Nhằm thay đổi diện mạo đô thị, nông thôn và nâng cao đời sống nhân dân, thời gian qua tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển thương mại, dịch vụ.
Vĩnh Phúc đang nỗ lực phát triển thương mại, dịch vụ theo hướng hiện đại. (Nguồn: Cổng thông tin tỉnh Vĩnh Phúc) |
Theo Quyết định số 2361/QĐ-UBND ngày 1/11/2023 về việc phê duyệt Đề án phát triển thương mại điện tử trên địa bàn Vĩnh Phúc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh đề ra mục tiêu xây dựng thị trường thương mại điện tử phát triển lành mạnh, có tính cạnh tranh, và bền vững trong nền kinh tế số, là bệ đỡ, điểm tựa vững chắc cho sản xuất và tiêu dùng, xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa Vĩnh Phúc trên các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn của quốc gia và quốc tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về phát triển kinh tế xã hội, tạo tiền đề vững chắc để tham gia vào thị trường thương mại quốc tế.
Đến năm 2025, tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu là tỉnh có thị trường thương mại điện tử phát triển, chỉ số thương mại điện tử duy trì thuộc nhóm 15 tỉnh dẫn đầu của cả nước, đạt trên 30/100 điểm; đến năm 2030, phấn đấu là tỉnh có thị trường thương mại điện tử phát triển, chỉ số thương mại điện tử thuộc nhóm 10 tỉnh dẫn đầu của cả nước. Các chỉ tiêu đạt được phải cao hơn mục tiêu chung của cả nước. Đặc biệt, cần thu hẹp khoảng cách về điểm số phát triển thương mại điện tử với các tỉnh, thành đứng đầu cả nước.
Mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm hàng hóa chủ lực, sản phẩm OCOP (sản phẩm hàng hóa và dịch vụ du lịch có nguồn gốc địa phương, có thương hiệu, mang đặc trưng về văn hóa, lợi thế của địa phương) trong và ngoài nước thông qua ứng dụng thương mại điện tử; đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới.
Trước đó, trong Nghị quyết số 06 quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030 ban hành ngày 5/5/2023, tỉnh Vĩnh Phúc cũng thông báo sẽ triển khai một số nội dung hỗ trợ mô hình kinh doanh thương mại, dịch với đối tượng hỗ trợ là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân triển khai thực hiện các mô hình siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh tổng hợp, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh và địa phương, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại nơi thực hiện xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu.
Đó là một vài trong số nhiều cơ chế, chính sách đặc thù tỉnh đã chú trọng triển khai góp phần thúc đẩy phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, kinh doanh buôn bán của người dân mà còn tạo đà phát triển thương mại, dịch vụ, thay đổi diện mạo đô thị, nông thôn.
Có thể thấy mọi cơ chế, chính sách phát triển thương mại, dịch vụ thời gian qua của tỉnh Vĩnh Phúc đều có “hơi thở” của chuyển đổi số. Cụ thể, Sở Công Thương đã triển khai phương án chuyển đổi số toàn ngành, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân tiếp cận kỹ năng phát triển thương mại điện tử, kết nối xúc tiến thương mại điện tử; hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử như: Postmart, Voso, Shopee, Sendo… Xây dựng và hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp công nghệ để truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm; ứng dụng các phần mềm quản lý thông tin khách hàng, quản lý bán hàng thông minh; đẩy mạnh hình thức mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến, từng bước thay đổi thói quen mua sắm, hành vi tiêu dùng của người dân theo hướng văn minh, hiện đại.
Thời gian tới, Sở Công thương cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các phiên chợ hàng Việt tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh; tổ chức các điểm bán hàng giới thiệu các sản phẩm Việt tại các huyện; tổ chức hội thảo nâng cao năng lực xúc tiến thương mại, phát triển thị trường. Đồng thời, Sở Công thương cũng sẽ tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào các sàn giao dịch điện tử, sử dụng mô hình bán hàng đa kênh.
Nhờ nỗ lực đưa chuyển đổi số để đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tỉnh Vĩnh Phúc được kỳ vọng sẽ từng bước tạo sự bứt phá, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân.