Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số đặt yêu cầu mới cho ngành xuất bản, muốn phát triển phải hoạt động đồng thời ở cả 2 không gian: cũ và mới.
Bí thư trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tham quan những gian hàng sách được trưng bày tại khu vực Hồ Văn thuộc quần thể khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám. (Nguồn: Ban Tổ chức) |
Tối 17/4, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba đã chính thức được khai mạc tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội). Đây là sự kiện do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), UBND TP Hà Nội, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức.
Đánh trống và phát biểu tại Lễ khai mạc, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc, tạo thành nét đẹp văn hóa của người dân thủ đô và người dân cả nước.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, sự kiện mang đến 4 thông điệp thiết thực là: Sách hay cần bạn đọc, Sách quý tặng bạn, Tặng sách hay – Mua sách thật, Sách hay: Mắt đọc – Tai nghe. Hưởng ứng Ngày sách, Hội sách năm nay, nhiều nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách, công ty công nghệ sách đã tham gia tích cực, mang đến luồng sinh khí mới trong việc lan tỏa văn hóa đọc, cổ vũ thói quen đọc sách.
Các chuỗi hoạt động và sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba được tổ chức tại Hà Nội, cũng như khắp mọi miền tổ quốc góp phần thiết thực phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị, các đơn vị xuất bản tăng cường các hoạt động giới thiệu, quảng bá các tác phẩm tác giả Việt Nam tới bạn bè quốc tế để bạn bè quốc tế tới Việt Nam và hiểu về văn hóa Việt Nam, qua đó góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, năm 2021, Thủ tướng quyết định nâng Ngày Sách 21/4 thành Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam với mục tiêu không chỉ tôn vinh những người viết sách, làm sách, mà sâu sắc hơn là tôn vinh bạn đọc, tôn vinh văn hóa đọc.
Bốn thông điệp của Ngày Sách và Văn hóa đọc năm nay giản dị nhưng mang ý nghĩa sâu sắc, đều hướng tới mục tiêu này với mong muốn xuất bản góp sức mình vào xây dựng hệ tri thức dân tộc, phát triển đội ngũ trí thức, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
“Chuyển đổi số đặt yêu cầu mới cho ngành xuất bản, muốn phát triển phải hoạt động đồng thời ở cả 2 không gian: cũ và mới. Không gian cũ với sự trợ giúp của công nghệ sẽ được mở rộng, nâng cao chất lượng và năng suất lao động. Không gian mới sẽ giúp cho xuất bản mở rộng thị trường, tạo ra các sản phẩm mới, tạo ra sự phát triển mới trong dài hạn.
Muốn xuất bản phát triển, cần tăng cường truyền thông, quảng bá về sách và văn hóa đọc. Các Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố, các cơ quan báo chí, truyền thông, các nhà mạng viễn thông cần chung tay ủng hộ, có các hoạt động thiết thực để việc truyền thông, quảng bá không chỉ trong dịp 21/4 này mà sẽ trở thành công việc thường xuyên, liên tục trong năm, để văn hóa đọc lan tỏa, trở thành sức mạnh nội sinh, nét đẹp văn hóa Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Chia sẻ về Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba, ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho rằng, những năm gần đây, văn hóa đọc Thủ đô đã có những bước phát triển rõ rệt, chuyển biến thực chất. Đọc sách trở thành thói quen và nét đẹp trong đời sống xã hội. Ngành xuất bản đã khẳng định được vị trí, tầm quan trọng trong việc góp phần xây dựng xã hội học tập, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Chương trình khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc lần thứ ba đã đem đến cho độc giả, khán giả và du khách màn trình diễn sử dụng công nghệ 3D mapping (sự kết hợp giữa 3D và công nghệ làm phim), các tiết mục văn nghệ mãn nhãn, giàu nghệ thuật tôn vinh sách, văn hóa đọc và hoạt động xuất bản.
Cũng trong tối 17/4, Hội sách chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba bắt đầu mở đón độc giả và du khách tại khu vực Hồ Văn (nằm trong quần thể Khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám). Hội sách có sự tham gia của 60 đơn vị xuất bản, phát hành tham gia trưng bày, giới thiệu và cung cấp cho bạn đọc trên 40.000 tựa sách có giá trị.
Chuỗi hoạt động Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm nay diễn ra từ ngày từ ngày 17/4-1/5, mở cửa miễn phí. Trong thời gian diễn ra hội sách còn có nhiều hoạt động tọa đàm, giới thiệu sách; giao lưu tác giả, tác phẩm; chương trình nghệ thuật đặc sắc, phù hợp với nhiều đối tượng…
Hội sách sẽ mở từ 8h đến 22h hàng ngày, tạo điều kiện cho độc giả, du khách tham quan, trải nghiệm.
Ngoài ra, độc giả còn được hưởng nhiều chương trình ưu đãi về sách hấp dẫn của các đơn vị xuất bản, phát hành.
(theo Dân trí)