Thi tốt nghiệp THPT luôn là một thời điểm bước ngoặt (cả về sự trưởng thành về sinh học và định hướng nghề nghiệp) mà các bạn trẻ phải dấn thân, tự giác và tự thân vận động.
PGS. TS. Trần Thành Nam. (Ảnh: NVCC) |
Chiều 26/6, hơn 1 triệu thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 làm thủ tục dự thi và nghe phổ biến quy chế thi. Đây là năm cuối cùng thí sinh thi theo chương trình giáo dục phổ thông cũ (chương trình 2006). Từ năm sau, số môn thi chỉ còn 4, gồm hai môn bắt buộc và hai môn lựa chọn. Cấu trúc và nội dung đề thi cũng được thay đổi để phù hợp với chương trình mới (2018).
PGS. TS. Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN đã đưa ra những lời khuyên giúp các thí sinh giảm căng thẳng và cân bằng cảm xúc trước khi bước vào phòng thi.
Các thi sinh bắt đầu bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Theo ông, cần phải định hướng thế nào để các em tìm được nơi phù hợp nhất với năng lực, phẩm chất, thay vì chạy đến cái đích đại học?
Thế giới thay đổi ngày càng nhanh chóng, tương lai nhiều bất định nên dù có bằng đại học mà không có thực học, thực làm và làm cho đàng hoàng tử tế; nếu không có năng lực tự học, tự cập nhật bản thân thì sớm muộn cũng sẽ trở nên lỗi thời và bị đào thải.
Thi tốt nghiệp THPT luôn là một thời điểm bước ngoặt (cả về sự trưởng thành về sinh học và định hướng nghề nghiệp) mà các bạn phải dấn thân, phải tự giác và tự thân vận động. Không thể chờ bất cứ sự may mắn từ thế lực tâm linh hay trợ giúp nào từ bên ngoài.
Vấn đề là bạn cần xác định được mục tiêu cuộc đời đúng đắn để kiên định đi tới. Có nghĩa, bạn cần phải có những thời gian lắng lại để tìm kiếm đam mê thực sự của mình, phải trải nghiệm nhiều để biết năng lực của mình thực sự mạnh ở điểm nào. Đồng thời, bạn trẻ phải tìm hiểu xu hướng nghề nghiệp và xâm nhập các vị trí làm việc thực tế để hình dung ra chân dung nghề nghiệp tương lai.
Khi mục tiêu nghề nghiệp đã rõ, bạn sẽ định hướng được một chương trình đào tạo và những cơ sở đào tạo phù hợp. Khi đó, nếu chưa đạt được kỳ vọng lần đầu, đơn giản bạn hãy thử lại một lần nữa.
Sẽ có nhiều bạn trẻ hoang mang và cảm thấy chán nản vì lo lắng sẽ không đạt được kết quả mong muốn, vào được những ngôi trường như ý. Thực tế, một ngôi trường tốt, nổi tiếng chẳng thể đảm bảo bạn thành công trong tương lai.
Phần chiếm tỉ trọng lớn nhất quyết định sự thành công của chúng ta trong tương lai là những yếu tố thuộc về nội tại. Đó là tư duy phân tích hệ thống, tư duy sáng tạo, năng lực ứng dụng công nghệ, sử dụng AI và dữ liệu lớn, quản trị tài năng, tư duy thiết kế và trải nghiệm người dùng, thông thạo nhiều ngôn ngữ cũng như khả năng phục hồi nhanh sau thất bại.
Đáng buồn, nhiều trường đại học chỉ tập trung cung cấp các kiến thức chuyên môn sâu mà không rèn luyện cũng như nâng cao những năng lực rất quan trọng để các bạn hội nhập thế giới nghề nghiệp và thành công.
Dưới góc độ tâm lý, ông có nhắn nhủ gì với các sĩ tử khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, để các em giảm căng thẳng cũng như biết cân bằng cảm xúc khi bước vào phòng thi?
Chúng ta đã quá quen với câu nói “mọi con đường đều dẫn đến Rome”, điều này thực sự đúng. Trong bối cảnh hiện nay, chỉ cần bạn có tâm thế muốn học, có rất nhiều cơ hội và con đường để bạn có thể học hỏi và trở thành “guru” trong một lĩnh vực nào đó.
Chưa bao giờ các khóa học MOOC – Massive Open Online Course (Khoá học mở miễn phí trên mạng) lại được nhiều trường đại học danh tiếng như Havard, MIT, Oxford, Yale, Cambridge cung cấp miễn phí như thế.
