Hết năm 2022, huyện Bình Liêu cơ bản đạt các tiêu chí huyện nông thôn mới (NTM). Từ thành quả này đã tác động tích cực đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, góp phần đổi mới bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân.
Trên địa bàn xã Húc Động, trung tâm nghề sản xuất miến dong truyền thống của huyện Bình Liêu những ngày tháng 6 này, bà con nhân dân đang tập trung chăm sóc giữa vụ cây dong riềng.
Anh Trần Văn Hoàng, Giám đốc HTX nông, lâm nghiệp và dịch vụ Húc Động cho biết: Nhiều năm qua, dân Húc Động chủ yếu trồng giống dong trắng, củ to, sản lượng lớn để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các cơ sở tráng miến hiện đại. Hiện nay, trước yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm, chúng tôi nghĩ tới cây dong đỏ này. Nó đã từng có mặt ở Húc Động, tuy năng suất không quá cao song tỷ lệ bột trên củ cao, có vị ngọt, màu đỏ, do vậy tạo được sợi miến dong tương đối khác biệt so với sản phẩm cùng loại.
Được biết vụ mùa này, HTX nông, lâm nghiệp và dịch vụ Húc Động trồng khoảng 5ha dong riềng đỏ trong tổng số trên 15ha dong nguyên liệu của đơn vị. Toàn xã Húc Động, diện tích trồng dong riềng tăng thêm hơn 10ha, nâng tổng diện tích cây dong riềng của xã trên 50ha với nhiều loại giống dong riềng, bao gồm cả giống dong riềng đỏ bản địa.
Từ cây dong riềng, nghề làm miến dong truyền thống đã giúp đời sống người dân Húc Động được nâng lên đáng kể. Xã Húc Động hiện là xã NTM nâng cao, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, sản xuất tương đối hoàn thiện, thu nhập của người dân đã đạt gần 80 triệu đồng/người/năm.
Cùng chuyển động với Húc Động, từ đầu năm đến nay, các vùng sản xuất nông nghiệp, các xã, thôn NTM của huyện Bình Liêu đều đạt được những kết quả đáng mừng. Theo báo cáo của Phòng NN&PTNT huyện, tổng diện tích cây dong riềng toàn huyện là gần 150ha, tăng 15ha; số cơ sở sản xuất miến dong là trên 20 đơn vị, trong đó, tăng mới 3 dự án liên kết sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm miến dong. Tổng đàn trâu, bò, gà, lợn của Bình Liêu 6 tháng qua đều tăng, trong đó đàn bò tăng 12%, đàn lợn tăng 34%. Kết quả này là nhờ người dân Bình Liêu đã thích ứng với việc chuyển đổi thành phần thức ăn cho đàn gia súc, gia cầm từ thức ăn thẳng, cám công nghiệp sang thức ăn tại chỗ, qua đó tiết kiệm chi phí.
Trong gần 6 tháng qua, người dân Bình Liêu cũng đã mạnh dạn gieo sạ, cấy giống lúa mới chất lượng cao thay cho giống Bao Thai bản địa đang có dấu hiệu thoái hoá giống. Trong đó, giống lúa Nhật J02 do Sở NN&PTNT triển khai thí điểm phát triển tốt, năng suất trung bình đạt đến gần 60 tạ/ha, cao nhất so với các địa phương Sở NN&PTNT phối hợp triển khai thử nghiệm lúa J02 đợt này.
Về sản xuất lâm nghiệp, đây vốn là thế mạnh của huyện Bình Liêu. Trong 6 tháng qua, toàn huyện đã khai thác được gần 300ha rừng trồng với tổng sản lượng gỗ 26.000m3. Cùng với đó, người dân thu hoạch 381 tấn nhựa thông, 481 tấn hoa hồi khô, 330 tấn vỏ quế khô, tạo nguồn thu nhập đáng kể để nâng cao chất lượng cuộc sống.
Theo bà Lê Thị Thu Hương, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, để tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí, chỉ tiêu huyện NTM, từ nay đến cuối năm, huyện Bình Liêu dự kiến tập trung đầu tư hạ tầng sản xuất cho các vùng trồng trọt, chăn nuôi tập trung, các vùng sản xuất lâm sản. Huyện khuyến khích bà con nông dân ứng dụng giống mới, quy trình sản xuất tiên tiến, hệ thống thiết bị sản xuất hiện đại vào phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp; tích cực chuyển dịch nông nghiệp kết hợp du lịch để gia tăng giá trị. Đối với sản phẩm miến dong, sẽ được khuyến khích phát triển theo hướng liên kết, doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm “bắt tay” trực tiếp với người nông dân, đưa ra yêu cầu về tiêu chí nguyên liệu cũng như cam kết cụ thể, qua đó tạo mối liên kết chặt chẽ, bền vững.