Tỏi là loại gia vị và dược liệu mạnh mẽ, được ca ngợi vì những lợi ích sức khỏe tiềm ẩn của nó. Giàu hợp chất allicin, tỏi có đặc tính kháng khuẩn, chống viêm – khiến nó trở thành siêu thực phẩm cho hệ thống miễn dịch.
Tỏi không chỉ tốt cho tim mạch mà còn giúp kiểm soát các bệnh mạn tính và thúc đẩy sức khỏe tổng thể. Mặc dù được sử dụng rộng rãi trong nấu ăn, nhưng bạn đã biết cách ăn tỏi để gặt hái được những lợi ích tốt nhất chưa?
Sau đây, chuyên gia Avni Kaul, nhà giáo dục về bệnh tiểu đường, chuyên gia về chế độ ăn kiêng giảm cân hàng đầu Ấn Độ, chia sẻ những tác dụng tuyệt vời của tỏi, đồng thời chia sẻ cách tốt nhất để ăn tỏi tối đa hóa lợi ích, theo trang tin sức khỏe Health Shots.
Lợi ích sức khỏe của tỏi
Ăn tỏi mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Bạn có thể ăn tỏi sống khi bụng đói hoặc đưa tỏi vào chế độ ăn uống!
Ngăn ngừa ho hoặc cảm lạnh. Ăn tỏi sống có thể ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng như ho hoặc cảm lạnh. Bạn có thể duy trì khả năng miễn dịch cao bằng cách ăn hai tép tỏi giã nát khi bụng đói. Ngay cả mùi tỏi nồng cũng có khả năng ngăn ngừa nhiễm trùng hoặc dị ứng ở trẻ em và trẻ sơ sinh. Chuyên gia Kaul cho biết tỏi tăng cường hệ thống miễn dịch, giúp ngăn ngừa các bệnh thông thường như cảm lạnh và cúm.
Hỗ trợ sức khỏe tim mạch. Tỏi hỗ trợ giảm huyết áp và mức cholesterol, giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Allicin, có trong tỏi, đóng vai trò chính trong việc ngăn chặn quá trình oxy hóa cholesterol xấu. Từ đó làm giảm mức cholesterol và cải thiện sức khỏe tim mạch. Ăn tỏi liên tục giúp hạn chế sự hình thành cục máu đông. Nó cũng làm giảm huyết áp, khiến tỏi trở thành siêu thực phẩm cho bệnh nhân huyết áp cao.
Tính chất chống viêm. Các thành phần chống viêm của tỏi có thể giúp giảm viêm và có thể có lợi cho bệnh nhân viêm khớp, chuyên gia cho biết. Đối với người bị các vấn đề về tiêu hóa, kết hợp tỏi sống vào chế độ ăn có thể cải thiện chức năng của ruột và hạn chế tình trạng viêm. Ăn tỏi sống cũng giúp loại bỏ giun đường ruột. Lợi ích tốt nhất là tỏi thúc đẩy sản xuất lợi khuẩn trong ruột đồng thời tiêu diệt vi khuẩn có hại.
Tính chất chống oxy hóa. Tỏi có chất chống oxy hóa giúp chống lại tổn thương oxy hóa, giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính. Tỏi ngăn chặn các gốc tự do và giúp ngăn ngừa tổn thương ADN. Hàm lượng kẽm trong tỏi giúp tăng cường khả năng miễn dịch. Vitamin C cũng giúp ngăn ngừa nhiễm trùng. Ngoài ra, tính chất kháng khuẩn của tỏi có thể có lợi đối với nhiễm trùng mắt và tai.
Giải độc. Tỏi giúp giải độc kim loại nặng khỏi cơ thể, đặc biệt là chì, do đó bảo vệ các cơ quan khỏi bị tổn thương. Nó giúp loại bỏ các độc tố mà chúng ta vô tình tiêu thụ trong hằng ngày.
Giảm cân. Tỏi làm tăng quá trình sinh nhiệt và giúp đốt cháy nhiều chất béo hơn và cũng làm giảm cholesterol xấu.
Cách dùng tỏi tốt cho sức khỏe
Cách tốt để tối đa hóa lợi ích sức khỏe khi tiêu thụ tỏi là nghiền nát hoặc cắt nhỏ tỏi và để 10 phút rồi ăn sống. Điều này kích hoạt allicin, hoạt chất có lợi nhất của tỏi, theo Health Shots.
Nấu tỏi có thể làm giảm các hợp chất có lợi. Ăn tỏi sống sẽ tối đa hóa lợi ích tăng cường miễn dịch, chống viêm và tim mạch. Có thể trộn tỏi sống với mật ong, dầu ô liu hoặc cho vào salad và nước sốt. Chuyên gia gợi ý rằng cách này đảm bảo bạn nhận được nhiều lợi ích sức khỏe nhất từ tỏi.
Có nên nuốt tỏi? Nhai tỏi giải phóng các hợp chất có lợi như allicin, có đặc tính kháng khuẩn và chống viêm. Nó cũng làm tăng hương vị và mùi thơm của tỏi. Nuốt cả tép tỏi vẫn có thể mang lại lợi ích, nhưng việc giải phóng các hoạt chất kém hiệu quả hơn. Để đạt lợi ích sức khỏe tối đa, tốt nhất nên nhai tỏi.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Lipids in Health and Disease, cho thấy nuốt nguyên tép tỏi không có tác dụng hạ mỡ máu, nhưng ăn tỏi nghiền hoặc nhai tỏi sẽ làm giảm cholesterol, chất béo trung tính triglyceride và huyết áp.
Những ai nên tránh ăn tỏi?
Người mắc các vấn đề về đường tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích (IBS) hoặc trào ngược axit, ăn tỏi sẽ làm bệnh nặng thêm. Người bị dị ứng với tỏi tất nhiên nên tránh ăn tỏi. Tỏi cũng có thể tương tác với thuốc làm loãng máu, tăng nguy cơ chảy máu, vì vậy người đang dùng các loại thuốc này nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi ăn tỏi.
Nguồn: https://thanhnien.vn/chuyen-gia-chia-se-cach-tot-nhat-de-an-toi-nham-toi-da-hoa-loi-ich-185241105161326687.htm