Diễn đàn có sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia du lịch trong nước và quốc tế, lãnh đạo các doanh nghiệp du lịch, các cơ quan quản lý điểm đến, cơ quan truyền thông…
Chuyển đổi xanh để chung tay bảo vệ mội trường
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường đã trở thành nhu cầu cấp bách của toàn thế giới. Chính phủ Việt Nam đã thể hiện quyết tâm chung tay cùng thế giới giải quyết khủng hoảng khí hậu và giảm phát thải khi tuyên bố Việt Nam sẽ đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Thực hiện tuyên bố trên, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách về môi trường và giao nhiệm vụ cho các Bộ, Ngành tham gia vào chương trình với các hoạt động cụ thể của ngành mình. Thích ứng với biến đổi khí hậu vừa là trách nhiệm, vừa là cơ hội để Việt Nam thực hiện chuyển đổi xanh nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.
Ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Mọi sự thay đổi của xã hội, của tự nhiên đều tác động đến du lịch. Ở Việt Nam tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, sự suy thoái của môi trường đã ảnh hưởng nặng nề đến du lịch.
Do vậy, Du lịch Việt Nam đã từng bước triển khai du lịch xanh, loại hình du lịch dựa trên khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhằm hạn chế những tác động xấu đến môi trường sống của con người.
“Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ VHTTDL, Hiệp hội Du lịch đã chủ động vận động các doanh nghiệp du lịch cả nước, thực hiện chuyển đổi xanh để chung tay bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển Du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế xanh trên cơ sở phát triển các sản phẩm du lịch xanh, dịch vụ xanh và quan trọng nhất là nâng cao nhận thức và hành động của hệ thống các doanh nghiệp du lịch Việt Nam theo hướng chuyển đổi xanh để du lịch Việt Nam phát triển bền vững, hiệu quả. Hành động cụ thể của Hiệp hội Du lịch Việt Nam là tổ chức Hội chợ VITM Hà Nội 2024 với chủ đề là “Du lịch Việt Nam – Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững””, ông Vũ Thế Bình cho biết.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam mong muốn các chuyên gia sẽ thảo luận về những nội dung cơ bản của Chuyển đổi xanh trong lĩnh vực du lịch, về các giải pháp triển khai, về trách nhiệm và sự vào cuộc của các bên liên quan trong việc đưa Du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nâng cao vị thế của Du lịch Việt Nam, nâng cao sự tăng trưởng của các doanh nghiệp và đời sống của hàng triệu lao động trong lĩnh vực du lịch.
Bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá của Việt Nam cho các thế hệ mai sau
Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện UNDP Việt Nam cho rằng, ngành du lịch đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, theo báo cáo dự kiến sẽ đóng góp khoảng hơn 6,4% GDP năm nay. Du lịch Việt Nam đạt được những thành công này cũng nhờ rất nhiều vào việc sở hữu những vẻ đẹp thiên nhiên và di sản văn hóa đa dạng, giàu bản sắc.
Tuy nhiên, đối mặt với những thách thức hiện nay như tình trạng mất mát đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu, việc chuyển đổi sang hướng phát triển bền vững là một điều tất yếu. Chuyển đổi xanh trong du lịch không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường và giúp thúc đẩy bảo tồn đa dạng sinh học mà còn nâng cao cuộc sống cho các cộng đồng phụ thuộc vào du lịch và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Phó Trưởng đại diện UNDP Việt Nam Patrick Haverman cho rằng, quá trình chuyển đổi xanh trong du lịch ở Việt Nam cần tập trung vào 4 vấn đề:
Thứ nhất là quy hoạch xanh. Theo ông Patrick Haverman, khi chúng ta bắt đầu hành trình hướng tới một tương lai xanh hơn, điều quan trọng là phải bắt đầu với quy hoạch “xanh”. Nói cách khác, các quy hoạch quốc gia cần định hướng cho phát triển du lịch xanh, đặc biệt là việc phát triển cơ sở hạ tầng du lịch ít tác động tới môi trường và thiên nhiên, đảm bảo quản lý chất thải rắn và nước thải hiệu quả, cùng nhiều vấn đề khác. Điều này đặc biệt quan trọng ở những địa điểm nhạy cảm về mặt sinh thái như các khu bảo tồn biển và vườn quốc gia.
Thứ hai là quản lý điểm đến hiệu quả. Ông Patrick Haverman cho rằng, ở Việt Nam, vẫn còn có nhiều việc phải làm để tăng cường hiệu quả của công tác quản lý điểm đến du lịch. Bằng cách thực hiện các biện pháp quản lý điểm đến hiệu quả, chúng ta có thể đưa ra các quy định quan trọng về hạn chế rác thải nhựa và giải quyết các vấn đề khác liên quan đến du lịch tại mỗi địa phương một cách toàn diện, để đạt được mục tiêu cuối cùng là tăng cường trải nghiệm tích cực cho du khách về mặt tổng thể. Hơn nữa, cách tiếp cận này cho phép chúng ta xác định và tận dụng các tài sản thiên nhiên và văn hóa độc đáo của từng địa phương, thúc đẩy phát triển các dịch vụ du lịch mang tính bản sắc cho từng vùng.
Thứ ba, du lịch không rác thải nhựa và carbon thấp. Trong cam kết hướng tới một tương lai xanh hơn, chúng ta cần bắt tay vào hành trình hướng tới một môi trường du lịch không có rác thải nhựa và carbon thấp. Nhiều địa phương tại Việt Nam đã bắt đầu quá trình “xanh hóa” du lịch từ nhiều năm nay. Ví dụ phải kể đến là phố cổ Hội An, Quảng Nam và huyện đảo Cô Tô, Quảng Ninh, những nơi đang tích cực giảm thiểu nhựa sử dụng một lần, thể hiện cam kết mạnh về quản lý môi trường của địa phương.
Thứ tư, du lịch bền vững dựa vào thiên nhiên. Việt Nam có một diện tích rất lớn các khu bảo tồn trên đất liền và trên biển, là nguồn tài nguyên quan trọng để phát triển du lịch dựa vào thiên nhiên, là lĩnh vực có sự giao thoa giữa văn hóa bản địa, bảo tồn đa dạng sinh học và tăng trưởng kinh tế nông thôn, miền núi.
Tuy nhiên, việc triển khai du lịch dựa vào thiên nhiên một cách bền vững sẽ đòi hỏi việc lập kế hoạch tỉ mỉ và cân nhắc kỹ lưỡng. Điều này bao gồm việc đánh giá các tác động tiềm ẩn đối với các hệ sinh thái mong manh trong các khu bảo tồn này, đảm bảo rằng mọi hoạt động du lịch đều phù hợp với mục tiêu bảo tồn và tích cực thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương vào quá trình ra quyết định nhằm thúc đẩy cả bảo tồn môi trường và phát triển kinh tế xã hội.
“UNDP sẵn sàng hỗ trợ Bộ VHTTDL, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các bên liên quan khác trong quá trình chuyển biến Việt Nam trở thành một điểm đến du lịch có trách nhiệm và có tính cạnh tranh. Chuyển đổi xanh trong du lịch không chỉ đóng vai trò là một trong những động lực chính cho tăng trưởng kinh tế mà còn góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá của Việt Nam cho các thế hệ mai sau”, Phó Trưởng đại diện UNDP Việt Nam bày tỏ.