Các bạn sẽ không thể viện cớ mình nghèo hay không có điều kiện học tập ở những ngôi trường tốt hay danh giá nữa. Vì bạn hoàn toàn có thể tiếp cận dễ dàng với các nền tảng học tập trực tuyến như Coursera (với hơn 20 triệu học viên khắp thế giới) hay EdX (với gần 10 triệu học viên).
“Thế giới thay đổi ngày càng nhanh chóng, tương lai nhiều bất định nên dù có bằng đại học mà không có thực học, thực làm và làm cho đàng hoàng tử tế; nếu không có năng lực tự học, tự cập nhật bản thân thì sớm muộn cũng sẽ trở nên lỗi thời và bị đào thải”. |
Những kết quả nghiên cứu ban đầu của những học viên tham gia các khóa học trên MOOC cho thấy, họ đã được cập nhật kỹ năng kịp thời để nâng cao hiệu suất công việc hiện tại, giúp họ tăng khả năng chuyển sang một công việc mới, tăng cơ hội nhận được vị trí công việc mới, giúp họ tự khởi nghiệp ở lĩnh vực chưa quen thuộc, được tăng lương, lên chức.
Cho nên, để giảm căng thẳng và cân bằng cảm xúc trước khi bước vào phòng thi, hãy tự nhủ, kể cả khi thất bại thì mình vẫn có rất nhiều cơ hội để thành tài và thành công. Nếu không đạt nguyện vọng vào một ngôi trường cụ thể nào đó thì mình vẫn có khả năng học nhiều chương trình học của các trường đại học nổi tiếng thế giới như Havard, MIT, Oxford, Yale, Cambridge trên các nền tảng học tập trực tuyến.
Kể cả khi chỉ trúng tuyển vào một trường đại học bình thường thì bạn trẻ vẫn có cơ hội để rèn luyện tốt những năng lực thành công của công dân thế kỷ XXI. Cụ thể, đó là tư duy phân tích hệ thống, tư duy sáng tạo, năng lực ứng dụng công nghệ, sử dụng AI và dữ liệu lớn, tư duy thiết kế,trải nghiệm người dùng, kiên trì, linh hoạt hay khả năng phục hồi nhanh sau thất bại.
Chiều 26/6, hơn 1 triệu thí sinh làm thủ tục thi tốt nghiệp THPT 2024. (Nguồn: Vietnamnet) |
Có giải pháp gì để giảm áp lực học tập, thi cử, để phù hợp với thời đại Trí tuệ nhân tạo hay không, thưa ông?
Thực sự, các bạn trẻ đang ngày càng sống trong một thế giới đầy cạnh tranh. Càng tự động hóa và ứng dụng trí thông minh nhân tạo thì cạnh tranh giữa con người với nhau càng cao, dẫn đến áp lực phải khẳng định, phải so sánh, phải đứng đầu cũng ngày càng lớn.
Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế tri thức, của trí thông minh nhân tạo khiến bất kỳ ai trong chúng ta cũng cảm thấy bị đe dọa với nguy cơ tụt hậu, mất khả năng làm việc và thất nghiệp. Điều đó vô hình trung thúc đẩy các hoạt động học tập, thi cử ngày càng trở nên áp lực hơn ngay cả với những đứa trẻ từ cấp học mầm non, tiểu học.
Chúng ta không thể thay đổi xu hướng phát triển của công nghệ và trí thông minh nhân tạo gây ra những áp lực lên việc học tập. Tuy nhiên, chúng ta có thể thay đổi nhận thức và rèn các kỹ năng để giảm những áp lực này.
Một câu nói nghe chừng cũng đã quen thuộc là “Work smart. Don’t work hard”. Đầu tiên, cần tự hỏi bản thân để xác định mục tiêu của mình. Tại sao tôi phải vất vả để học lúc này? Nó sẽ giúp tôi thực hiện được mục tiêu nào? Đó có phải thực sự là mục tiêu ta muốn?
Thứ hai, hãy biết sắp xếp sự ưu tiên, việc nào cũng quan trọng nhưng bao giờ cũng có 20% công việc sẽ mang lại 80% kết quả. Đừng để mình bị “ngập đầu” với rất nhiều việc mà hiệu quả ôn thi chẳng được là bao. Hãy sắp xếp lại công việc cần ưu tiên vì chẳng có gì vô ích bằng làm hiệu quả những việc không cần làm lúc này.
