tế có dấu hiệu phục hồi nhưng rất chậm, đặc biệt là cầu phục hồi rất yếu. Đề cập đến tình hình đầu tư của khu vực tư nhân giảm mạnh, ngày càng mất dần các động lực, nhất là trong công nghiệp chế biến, chế tạo; đầu tư công không bù đắp được cho đầu tư tư nhân, chuyên gia này đề nghị Ban soạn thảo văn kiện Đại hội XIV của Đảng phải “làm thế nào khôi phục lại động lực đầu tư tư nhân,” nếu không việc đưa Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và năm 2045 trở thành nước phát triển “chỉ là một giấc mơ, chúng ta không có trong tay một nền công nghiệp tự chủ, do người Việt làm chủ.”
Ông đề nghị có chính sách hỗ trợ từ phía ngân sách cho các doanh nghiệp, khai thác nhiều hơn chính sách tài khóa cho giai đoạn phục hồi tới đây.
Tại cuộc họp, ý kiến các chuyên gia bày tỏ đồng tình với đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.
Sau khi nghe các ý kiến, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao các chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng đã thảo luận, phát biểu nhiều ý kiến với tinh thần trách nhiệm cao, sôi nổi, nhiều đóng góp rất quan trọng.
Theo Phó Thủ tướng, dư địa chính sách tiền tệ rất hạn chế do mặt bằng lãi suất trong nước đã giảm liên tục thời gian qua và thấp hơn lãi suất USD (đặc biệt là trên thị trường liên ngân hàng); thị trường ngoại tệ trong nước vẫn chịu sức ép từ xu hướng tăng giá đồng USD quốc tế; khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, người dân thấp do tiêu thụ chưa phục hồi bền vững, thị trường bất động sản khó khăn… Do đó, cần ưu tiên sử dụng chính sách tài khóa, thúc đẩy đầu tư công, hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, với sự hỗ trợ của chính sách tiền tệ trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Phó Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cơ quan thường trực của Hội đồng nghiên cứu, tổng hợp đầy đủ các ý kiến phát biểu tại cuộc họp để tổng hợp, hoàn thiện báo cáo, đề xuất các giải pháp về tài khóa, tiền tệ, quản lý thị trường vàng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tài chính tiếp thu, nghiên cứu đề xuất các giải pháp để sử dụng hiệu quả dư địa chính sách tài khóa, nhất là các giải pháp liên quan đến thuế, phí…/.