Thứ hai, 27/11/2023 20:28 (GMT+7)
–Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về kinh tế chia sẻ ở Việt Nam sau 4 năm triển khai Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ?
– Sau thời gian triển khai thử nghiệm, nền kinh tế chia sẻ tại Việt Nam đã có những bước tiến rõ rệt và đóng góp đáng kể cho nền kinh tế nói chung. Trong đó, thương mại điện tử (kinh tế số) đang ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất. Nhờ sự tham gia của số lượng lao động lớn trong nền kinh tế chia sẻ này đã góp phần tạo ra nhiều công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân.
Tuy nhiên, do mới ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển nên còn thiếu rất nhiều quy định, dẫn tới chất lượng dịch vụ chưa được đảm bảo, đào tạo nhân sự còn thiếu, thậm chí xảy ra một số vụ việc tranh chấp…
Vậy những điểm còn vướng trong mô hình kinh tế chia sẻ hiện nay là gì, thưa ông?
– Chúng ta không có những quy định riêng biệt cho nền kinh tế chia sẻ. Nếu có thêm động lực này thì sẽ có thể đảm bảo thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế chia sẻ đúng hướng, lành mạnh và bền vững.
Tuy nhiên trong thời gian vừa qua, đặc biệt năm 2023, Luật Giao dịch điện tử sửa đổi và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi đã được thông qua. Đi kèm với 2 luật mới sửa đổi này là một loạt các nghị định mới sẽ phải sửa đổi để hướng dẫn người dân tham gia vào nền kinh tế số.
Thành phần chủ yếu tham gia vào kinh tế chia sẻ là người dân, người tiêu dùng cuối. Chính vì vậy hầu hết những hoạt động trong kinh tế chia sẻ sẽ mang xu hướng nhỏ lẻ nhiều hơn là kinh doanh có quy mô. Những quy định về quyền lợi của người tiêu dùng hay kinh doanh thương mại điện tử sẽ đóng vai trò hỗ trợ người dân tham gia vào nền kinh tế chia sẻ một cách có hiệu quả.
Theo ông cần làm gì để kinh tế chia sẻ đúng hướng, phát triển lành mạnh và bền vững?
– Trước tiên, cần đào tạo thêm kiến thức cho người dân, nhất là những người tham gia vào nền kinh tế chia sẻ. Có thể là những lớp đào tạo ngắn hạn hoặc có chứng nhận để đảm bảo họ hiểu các quy định cũng như trách nghiệm khi tham gia vào mô hình này. Trong đó, cần làm nổi bật việc áp dụng trích xuất nguồn gốc, công nghệ để minh bạch về chất lượng sản phẩm, hàng hoá, từ đó nâng cao tính trách nghiệm.
Ngoài kĩ năng cần có thì đạo đức của người tham gia cũng cần được chú trọng. Những hành động như “bóc phốt” trên mạng xã hội, đánh giá sản phẩm không chân thực… thể hiện sự không chuyên nghiệp, làm méo mó niềm tin của người tiêu dùng về kinh tế chia sẻ.
Chúng ta cần tiếp tục cập nhật những quy định mới cũng như phát triển nền tảng công nghệ để tạo động lực cho người dân tham gia nhiều hơn và mô hình kinh tế này. Đồng thời, kiểm soát tốt các vấn đề về thuế, chất lượng sản phẩm dịch vụ.
Xin cảm ơn ông!