Từ lâu, chúng ta đã nghe đến thuật ngữ chuyển đổi số (CĐS), kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số nhưng có lẽ phải đến khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, công cuộc CĐS mới được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. “Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là văn bản vừa mang tính chiến lược, vừa là kế hoạch hành động để các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp căn cứ vào đó triển khai CĐS trong hoạt động của cơ quan, đơn vị. Trên quan điểm người dân là trung tâm của CĐS, Chương trình xác định rõ, những lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hàng ngày với người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí cần được ưu tiên CĐS trước như: Y tế, Tài chính – Ngân hàng, Nông nghiệp, Giao thông Vận tải, Giáo dục, Sản xuất công nghiệp… trong đó báo chí không đứng ngoài xu thế chung đó.
Ảnh minh họa. |
Chuyển đổi số nói chung và CĐS báo chí nói riêng là chương trình hành động mới và khó do lĩnh vực truyền thông luôn biến động không ngừng. Tuy nhiên hiện nay, hoạt động CĐS báo chí còn rất mới mẻ. Sẽ thiếu cơ sở khoa học và xa rời thực tiễn, thậm chí chỉ mang tính hình thức nếu như không có một hệ thống sở cứ xác thực nhằm xác định tính hiệu quả của CĐS của từng cơ quan báo chí và cả hệ thống báo chí đạt được ở mức nào, đâu là những hạn chế cần cải thiện để từ đó ban hành những định hướng, chính sách phù hợp.
Thực hiện CĐS, không ít cơ quan báo chí đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị và các sản phẩm báo chí chất lượng cao, báo chí dữ liệu, các hình thức thể hiện tác phẩm báo chí kết hợp nhiều loại hình báo chí khác nhau, những sản phẩm báo chí độc quyền được đầu tư về nhân lực, tài lực, vật lực. Cùng với CĐS, các mô hình tòa soạn hội tụ xuất hiện ngày càng nhiều, các cơ quan báo chí đa phương tiện, đa nền tảng, đa loại hình cũng được hình thành, hoạt động hiệu quả. Đáng chú ý là báo Đảng địa phương cũng có nhiều sự thay đổi đáng ghi nhận trong việc CĐS. Đó là việc xây dựng, phát triển phiên bản báo mạng điện tử, tổ chức tòa soạn đa phương tiện, tòa soạn hội tụ với đầy đủ loại hình như báo in, báo mạng điện tử, truyền hình, phát thanh trên các hạ tầng kỹ thuật số. Tuy hội tụ các loại hình báo chí trong một tòa soạn báo Đảng địa phương, nhưng việc tổ chức sản xuất, xuất bản thông tin không hề có sự trùng lắp, chồng chéo, lãng phí nguồn nhân lực, tài nguyên, thông tin. Không chỉ tích hợp về mặt nội dung, nhiều tòa soạn đã tích hợp cả nhân lực, cơ sở vật chất, hạ tầng thông tin từ báo in, báo mạng điện tử, sản xuất nội dung video, và sử dụng các trang mạng xã hội với những fanpage để quảng bá, chuyển tải thông tin một cách đa dạng, nhanh chóng tới công chúng. Nhiều cơ quan báo Đảng địa phương còn thường xuyên tổ chức các buổi tường thuật trực tiếp trên báo điện tử nhân những sự kiện lớn.
