BPO – Sau 1 năm triển khai thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số (CĐS) quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06/CP) và Chương trình hoạt động năm 2022 của Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh, Bình Phước đã đạt nhiều thành tựu vững chắc. Nhiều nhiệm vụ của đề án đi vào cuộc sống trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư do Bộ Công an xây dựng.
Bài cuối:
ĐỀ ÁN 06 – BƯỚC ĐỘT PHÁ
TRONG CHUYỂN ĐỔI SỐ
Đề án 06/CP thực hiện cùng với nhiệm vụ CĐS tại Bình Phước đã tạo đột phá trong thay đổi phương thức quản lý công dân, khắc phục tình trạng thiếu thống nhất và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý thông tin công dân, tạo điều kiện thuận lợi và nền tảng quan trọng để triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp. Từ đó, đẩy mạnh phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Người dân hưởng lợi từ liên thông dịch vụ
Trước đây, một em bé khi sinh ra, cha mẹ phải thực hiện 3 thủ tục hành chính ở 3 cơ quan khác nhau như: Đăng ký khai sinh tại bộ phận tư pháp, đăng ký thường trú tại cơ quan công an, làm thẻ bảo hiểm y tế tại cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH). Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, hiện nay, chỉ cần 1 thao tác qua cổng dịch vụ công và chia sẻ với CSDLQG về dân cư, người dân đã có thể giải quyết cùng lúc 3 thủ tục này.
Tại Bộ phận một cửa UBND phường An Lộc, thị xã Bình Long, anh Võ Xuân Cường đến làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con. Qua hướng dẫn, anh về nhà thực hiện các thao tác trên cổng dịch vụ công. Chỉ trong 20 phút, con gái anh đã được cấp giấy khai sinh và thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) trực tuyến.
Thành viên Tổ công tác triển khai Đề án 06/CP của tỉnh Bình Phước kiểm tra tiến độ triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu trong thực hiện thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực tại thị xã Bình Long
Tương tự thủ tục khai sinh, chị Nguyễn Thị Diễm Ái, cán bộ tư pháp – hộ tịch phường An Lộc cho biết: Nếu gia đình có người thân không may qua đời thì việc giải quyết thủ tục liên quan đến khai tử, xóa đăng ký thường trú… cũng chỉ cần thực hiện một lần, giải quyết được nhiều thủ tục hành chính (TTHC). Như vậy, khi thủ tục được cắt giảm, người dân không phải đi lại nhiều lần, giảm được thời gian, giảm thủ tục và chi phí.
Với 6/25 dịch vụ công thiết yếu lĩnh vực tư pháp, Sở Tư pháp đã phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tích hợp hệ thống thông tin quản lý hộ tịch; hệ thống quản lý lý lịch tư pháp dùng chung với cổng dịch vụ công của tỉnh. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa CSDLQG về dân cư với hệ thống thông tin quản lý hộ tịch đang được ngành tư pháp thực hiện thông suốt, hiệu quả.
Anh Lê Trung Hiếu, Phó trưởng Phòng Hành chính – Tư pháp, Sở Tư pháp chia sẻ: “Khi công chức tiếp nhận các TTHC liên quan đến công tác hộ tịch như đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử, yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp thì chỉ cần nhập dữ liệu trên cổng dịch vụ công và dữ liệu sẽ được chuyển về các phần mềm tương ứng. Hiện nay, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu được thực hiện thống nhất, đồng bộ trên địa bàn toàn tỉnh. Từ khi triển khai Đề án 06/CP đến nay, cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử của tỉnh đã cung cấp 224.581 thông tin đăng ký khai sinh, 37.360 thông tin về tình trạng hôn nhân, 24.337 thông tin về khai tử và 123.990 thông tin thay đổi cải chính hộ tịch cho CSDLQG về dân cư”.
Đẩy mạnh kết nối các nguồn dữ liệu
Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa CSDLQG về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành đang được các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện. Điển hình như ngành BHXH tỉnh đã phối hợp Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan liên thông dữ liệu đăng ký khai sinh và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; chia sẻ dữ liệu người có công, đối tượng bảo trợ xã hội để cập nhật số định danh cá nhân, căn cước công dân vào cơ sở dữ liệu chung của ngành BHXH.
