Bộ Chính trị vừa ban hành Kết luận số 100-KL/TW về đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035. Trong đó nhấn mạnh mục tiêu chuyển đổi số trong lĩnh vực này.
Chuyển đổi số để phát huy giá trị và nguồn lực
Mới đây, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vừa đạt giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2024 với ứng dụng công nghệ số bảo tồn, phát huy giá trị di sản, văn hóa Huế.
Ông Hoàng Việt Trung – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế – khẳng định: “Đây là một cách tiếp cận mới mẻ, giúp hiện thực hóa giá trị văn hóa trong cuộc sống hiện đại, mang lại những sản phẩm có giá trị lưu niệm cao, đồng thời kết nối người tiêu dùng với văn hóa di sản một cách gần gũi và bền vững”.
Cũng theo ông Trung, đơn vị đã triển khai số hóa hơn 25.000 trang tài liệu Hán Nôm, 172 hồ sơ (hồ sơ di tích, hồ sơ khảo cổ, hồ sơ di sản…), 250 ảnh sắc phong, 295 ảnh thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế…
Riêng cổ vật, hiện vật quý triều Nguyễn, đến nay, đã có 207 cổ vật quý, đặc trưng bao gồm 33 hiện vật/bộ hiện vật là bảo vật quốc gia đã được scan, số hóa 3D. Với những hướng đi đúng đắn đó, trung tâm đã thu hút thêm nhiều du khách, tăng thêm nguồn thu.
Thành công của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế là một minh chứng cho việc phát triển văn hóa phải gắn với quá trình số hóa.
Tháng 12.2021, Chính phủ ban hành Quyết định 2026 phê duyệt chương trình số hóa di sản Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Quyết định đề ra mục tiêu như: 100% các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO ghi danh; 100% các di tích quốc gia đặc biệt được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số; 100% các bảo vật quốc gia, các di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được số hóa, ưu tiên số hóa theo nhu cầu sử dụng của xã hội.
Việt Nam hiện có hơn 40.000 di tích các loại được kiểm kê, hơn 3.100 di tích được xếp hạng di tích cấp quốc gia. UNESCO đã ghi danh 8 di sản văn hóa và thiên nhiên, 14 di sản văn hóa phi vật thể, 7 di sản tư liệu. Bên cạnh đó là gần 200 bảo tàng, lưu giữ gần 4 triệu hiện vật, trong đó có hơn 200 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia và đặc biệt là sự đa dạng, phong phú của hơn 8.000 lễ hội.
Chuyển đổi số trong quá trình phát triển công nghiệp văn hóa
Sáng 1.11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Hội trường về Quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.
Trình bày trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, có 4 đối tượng thụ hưởng của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, trong đó có các di sản văn hóa thế giới, di tích quốc gia đặc biệt và di tích cấp quốc gia, các di sản văn hóa phi vật thể trong các danh sách của UNESCO, di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và một số di sản văn hóa phi vật thể có giá trị tiêu biểu thuộc loại hình tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một; các di sản tư liệu được ghi danh vào Danh sách quốc gia, khu vực và thế giới; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.
Tổng các nguồn lực huy động để thực hiện chương trình giai đoạn 2025-2030 dự kiến là 122.250 tỉ đồng. Quá trình số hóa trong lĩnh vực văn hóa không chỉ là giải pháp tránh lãng phí mà còn phát huy tối đa nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài chính và con người. Mục tiêu chương trình đưa ra là phấn đấu 100% các đơn vị hoạt động văn hóa, nghệ thuật thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Đây là mục tiêu không dễ làm nhưng lại là một trong những yêu cầu cấp bách để chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động văn hóa mà còn tạo ra quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại – “phương thức sản xuất số” trong lĩnh vực văn hóa – du lịch để thúc đẩy công nghiệp văn hóa.
Laodong.vn
Nguồn: https://laodong.vn/van-hoa/chuyen-doi-so-phai-la-uu-tien-trong-chien-luoc-muc-tieu-quoc-gia-ve-phat-trien-van-hoa-1415868.ldo