Ngày 29/12/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Tại Hội nghị, Bộ TT&TT đã đưa ra những thông tin đáng chú ý về tình hình Chuyển đổi số quốc gia trong năm vừa qua.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, cách đây 5 năm, ứng dụng công nghệ thông tin là phổ biến, chuyển đổi số là rất mới. Chuyển đổi số là mới mẻ không chỉ với Việt Nam mà cả thế giới, đối với những điều mới thì tinh thần dám khai phá là quan trọng nhất. Chính phủ ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia năm 2020 là một quyết sách mạnh mẽ và tiên phong. 5 năm qua là chặng đường vừa làm vừa khai phá, và chính tinh thần dám khai phá ấy đã đưa Việt Nam vào nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng về kinh tế số, thương mại điện tử, chính phủ số, dịch vụ công trực tuyến và chuyển đổi số nói chung vào loại nhanh nhất trong khu vực và trên thế giới.
Những nỗ lực của Việt Nam trong tiến trình chuyển đổi số được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu trên đã được phản ánh qua các kết quả đã đạt được trong năm 2024.
Cụ thể, theo đánh giá của Liên Hợp Quốc thì năm qua, Chỉ số Chính phủ điện tử (EGDI) của Việt Nam xếp hạng 71/193, tăng 15 bậc so với năm 2022. Đây là lần đầu tiên Việt Nam được xếp vào nhóm EGDI ở mức rất cao và có vị trí xếp hạng cao nhất kể từ khi bắt đầu tham gia đánh giá EGDI của Liên Hợp Quốc năm 2003. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 5/11 nước về Chính phủ điện tử, tăng 1 bậc so với năm 2022. Bộ TT&TT đánh giá, Chỉ số Chính phủ điện tử ở mức cao góp phần cải thiện vị thế quốc gia, qua đó thúc đẩy cải cách hành chính, công khai minh bạch các hoạt động của cơ quan nhà nước, thu hút đầu tư tốt hơn.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng |
Điểm đánh giá mức độ chuyển đổi số (DTI) năm 2023 quốc gia là 0,7326, tăng 3% so với năm 2022 (0,7111) và tăng 50,8% so với năm 2020 (0,4858). Tổng giao dịch thực hiện thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) ước tính đến hết tháng 12/2024 là 1,031 tỷ giao dịch (tăng 56% so với năm 2023). Giao dịch thông qua Nền tảng NDXP năm 2024. Chỉ riêng năm 2024 số giao dịch thông nền tảng NDXP bằng 1/2 tổng số giao dịch của 04 năm trước đó.Tỷ lệ DVCTT toàn trình đủ điều kiện ước đạt 100%.
Trong năm 2024 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì các Phiên họp toàn thể và phiên họp chuyên đề của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Đến tháng 11/2024, tổ chức được. Tại các Phiên họp, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã khẳng định chuyển đổi số đã trở thành phong trào, là xu thế không thể đảo ngược, là yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi, khó mấy cũng phải làm”. Trong giai đoạn 2021-2024, chuyển đổi số được đẩy mạnh theo hướng toàn dân, toàn diện, bao trùm, xuyên suốt, có kết quả thực, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Về việc thực hiện các mục tiêu liên quan đến xây dựng Chính phủ số, theo số liệu mới nhất hiện có 83/83 bộ, tỉnh đã ban hành danh mục Dịch vụ công toàn toàn trình (DVCTT) toàn trình, một phần theo Nghị định số 42/2022/NĐ-CP. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của cả nước đến hết tháng 12/2024 đạt 45,8% (mục tiêu 2024: 50%), trong đó khối bộ đạt tỷ lệ 63,47% (mục tiêu 2024: 70%), khối tỉnh đạt tỷ lệ 18,54% (mục tiêu 2024: 30%). Tỷ lệ cung cấp dữ liệu mở của cơ quan nhà nước đạt 87%. Tỷ lệ bộ, ngành, địa phương ban hành danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung đạt 90%.
Quang cảnh Hội nghị |
Kinh tế số cũng ghi nhận những bước tiến, tỷ trọng kinh tế số trong GDP ước tính năm 2024 đạt 18,3%, tăng trưởng 20% so với năm 2023. Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) chuyển đổi số, lượt doanh nghiệp tiếp cận Chương trình đạt trên 1,3 triệu lượt. Số lượng doanh nghiệp SME sử dụng nền tảng của Chương trình vượt 400.000 doanh nghiệp, chiếm 43,5% tổng số doanh nghiệp trên cả nước. Tỷ lệ người dùng thường xuyên hàng tháng (MAU) các nền tảng số Việt so với nền tảng số nước ngoài trên các ứng dụng di động năm 2024 là 25,25%. Tổng số lượt tải mới ứng dụng về thiết bị di động xếp hạng thứ 11 toàn thế giới. Việt Nam có 07 ứng dụng di động có số lượng người dùng trên 10 triệu (Zalo, Zing Mp3, Ví MoMo, Báo mới, VnEID, MB Bank, Vietcombank và My Viettel,…). Tiếp theo nhóm này, phân khúc ứng dụng có số lượng tài khoản đang hoạt động đạt 5 – 10 triệu hiện nay có trên 10 ứng dụng do doanh nghiệp, cá nhân người Việt phát triển.
Trong năm 2024, Bộ TT&TT đã công bố danh sách nền tảng số quốc gia do các bộ, ngành triển khai trên toàn quốc để địa phương khai thác, tránh triển khai trùng lặp. Bộ cũng đã tổ chức đánh giá và công bố mức độ chuyển đổi số (DTI) của các bộ, ngành và địa phương năm 2023. Việc xác định DTI cấp bộ, cấp tỉnh và của quốc gia để theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan và công bằng kết quả thực hiện chuyển đổi số hằng năm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (cấp bộ), các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh) và của quốc gia trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Bộ TT&TT đã rà soát và công bố hơn 150 nền tảng số từ các bộ, ngành và địa phương nhằm tối ưu hóa đầu tư, tránh chồng lấn và lãng phí. Năm 2024, trí tuệ nhân tạo (AI) và trợ lý ảo được thúc đẩy ứng dụng, để hướng tới cung cấp AI như một dịch vụ. Về công tác triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ): Tính đến ngày 15/12/2024, 63/63 địa phương trên cả nước thành lập 93.524 Tổ với khoảng 457.820 thành viên Tổ đến cấp xã, phường, thôn, bản, phố, khóm.
Năm vừa qua, Việt Nam cũng tổ chức nhiều sự kiện đáng chú ý để thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện. Ngày 12/10/2024, Bộ TT&TT phối hợp Văn phòng Chính phủ tổ chức chương trình Chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì tại trụ sở Chính phủ, với chủ đề “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số – Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”. Đây là năm thứ 3 liên tiếp tổ chức Chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia và là sự kiện quan trọng thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước chung tay chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số, công dân số và truyền tải thông điệp của Chính phủ quyết tâm theo đuổi cuộc cách mạng chuyển đổi số một cách sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân và hiện đại hóa quản trị quốc gia, mang lại lợi ích cho mọi người dân và cho đất nước.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/chuyen-doi-so-dat-nhieu-ket-qua-noi-bat-trong-nam-2024-159418.html