Các yếu tố tác động đến sự tập trung khi lái xe liên tục
Điều 64 luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 (có hiệu lực từ 1.1.2025) quy định về thời gian làm việc của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ.
Theo đó, thời gian lái xe của người lái xe ô tô không quá 10 giờ trong một ngày và không quá 48 giờ trong một tuần; lái xe liên tục không quá 4 giờ và bảo đảm các quy định có liên quan của bộ luật Lao động. Đơn vị kinh doanh vận tải, đơn vị hoạt động vận tải nội bộ và người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ chịu trách nhiệm thực hiện các quy định tại điều này.
Đơn vị kinh doanh vận tải, đơn vị hoạt động vận tải nội bộ và người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ chịu trách nhiệm thực hiện các quy định.
Về sự cần thiết của quy định không lái xe ô tô liên tục quá 4 giờ, trao đổi bên lề cuộc họp về dự thảo thông tư quy định sức khỏe người lái xe, tổ chức trong tuần qua, ông Nguyễn Thành Công, chuyên gia của Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an, giải thích quy định này áp dụng trong kinh doanh vận tải, với mục đích đảm bảo an toàn khi điều khiển phương tiện quá trình tham gia giao thông.
Theo ông Công, cần có thời gian nghỉ sau mỗi 4 giờ lái xe, vì 4 giờ liên tục trong quá trình lái xe tạo áp lực nhiều cho mắt, thần kinh, một số trạng thái sức khỏe khác, đặc biệt là thần kinh. Một số trạng thái sinh học và các yếu tố sinh lý khác của cơ thể cũng gây ảnh hưởng đến sự tập trung, quan sát, xử trí khi lái xe.
Quy định trên vẫn giữ nguyên như đã quy định tại luật Giao thông đường bộ 2008. Nhưng trong luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có bổ sung: 1 tuần lái xe không quá 48 tiếng, để đảm bảo phù hợp với luật Lao động.
Giám sát hành trình là bắt buộc
Đánh giá về việc tuân thủ các quy định về số giờ lái xe, với lái xe, cơ sở kinh doanh vận tải, ông Công cho biết, các thiết bị giám sát giúp đánh giá sự tuân thủ này.
Đơn vị kinh doanh vận tải sẽ lắp thiết bị giám sát hành trình trên các phương tiện giao thông vận tải, đó là điều bắt buộc để theo dõi phương tiện giao thông và cả người lái xe, thậm chí camera còn chụp được hình ảnh của người lái xe.
Cũng theo ông Công, trong ngành giao thông có chế tài có quy định xử lý với đơn vị kinh doanh để xảy ra vi phạm; và mỗi đơn vị quản lý vận tải sử dụng lái xe cũng có chế tài xử phạt riêng với trường hợp vi phạm về thời gian lái xe liên tục. Nếu người lái xe không chấp hành quy định, ngay nội bộ của công ty đó đã có chế tài.
“Các thiết bị giám sát hành trình sẽ giúp theo dõi, đánh giá sự tuân thủ của các lái xe. Thiết bị giám sát truyền dữ liệu về sở GTVT và về Cục Giao thông đường bộ, nên các cơ quan thẩm quyền theo dõi được”, ông Công cho biết thêm.
Cũng theo ông Công, thực tế quá trình xây dựng luật, ban soạn thảo đã tham khảo quy định của các nước và trên cơ sở thể trạng, tâm lý, sức khỏe của chung của người lái xe. Các quy định đều phục vụ cho mục đích chung là an toàn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
“Trong trường hợp cần lái xe nhiều giờ, thì đơn vị, người lái xe phải bố trí đổi lái, để tuân thủ đúng quy định, đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông”, ông Công cho biết.
Ngoài ra, luật cũng có quy định, người lái xe được lái xe nhiều hơn 48 giờ/tuần, trong một số lĩnh vực đặc thù, nhưng vẫn phải được đảm bảo thời gian nghỉ ngơi, nghỉ bù.
Quy định cấp, đổi, cấp lại và thu hồi giấy phép lái xe
1. Giấy phép lái xe được cấp cho người tham dự kỳ sát hạch lái xe có kết quả đạt yêu cầu.
2. Người có giấy phép lái xe được đổi, cấp lại giấy phép lái xe trong các trường hợp sau đây:
a) Giấy phép lái xe bị mất.
b) Giấy phép lái xe bị hỏng không còn sử dụng được.
c) Trước thời hạn ghi trên giấy phép lái xe.
d) Thay đổi thông tin ghi trên giấy phép lái xe.
đ) Giấy phép lái xe nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp còn giá trị sử dụng.
e) Giấy phép lái xe do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cấp khi có yêu cầu hoặc người được cấp không còn làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
3. Khuyến khích đổi giấy phép lái xe không thời hạn được cấp trước ngày 1.7.2012 sang giấy phép lái xe theo quy định của luật này.
4. Chưa cấp, đổi, cấp lại giấy phép lái xe đối với người vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi người đó chưa thực hiện xong yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết vụ việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
5. Giấy phép lái xe bị thu hồi khi thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Người được cấp giấy phép lái xe không đủ điều kiện sức khỏe theo kết luận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đối với từng hạng giấy phép lái xe.
b) Giấy phép lái xe được cấp sai quy định.
c) Giấy phép lái xe đã quá thời hạn tạm giữ hoặc hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng.
(Điều 62 luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024, có hiệu lực từ 1.1.2025)
Nguồn: https://thanhnien.vn/chuyen-gia-bo-cong-an-neu-ly-do-khong-lai-xe-lien-tuc-qua-4-gio-185241005120200183.htm