Để học tập hiệu quả, các bạn cũng phải hiểu về nguyên tắc hoạt động của não bộ để ôn thi hiệu quả. Chẳng hạn, trong các giác quan của chúng ta thì thị giác vượt trội hơn tất cả nên học hiệu quả cần sơ đồ hóa. Trước đây, cá nhân tôi được bố mẹ nhắc nhở một nguyên tắc để học sâu nhớ lâu đó là phương pháp Nghe – Lược – Nhớ – Nghĩ – Ôn lại (gồm nghe thật kỹ, lược ra các từ khóa chính, nhớ bằng sơ đồ mindmap, xương cá, sơ đồ cây hoặc sơ đồ con sữa; suy nghĩ liên tưởng đến các ví dụ mang hàm nghĩa ẩn dụ).
Hãy nhớ, bộ não của chúng ta không thể cùng lúc làm được quá nhiều việc. Do đó, chúng ta cần học cách tập trung, giờ nào việc nấy, luân phiên từng việc.
Học từng chặng với giấc ngủ ngắn sẽ cải thiện hiệu suất hoạt động, tính sắc bén của não bộ. Vì vậy, các bạn cần sử dụng kỹ thuật Pomodoro để học theo từng chu kỳ. Việc vận động cơ thể có thể làm tươi mới hoạt động não bộ và tăng cường ý chí. Kể cả trong thời gian ôn tập bận rộn nhất cũng đừng quên chế độ luyện tập. Đôi khi, ý tưởng mới sẽ xuất hiện khi chúng ta ở một mình. Mỗi ngãy hãy dành cho mình một khoảng thời gian không làm gì cả để khám phá nội tâm và hình dung về chân dung nghề nghiệp của mình trong tương lai.
Sống trong thời đại của trí tuệ nhân tạo, các bạn cũng có thể tận dụng AI để tạo ra một kế hoạch ôn tập và nghỉ ngơi hợp lý. Có thể sử dụng các ứng dụng AI để tổng hợp kiến thức, vẽ các sơ đồ tư duy. Một số bạn cũng đã sử dụng AI để tạo ra các game “đề thi thử” để tự kiểm tra kiến thức của mình.
Nếu biết sử dụng AI một cách thông minh, không chỉ giúp các bạn học sinh ôn thi hiệu quả hơn mà còn tạo nên các kết nối tương tác giúp cá nhân giảm cô đơn, phát triển tư duy phản biện, kỹ năng tự học và tự đặt câu hỏi.
Vậy cha mẹ cần làm gì nếu kết quả thi của con em mình không được như ý muốn? Ông có lời khuyên gì cho các bậc phụ huynh lúc này?
Trước hết, cha mẹ nên hỗ trợ và trang bị cho con kỹ năng chăm sóc bản thân (cả ở khía cạnh dinh dưỡng, sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tinh thần và các mối quan hệ xã hội). Cha mẹ hãy dạy con các bài học về ý chí kiên cường trước khó khăn và dám chấp nhận thất bại bằng tấm gương của chính mình và câu chuyện về các vĩ nhân như Edison với 10.000 lần thất bại trước khi phát minh ra bóng đèn.
Hãy để những đứa trẻ hiểu rằng, thất bại không có gì đáng xấu hổ nếu con biết biến nó thành bài học và một cơ hội để cải thiện cho nỗ lực tiếp theo. Con có thể học được mọi kỹ năng và giỏi hơn người khác nếu làm việc chăm chỉ, nỗ lực và chịu khó học hỏi hơn họ. Đừng nhìn những siêu sao trong lớp như một đối thủ cạnh tranh mà hãy xem nhưng một người truyền cảm hứng, con hãy xem bản thân mình có thể học được gì từ họ. Hãy truyền cho con những thông điệp tự nhủ tích cực như: “Tôi sẽ không bao giờ từ bỏ”; “Tôi quyết tâm làm tốt nhất trong lần tiếp theo”; “Tôi sẽ vượt qua mọi thách thức với sự nỗ lực”; “Thất bại giúp tôi rèn luyện bộ não của mình trở nên kiên cường và ưu việt hơn”.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: https://baoquocte.vn/chuyen-gia-chia-se-cach-giam-cang-thang-va-can-bang-cam-xuc-khi-buoc-vao-ky-thi-tot-nghiep-thpt-2024-276386.html