Bên cạnh vai trò là đạo diễn cho nhiều chương trình lớn, chị Quỳnh Thư còn là doanh nhân. Chị là người thích đọc sách và là tác giả viết nhiều sách.
Đọc sách như thưởng thức bữa ăn
Buổi trò chuyện chủ đề khá học thuật: Sách – Nhạc – Nghệ: Cùng “trải nghiệp” ngành văn hóa và khám phá giá trị tri thức cho dân sales & marketing trở nên gần gũi, chân tình hơn bởi những câu chuyện về đọc sách trong đời thường.
“Tôi nghĩ rằng sách là một loại nghệ thuật khó tiếp thu, hấp thụ nhất. Sách vừa là kỹ thuật vừa là nghệ thuật. Việc hướng dẫn cho con đọc sách là một công trình tính bằng năm bởi giờ trẻ con thường lướt TikTok và Instagram”, chị Quỳnh Thư nói.
Đi vào chủ đề chính, chị cho rằng người hoạt động trong ngành sale và marketing cần đọc sách nhiều theo những phương thức khác nhau. Ngoài yêu thích ra còn phải có kỹ thuật đọc nữa.
Chị ví von rằng một ngày có ba bữa ăn, mỗi bữa đổi món. Đọc sách cũng vậy, không nhất thiết cứ phải đọc một món mà mình không thấy ngon, thấy hay.
Chúng ta không nên ép đọc một cuốn mà có thể chọn nhiều loại sách mỗi ngày.
“Đối với người làm sale và marketing thì sách vô cùng quan trọng. Sách là kiến thức và nó là một nguồn tuyệt vời để thể hiện năng lực cá nhân”, chị kết luận.
Khách mời giảng viên thanh nhạc Mỹ Ngọc trong vai trò là người kết nối với nghệ sĩ cho biết với tính cách và đặc thù công việc, tìm đỏ con mắt mới có thể thấy nghệ sĩ đọc sách. Theo chị: “Nếu cuộc sống gói gọn trong bốn bức tường thì vốn sống hạn chế. Đọc sách nhiều giúp ngôn từ sáng tác nhạc phong phú”.
Chị cũng bảo vài năm nay mọi thứ xoay quanh nhà sản xuất, nghệ sĩ chỉ là một phần nhỏ. Ngày xưa ít nghệ sĩ nhưng hôm nay cứ mỗi một ngày có nghệ sĩ mới ra đời.
Có nhiều kênh phát hành sản phẩm của nghệ sĩ chứ không chỉ báo chí chính thống như xưa. Cuộc cạnh tranh khốc liệt, nếu không biết nắm bắt sẽ tụt lại phía sau.
“Bây giờ sự tài năng của nghệ sĩ chỉ còn một phần thôi, phần còn lại là chiến lược phát triển như thế nào: bạn có style âm nhạc nào, phát hành thời điểm nào hợp lý? Chi phí quản lý và chi phí phát hành bao nhiêu? Tất cả đều mang tính chiến lược và hệ thống.
Chính điều này khiến các nghệ sĩ cần phải học, đọc sách để thêm kiến thức. Bản thân tôi cũng thấy phải đọc sách sale và marketing để phát triển nhiều trong công việc”, chị nói.
Đọc sách cùng với những người cùng sở thích
Buổi nói chuyện trên là hoạt động đầu tiên của câu lạc bộ sách CSMO, vừa ra mắt tại Nam Thi House.
Bà Liên Hương đại diện Alpha Book phát biểu trong chương trình rằng dòng sách sale và marketing muốn đọc thôi chưa đủ. Cách hay nhất là nên cần có những buổi thực hành, chia sẻ sách cùng các chuyên gia.
“Vì vậy câu lạc bộ sách CSMO tổ chức những buổi nói chuyện để mọi người cùng phân tích bài học, kinh nghiệm từ cuốn sách đó, áp dụng như thế nào vào trong công việc cá nhân. Điều này hiệu quả nhiều hơn so với việc tự đọc sách.
Hãy đừng đọc một mình mà đọc cùng với những người cùng sở thích và theo dõi các chuyên gia để ứng dụng những quyển sách đó vào công việc của mình hiệu quả”, bà nói.
Là người làm trong ngành xuất bản sách lâu năm, bà Hương cho rằng hiện sách về sale và marketing dịch từ nước ngoài nhiều. Người Việt viết về đề tài này rất hiếm hoi và ít sách trở thành sách đầu giường cho người làm lĩnh vực sale và marketing.
Bà kêu gọi các chuyên gia Việt nên tăng cường viết sách. Đây là cách tuyệt vời xây dựng thương hiệu cá nhân. Còn MC chương trình Tiến Huy cho rằng xuất bản sách là để lại di sản tri thức.
CSMO viết tắt cho câu lạc bộ các giám đốc sales & marketing Việt Nam. Đây là câu lạc bộ chuyên ngành chính thống về sale và marketing được thành lập bởi Hiệp hội quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD) trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Câu lạc bộ hoạt động trên toàn quốc và được phép kết nối với các đối tác, hiệp hội, nghề nghiệp quốc tế. Dự kiến mỗi tháng câu lạc bộ sách SCMO sẽ có một buổi nói chuyện về chủ đề liên quan đến sale và marketing.
Nguồn: https://tuoitre.vn/chuyen-doc-va-lam-sach-cua-dan-sale-va-marketing-co-khac-nguoi-20240522093649423.htm