Diễn đàn do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, Đại sứ Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Giorgio Aliberty và Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam Ramla Khalidi đồng chủ trì.
Các nội dung được thảo luận tại Diễn đàn tập trung vào cách thức chuyển đổi số có thể góp phần tăng cường tính nhất quán của hệ thống pháp luật, nâng cao nhận thức về các quyền hợp pháp và cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ tư pháp của các cộng đồng dễ bị tổn thương.
Theo ông Nguyễn Thanh Tịnh, ngành Tư pháp xác định rõ, chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; nâng cao chất lượng dịch vụ công của ngành Tư pháp.
Nhấn mạnh vai trò của chuyển đổi số, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Ramla Khalidi cho rằng: “Chuyển đổi số có thể góp phần đạt được các mục tiêu xây dựng một hệ thống tư pháp hiện đại và chuyên nghiệp, minh bạch, có trách nhiệm giải trình và dễ dàng tiếp cận đối với tất cả mọi người. Những sáng kiến tư pháp điện tử được thiết kế tốt có thể giúp tăng cường tiếp cận công lý một cách hiệu quả cho người dân và cộng đồng dễ bị tổn thương”.
Tại phiên thảo luận, ông Phạm Đức Dụ, Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Tư pháp đã chỉ ra những điểm còn hạn chế trong quá trình triển khai chuyển đổi số hiện nay, đó là hạ tầng công nghệ thông tin của Bộ chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển chính phủ điện tử, yêu cầu chuyển đổi số của ngành Tư pháp. Nguồn nhân lực duy trì, vận hành, đảm bảo an toàn thông tin và khắc phục sự cố còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu.
Bộ Tư pháp là đơn vị quản lý rất nhiều lĩnh vực, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu thường có quy mô từ Trung ương đến địa phương (đến tận cấp xã). Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư mới chỉ bố trí ở mức tối thiểu, do đó, các phần mềm chỉ được đầu tư nhỏ lẻ, không được nâng cấp, thay thế kịp thời, dẫn đến khó đảm bảo an toàn an ninh, đáp ứng các nghiệp vụ và dữ liệu phát sinh cũng như các yêu cầu của người sử dụng.
TS Chu Thị Hoa, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp nhấn mạnh, để tăng cường hiệu quả của hoạt động xây dựng pháp luật nên sử dụng sự hỗ trợ của công nghệ dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật trong quá trình thu thập thông tin, tài liệu; sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ quá trình đánh giá, phân tích chính sách, đánh giá tác động chính sách; thu thập, phân tích những kiến nghị từ cá nhân, tổ chức nhằm tăng cường hiệu quả cho công tác lấy ý kiến góp ý văn bản quy phạm pháp luật…
Diễn đàn pháp luật thường niên là sự kiện quan trọng nhất trong năm của Nhóm quan hệ đối tác pháp luật, được tổ chức nhằm cập nhật và chia sẻ thông tin về những thành tựu, nội dung, yêu cầu, nhiệm vụ ưu tiên của các cơ quan, tổ chức Việt Nam trong tiến trình cải cách tư pháp, cải cách pháp luật hiện nay, từ đó tạo tiền đề, cơ sở cho việc thúc đẩy các quan hệ hợp tác, mở ra các cơ hội hợp tác mới về các lĩnh vực, nội dung trao đổi tại Diễn đàn. Diễn đàn thường niên này được tổ chức trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (Dự án EU JULE) do Liên minh châu Âu, UNDP, và UNICEF đồng tài trợ.
|
Tin, ảnh: HỒNG UYÊN