DNVN – Theo giới chuyên gia nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc cùng chính sách hỗ trợ tích cực và các nút thắt pháp lý được tháo gỡ dự kiến sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chu kỳ tăng trưởng mới của thị trường chứng khoán trong năm 2025.
Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi Trung ương xác định mục tiêu tổng quát năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức. Trên cơ sở đó tạo tiền đề, nền tảng vững chắc để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, trở thành quốc gia giàu mạnh, thịnh vượng và nhân dân ngày càng hạnh phúc, ấm no.
Giữa những biến động địa chính trị, cuộc đua công nghệ và áp lực lạm phát toàn cầu, kinh tế Việt Nam năm 2025 được dự báo sẽ đối mặt với cả thách thức và cơ hội. Đặc biệt, thách thức càng lớn hơn khi Chính phủ đặt quyết tâm đưa kinh tế năm 2025 đạt mức tăng trưởng 8%, thay vì mức 6,5 – 7%, phấn đấu đạt 7 – 7,5% như Quốc hội đã quyết nghị.
Nhưng dù còn nhiều khó khăn, thách thức, theo giới chuyên gia, với quyết tâm tháo gỡ khó khăn cùng các giải pháp hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, kinh tế Việt năm 2025 sẽ có tăng trưởng tích cực, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển trung và dài hạn.
Theo giới chuyên gia, thị trường chứng khoán năm 2025 có điều kiện thuận lợi để bước vào chu kỳ tăng trưởng mới.
Bà Trần Thị Khánh Hiền – Giám đốc khối Nghiên cứu & Khối Nghiên cứu Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận định, năm 2025 sẽ là khởi đầu của một kỷ nguyên mới với sự phát triển vượt bậc của Việt Nam.
Chuyên gia chỉ ra rằng, sản xuất tiếp tục duy trì triển vọng tích cực trong bối cảnh nhu cầu thế giới phục hồi và cầu đầu tư trong nước khả quan. Việt Nam đang sẵn sàng nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, chuyển dịch sang các ngành sản xuất dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn. Đẩy mạnh đầu tư công cũng là một yếu tố quan trọng, với các dự án lớn như cao tốc Bắc – Nam, sân bay Long Thành và đường sắt cao tốc dự kiến hoàn thành, qua đó củng cố năng lực cạnh tranh và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Mặc dù lạm phát được dự báo không phải là mối lo lớn trong năm 2025, tạo dư địa cho chính sách kích cầu tiêu dùng và đầu tư, nhưng áp lực tỷ giá vẫn là một thách thức khi Ngân hàng Nhà nước phải cân đối giữa rủi ro ngắn hạn và mục tiêu tăng trưởng dài hạn. Ngoài ra, biến số từ chính sách của Mỹ và sự phục hồi kinh tế Trung Quốc cũng là những yếu tố có thể vừa mang lại cơ hội, vừa tạo ra thách thức lớn.
Trên thị trường chứng khoán, nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc cùng chính sách hỗ trợ tích cực và các nút thắt pháp lý được tháo gỡ dự kiến sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chu kỳ tăng trưởng mới. Theo bà Hiền, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong giai đoạn 2025-2026 được kỳ vọng đạt 18-19%, chủ yếu đến từ sự ổn định của ngành ngân hàng, bán lẻ và sự phục hồi từ đáy của ngành bất động sản và xây dựng. VN-Index được dự báo sẽ chạm mức 1.400-1.420 điểm trong năm tới.
Đặc biệt, theo MBS, năm 2025 nổi lên với tám chủ đề đầu tư hấp dẫn, bao gồm: bất động sản khởi động chu kỳ mới, tăng cường giải ngân đầu tư công, cơ hội từ ngành ngân hàng, hiệu ứng kích thích kinh tế từ Trung Quốc, sự thiếu hụt nguồn cung điện, ảnh hưởng từ chính sách của Mỹ, sự xuất hiện các ngành công nghiệp mới và khả năng nâng hạng thị trường chứng khoán.
Tuy vậy, rủi ro vẫn hiện hữu, đặc biệt là áp lực tỷ giá, sự phục hồi chậm của thị trường bất động sản và chính sách khó đoán của chính quyền Mỹ.
Thu An
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/chung-khoan/chuyen-gia-chi-ra-8-chu-de-dau-tu-hap-dan-nam-2025/20241231105212717