Nằm trong hệ thống báo Đảng địa phương, những năm qua, Báo Nam Định cũng đã có nhiều nỗ lực cố gắng trong thực hiện chuyển đổi, số hóa quá trình sản xuất sản phẩm báo chí. Đặc biệt từ năm 2022, báo đưa vào vận hành hệ thống tòa soạn điện tử, hướng đến tòa soạn không giấy tờ. Theo đó tin tức được chuyển về tòa soạn và xử lý qua các khâu biên tập trên hệ thống CMS. Trên đó hiển thị rõ ngày giờ phóng viên nộp bài, nội dung biên tập qua từng khâu, công tác xử lý bản thảo cho từng loại hình báo chí như Báo in, Báo Điện tử, tin truyền hình… một cách hết sức rõ ràng, minh bạch. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm nguồn nhân lực, vật lực (nhất là giấy in, mực in) mà còn thể hiện rõ trách nhiệm của từng người, từng bộ phận, cũng như cả dây chuyền sản xuất. Bên cạnh đó, từng khâu trong quy trình quản lý tòa soạn, cơ quan cũng được số hóa, giúp cho việc chỉ đạo, điều hành, giám sát hiệu quả hơn. Số hóa trong quản lý báo chí giúp các cơ quan báo tận dụng triệt để các nguồn lực có sẵn, giám sát có hiệu quả các quá trình tác nghiệp của từng phóng viên cũng như cả tòa soạn. Bên cạnh đó, Báo Nam Định cũng tăng cường công tác đào tạo, rèn luyện đội ngũ phóng viên, biên tập viên đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn CĐS, thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng hoặc cử phóng viên, biên tập viên tham gia các lớp tập huấn do Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức như tập huấn về xây dựng mô hình Tòa soạn đa phương tiện, Tòa soạn hội tụ, CĐS, Nâng cao chất lượng ảnh báo chí, về thiết kế đồ họa, về dựng tin truyền hình trên smartphone… Trong xu thế báo chí hiện đại, các phóng viên giờ đây không đơn thuần chỉ biết viết hoặc chụp ảnh, mà họ đã được đào tạo để trở thành những phóng viên đa năng, sử dụng thành thạo các trang thiết bị phục vụ cho các loại hình báo chí khác nhau. Một nhà báo có thể vừa thu thập thông tin, vừa quay phim, chụp ảnh, dựng video, thậm chí cả thiết kế đồ họa để độc lập sản xuất những sản phẩm báo chí đa phương tiện. Đội ngũ biên tập viên và các bộ phận khác trong tòa soạn cũng phải tích cực học hỏi, vươn lên để thích ứng với yêu cầu công việc. Đến nay đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Báo Nam Định đã có được nền tảng nhất định về CĐS, một số phóng viên có thể sử dụng cùng một lúc nhiều loại trang thiết bị trong quá trình tác nghiệp, nhất là trong các sự kiện lớn, trong các chuyến công tác biển, đảo không thể đi cả kíp phóng viên. Trên Báo Nam Định Điện tử cũng đã mở thêm nhiều chuyên trang, chuyên mục mới phục vụ cho CĐS như Multimedia với góc ảnh, radio, video, Infographic, Emagazine phục vụ nhiều đối tượng bạn đọc.
Mới đây, ngày 6-4-2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 348/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Chiến lược CĐS báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, CĐS báo chí nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả…
Thực hiện Chiến lược CĐS báo chí do Thủ tướng phê duyệt, tỉnh cũng đang từng bước Chiến lược CĐS báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Trong đó Báo Nam Định và Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh là hai cơ quan báo chí chủ lực thực hiện Chiến lược này. Vì vậy Báo Nam Định xác định CĐS là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, trong đó xác định con người là trung tâm. Xây dựng đội ngũ thiện chiến là điều cần thiết, quyết định đến công cuộc CĐS. Cùng với đó tiếp tục phát huy, nâng cấp các nền tảng sẵn có, bổ sung thêm những tính năng mới, hiện đại, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của độc giả. Quan tâm đưa các sản phẩm báo chí lên các nền tảng mạng xã hội để giúp lan tỏa thông tin chính thống đến mọi đối tượng bạn đọc, tạo sự đồng thuận trong xã hội, nhất là trước những vấn đề nhạy cảm, phức tạp, góp phần chuyển tải chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh đến với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân với quan điểm lấy độc giả là trung tâm, ở đâu có độc giả, ở đó có báo chí. Cùng với chuyển đổi nội dung, CĐS báo chí còn là chuyển đổi văn hóa trong tòa soạn, từ khâu quản lý cơ sở hạ tầng bằng hệ thống trí tuệ nhân tạo cho tới quy trình vận hành từ quản trị viên đến biên tập viên, phóng viên…
Để thực hiện được những mục tiêu trong Chiến lược CĐS, bên cạnh sự nỗ lực của các đơn vị trong phát huy nội lực rất cần có sự quan tâm ủng hộ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các ngành chức năng trong đầu tư nguồn lực, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất, đào tạo con người, tập huấn nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên… Trong bối cảnh bùng nổ thông tin và công nghệ phát triển vũ bão, thì CĐS báo chí vừa là yêu cầu vừa là nhiệm vụ của các cơ quan báo chí, để tăng trải nghiệm và giữ chân bạn đọc, từ đó tăng hiệu quả công tác tuyên truyền, cung cấp cho người xem, người nghe nguồn thông tin chính xác, minh bạch, nhanh chóng và kịp thời theo xu thế CĐS chung của toàn xã hội. Hy vọng với nền tàng sẵn có cộng với sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh và các cơ quan liên quan, Báo Nam Định sẽ làm tốt nhiệm vụ CĐS góp phần vào kết quả chung của tỉnh./.
Phương Mai