“Nhờ liên thông dữ liệu, đến nay đã có nhiều cơ sở y tế khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đồng bộ thẻ BHYT với căn cước công dân gắn chíp để người dân thuận tiện khám, chữa bệnh. Số người tham gia BHXH, BHYT đã được đồng bộ với CSDLQG về dân cư chiếm hơn 50% so với tổng số người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh”. |
Ông LĂNG QUANG VINH Phó Giám đốc BHXH tỉnh Bình Phước |
Trong triển khai thực hiện Đề án 06/CP, Bình Phước chú trọng ứng dụng, kết nối, chia sẻ dữ liệu dân cư để tạo chuyển biến thực chất trong số hóa, giảm phiền hà cho người dân khi thực hiện TTHC tại các cấp chính quyền, trong đó ưu tiên hàng đầu là 25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Việc liên thông dữ liệu sẽ giải quyết tình trạng cát cứ thông tin, mỗi nơi mỗi kiểu, bởi dữ liệu sẽ được kết nối, chia sẻ và dùng chung.
Cán bộ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh hướng dẫn người dân đăng ký và sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2
Thượng tá Hồ Ngọc Chiến, Phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh cho biết: Bình Phước đã hoàn thành kết nối, chia sẻ 2 cơ sở dữ liệu chuyên ngành với CSDLQG về dân cư gồm: Cơ sở dữ liệu về BHXH; cơ sở dữ liệu về giáo dục và đào tạo. Công an tỉnh đang phối hợp các sở, ngành tiếp tục rà soát, chuẩn hóa, tái cấu trúc từng bước thu thập, xây dựng 22 cơ sở dữ liệu còn lại đảm bảo theo lộ trình của đề án từ nay đến năm 2025.
Khai thác tiện ích từ tài khoản định danh điện tử
Theo Luật Cư trú năm 2020, đến hết ngày 31-12-2022, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không còn giá trị sử dụng, tài khoản định danh điện tử mức độ 2 có giá trị tương đương như sử dụng thẻ căn cước công dân; đồng thời, có thể thay thế các loại giấy tờ cá nhân của công dân đã được tích hợp đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối chiếu khi thực hiện các giao dịch hành chính.
Thành viên đoàn công tác Đề án 06/CP của tỉnh hướng dẫn cán bộ, công chức thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản không lưu sổ hộ khẩu và căn cước công dân phôtô mà phải lưu trữ trên hệ thống
Vì vậy, các sở, ngành, địa phương đã có nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo và đồng bộ được triển khai, hướng tới “số hóa” định danh công dân trên địa bàn toàn tỉnh. Điển hình như huyện Hớn Quản, để đẩy nhanh tiến độ của đề án, giải pháp huyện Hớn Quản đưa ra là không tuyên truyền ồ ạt; không tuyên truyền khi còn mơ hồ, chưa nắm vững thông tin; tùy từng đối tượng là người lớn tuổi, học sinh, công nhân, cán bộ, công chức mà có cách tuyên truyền phù hợp. “Quan trọng là giúp người nghe tự nhận ra những lợi ích thiết thực của việc đăng ký tài khoản định danh điện tử, từ đó người dân sẽ tự nguyện đăng ký với tinh thần phấn khởi, hợp tác. Cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang… được xác định là đối tượng cấp tài khoản định danh tiên phong, từ đó tạo sự lan tỏa” – Thượng tá Nguyễn Thanh Quả, Phó trưởng Công an huyện Hớn Quản lưu ý.
Tính đến cuối tháng 3-2023, lực lượng công an tỉnh đã cấp định danh điện tử mức độ 2 cho 226.641 trường hợp, tỷ lệ kích hoạt đạt hơn 80%. Công tác cấp căn cước công dân gắp chíp điện tử tiếp tục đẩy mạnh, đến nay đã cấp được 932.131 trường hợp. Cùng với đó là quyết liệt đẩy nhanh làm sạch, đảm bảo nguồn dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”. |
Qua 1 năm triển khai Đề án 06/CP cùng với các nhiệm vụ CĐS, đã có 18/43 nhiệm vụ của đề án được triển khai hiệu quả. Với 25 dịch vụ công thiết yếu, tỷ lệ công dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến tăng đột biến so với các năm gần đây. Trong năm 2022 và quý 1/2023, cổng dịch vụ công của tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết 710.818 hồ sơ dịch vụ công, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến tăng từ 27,2% lên hơn 99%; nâng tỷ lệ dịch vụ công được xử lý trực tuyến tăng từ 21,62% lên 99%. Hoàn thành việc kiểm tra, đánh giá hệ thống cổng dịch vụ công đảm bảo các tiêu chí an ninh, an toàn và chính thức kết nối, chia sẻ với CSDLQG về dân cư.
Phát huy vai trò nguồn tài nguyên số quý báu CSDLQG về dân cư, Đề án 06/CP cùng với Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về CĐS đang góp phần thúc đẩy CĐS không chỉ trong các cơ quan, tổ chức mà còn dần hình thành công dân số, hoàn chỉnh hệ sinh thái số, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.