Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế TP HCM (HEF) năm 2023 với chủ đề “Tăng trưởng xanh – Hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng không” diễn ra ngày 15/9 tại TP HCM, ông Jan Jambon, Bộ trưởng-Thủ hiến vùng Flanders, Vương quốc Bỉ đã gợi ý một số giải pháp giúp TP HCM thúc đẩy tăng trưởng xanh và xây dựng thành phố thích ứng điều kiện khí hậu.
Theo ông Jan Jambon, hơn 50 năm qua, từ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (22/3/1973), quan hệ Việt Nam – Bỉ đã không ngừng được củng cố và phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Và điều tuyệt vời là trong quá trình chuyển đổi xanh, Việt Nam và Bỉ không đứng một mình mà đi cùng nhau.
Ông Jan Jambon, Bộ trưởng-Thủ hiến vùng Flanders, Vương quốc Bỉ phát biểu tại tại Diễn đàn Kinh tế TP HCM (HEF) năm 2023 (Ảnh: SGGP)
“Suốt thời gian qua, TP HCM nói riêng, Việt Nam nói chung đóng vai trò ngày càng quan trọng vào sự phát triển chung của khu vực; thể hiện rõ nét một nền kinh tế năng động, sáng tạo. Đối với vùng Flanders, chúng tôi có ngành công nghiệp hóa dầu lớn và phải đối diện với những áp lực về môi trường. Tuy vậy, chúng tôi nỗ lực giành một lượng lớn GDP cho đổi mới công nghệ, bảo vệ môi trường, đặc biệt là áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI)… Thông qua công nghệ, chúng tôi từng bước giải quyết được những vấn đề phức tạp, tái chế được gần 50% lượng rác các loại thải ra môi trường. Trên hết, các yếu tố gồm chính sách, cơ chế bền vững sẽ giúp cho quá trình giảm phát thải ròng, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn từng bước đạt hiệu quả; góp phần truyền cảm hứng cho các quốc gia, các vùng, lãnh thổ trên thế giới…”, ông Jan Jambon cho biết.
Chia sẻ về những kinh nghiệm của vùng Flanders về xây dựng thành phố bền vững, thích ứng điều kiện khí hậu với TP HCM, ông Jan Jambon đã nhấn mạnh đến một số sáng kiến.
Đầu tiên là thỏa thuận xanh nhằm giải quyết các vấn đề khan hiếm nước cũng như lũ lụt. Thông qua sự kết hợp các biện pháp bảo vệ cứng rắn ở các khu vực đô thị, vùng Flanders đang chuẩn bị để ứng phó với mực nước biển dâng cao cũng như mưa xối xả và hạn hán.
Cùng với đó là chính sách chuyển đổi môi trường được xây dựng nhằm bảo vệ không gian trống ở khu vực thành thị và nông thôn. Vùng Flanders đang áp dụng một cách mới để xem xét quy hoạch đô thị, đô thị hóa có tính đến nhiều yếu tố như khả năng di chuyển, không gian xanh… Việc xây dựng thỏa thuận xanh phản ánh cách thiết kế các tòa nhà theo hướng bền vững hơn.
“Trong dự án này, một số công cụ và hướng dẫn hỗ trợ chính sách cũng được phát triển cho các tòa nhà bền vững. Dự án này minh họa cách tiếp cận đổi mới của người dân Flanders. Sự hợp tác giữa các viện nghiên cứu, chính phủ và các công ty cũng để tìm ra giải pháp mới”, ông Jan Jambon chia sẻ.
Cũng theo ông Jan Jambon, các doanh nghiệp có tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng cảng biển, giao thông, cung cấp giải pháp công nghệ thông minh để hỗ trợ giải quyết các thách thức trong phát triển đô thị, phát triển điện gió, xử lý rác thải thành năng lượng, xây dựng khu công nghiệp tuần hoàn… Vùng Flanders sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy hợp tác với các doanh nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh trong những lĩnh vực này.
Theo các chuyên gia đến từ Bỉ, TP HCM cần xây dựng đô thị xanh, thông minh để giải quyết các thách thức trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, các chuyên gia đến từ Bỉ cũng đã nêu ra nhiều giải pháp thiết kế đô thị phù hợp mật độ dân cư và xây dựng cao, có các giải pháp tiên tiến, kỹ thuật xây dựng bền vững, thiết kế chống lũ lụt… để có thể hướng tới mục tiêu xây dựng lối sống xanh, hòa hợp với thiên nhiên, xây dựng một đô thị xanh, thông minh.
Ông Steven Petit, Giám đốc sáng tạo Công ty Omegeving (chuyên về kiến trúc và quy hoạch) chia sẻ, ở các đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, hiện có rất nhiều thách thức trong tình hình biến đổi khí hậu.
Để thích ứng, cần phải thiết kế đô thị dựa trên thiên nhiên, làm sao thành phố chống chịu được lũ lụt, ngập lụt. Đó có thể là thiết kế một vùng nước giữa đô thị để tạo môi trường xanh cho người dân.
Cùng quan điểm trên, theo ông Patrick Swartenbroeckx, Tổng Giám đốc Công ty Hydroscan (chuyên về dịch vụ môi trường), việc thiết kế chống chịu lũ lụt là rất cần thiết, không chỉ là vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn mang lại lợi ích cho người dân.
Ngọc Châu