Theo các chuyên gia, cần bảo đảm luật pháp và chính sách liên quan mạng xã hội để bảo vệ quyền và sự an toàn của người dùng.
Thống kê của tổ chức WeAreSocial (Mỹ), tính đến đầu năm 2023, nước ta có tới 77.93 triệu người sử dụng Internet, tương đương với 79,1% tổng dân số. Trong đó, có 64,4 triệu người từ 18 tuổi trở lên đang sử dụng các nền tảng mạng xã hội, chiếm tỷ lệ 89% so với tổng dân số. Vì vậy, mạng xã hội trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hàng ngày của nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ.
ĐBQH. Bùi Hoài Sơn. |
Văn hóa ứng xử là cốt cách của mỗi người
Theo ĐBQH. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban văn hóa, giáo dục của Quốc hội, chúng ta đang sống trong bối cảnh xã hội số. Ở đó, giới trẻ bị chi phối rất nhiều bởi cuộc sống số. Mạng xã hội được phát minh tạo thuận lợi cho cuộc sống của con người, vì thế không chỉ toàn tốt hay xấu.
Với sức lan truyền thông tin nhanh chóng, mạng xã hội có thể tạo ra tác động to lớn đối với danh tiếng một cá nhân.
Do vậy, điều quan trọng là cần bảo đảm luật pháp và chính sách liên quan mạng xã hội cho phù hợp và bảo vệ quyền cũng như sự an toàn của người dùng, đặc biệt là giới trẻ. Đồng thời, hỗ trợ và giáo dục người trẻ cách sử dụng mạng xã hội một cách an toàn và hiệu quả.
Như vậy, để không gian mạng trở nên trong sạch, cần nâng cao nhận thức về an toàn mạng và phân biệt thông tin đúng sai. Công chúng, đặc biệt là người trẻ, cần được học cách sử dụng mạng xã hội một cách an toàn và có trách nhiệm.
Các nền tảng mạng xã hội và trang web cần có chính sách rõ ràng về nội dung, bảo đảm rằng nội dung bạo lực, gây hại và không phù hợp được loại bỏ hoặc kiểm soát. Họ cũng cần có các cơ chế báo cáo và phản ứng nhanh chóng đối với nội dung xấu.
Bên cạnh đó, chúng ta cần sự hợp tác giữa các quốc gia để đối phó với các vấn đề trực tuyến toàn cầu thông qua chính sách quốc tế để bảo đảm an toàn mạng và ngăn chặn tội phạm trực tuyến; thúc đẩy việc thực thi luật pháp trực tuyến và bảo đảm các quy định về trách nhiệm của những người đăng nội dung được tuân thủ; Khuyến khích trách nhiệm cá nhân người sử dụng mạng xã hội. Mọi người nên thể hiện trách nhiệm cá nhân trực tuyến, không tham gia vào hành vi xấu, giúp bảo vệ sự trong lành trên không gian mạng.
Tôi cho rằng, tự do ngôn luận là quyền căn bản của mỗi người, bao gồm cả người nổi tiếng. Chính vì thế, không phán xét quá nhiều về một phát ngôn của ai đó, đặc biệt khi chúng ta chưa có đầy đủ thông tin về bối cảnh của phát ngôn này.
Đối với những người nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng đặc biệt đối với công chúng, cần phải cân nhắc kỹ về hành vi, phát ngôn của mình. Người nổi tiếng thường được coi là hình mẫu cho người khác. Mọi phát ngôn và hành động của họ đều có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến ý kiến và hành vi của người khác. Vì thế, họ nên chú ý nhiều hơn đến việc giữ gìn chuẩn mực đạo đức, xem xét kỹ lưỡng trước khi đưa ra các phát ngôn và hành động.
Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có những nỗ lực trong việc chấn chỉnh các hành vi không phù hợp trên không gian mạng cũng như của các nghệ sĩ. Có thể nói, văn hóa ứng xử là cốt cách của mỗi người và nên được thể hiện cả trong cuộc sống trực tuyến lẫn ngoài đời. Mạng xã hội không nên được coi là thế giới hoàn toàn ảo. Việc thể hiện sự tôn trọng, đạo đức và chuẩn mực trong mọi hoạt động trực tuyến là vấn đề quan trọng cần thúc đẩy để xây dựng một môi trường trực tuyến tích cực và có ích.
TS. MC. Trịnh Lê Anh |
Cần khái niệm chuẩn mực về ứng xử trên mạng
Đối với TS. MC. Trịnh Lê Anh, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội, việc sử dụng mạng xã hội để công kích hoặc bôi nhọ người khác là hành vi thiếu đạo đức của cá nhân, có thể gây hại về tinh thần và tâm lý cho nạn nhân.
TS. Trịnh Lê Anh cho rằng, trong văn hóa ứng xử mạng xã hội, cần lưu ý một số bài học quan trọng, đó là tôn trọng đạo đức và quyền riêng tư.
Rõ ràng, người dùng mạng xã hội đang thiếu các cơ hội được giáo dục về quyền và trách nhiệm hướng đến sự tham gia môi trường mạng một cách tích cực và an toàn. Các hành vi trái với luật pháp, bao gồm quấy rối và bạo hành trực tuyến cần được xác định rõ ràng trong thực tiễn và nên bị truy cứu trách nhiệm pháp lý.
Mạng xã hội, dù đang chiếm dụng nhiều phần thời gian của đời sống với tương tác thực, chỉ là một phần mở rộng của cuộc sống thường ngày, nên các quy tắc về tôn trọng, đạo đức và tương tác xã hội nên áp dụng một cách đồng nhất. Một tác động xấu trực tuyến có thể gây ảnh hưởng đến cuộc sống ngoài đời và ngược lại. Do vậy, khái niệm chuẩn mực về ứng xử trên mạng là cần thiết.
Ở cách tiếp cận khác, mạng xã hội và không gian trực tuyến có đặc điểm riêng biệt và tiềm ẩn những thách thức chưa được lường hết. Việc xác định và thúc đẩy văn hóa ứng xử trực tuyến là quan trọng để bảo đảm mọi người có thể tham gia mạng xã hội một cách an toàn, tôn trọng và đúng đạo đức.
Mạng xã hội có nhiều người tham gia, bao gồm trẻ em và những người dễ bị tổn thương. Khi có khái niệm ứng xử trực tuyến chuẩn mực, sẽ giúp bảo vệ nhóm người này khỏi các hành vi bất lương hoặc không đúng đạo đức trên mạng. Khái niệm về ứng xử trực tuyến chuẩn mực cũng liên quan đến cách quản lý thông tin cá nhân và quyền riêng tư trực tuyến, giúp người dùng tự bảo vệ thông tin của mình.
Do đó, có thể nói, việc đặt ra khái niệm về ứng xử trên mạng chuẩn mực giúp tạo cơ sở đạo đức và quy tắc chung cho không gian trực tuyến, đảm bảo tính tôn trọng, an toàn.
Với mỗi cá nhân người dùng mạng xã hội, bài học quan trọng là mỗi người cần xác định trách nhiệm của mình trước mọi phát ngôn trên mạng xã hội để đảm bảo môi trường trực tuyến lành mạnh. Trước khi chia sẻ thông tin hoặc bình luận trực tuyến, mỗi người hãy suy nghĩ về hậu quả của những hành động này.
Muốn thúc đẩy tương tác trực tuyến lành mạnh và xây dựng, các cá nhân cần thể hiện sự tôn trọng và sẵn sàng lắng nghe ý kiến khác biệt.
Sau cùng, việc xây dựng văn hóa ứng xử trực tuyến tích cực là điều quan trọng không chỉ đối với nhóm người nổi tiếng mà còn với tất cả cộng đồng mạng.