Chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai và Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79 khẳng định vai trò tích cực của Việt Nam trong việc thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, phát triển bền vững và hợp tác toàn cầu. Đây là dấu ấn quan trọng trong việc nâng tầm quan hệ Việt Nam – Liên hợp quốc lên một tầm cao mới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ có thông điệp quan trọng tại Liên hợp quốc
|
Việt Nam và Liên hợp quốc: hành trình đóng góp cho hòa bình và phát triển toàn cầu
|
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. (Ảnh: TTXVN) |
Từ ngày 21/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam có chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79 và làm việc tại Hoa Kỳ.
Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Dennis Francis phát biểu tại phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York, Mỹ, ngày 16/11/2023. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Trao đổi với phóng viên TTXVN về chuyến thăm này, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 78, ông Dennis Francis, nhận định: quan hệ giữa Liên hợp quốc và Việt Nam sẽ được củng cố và tăng cường sau sự tham dự của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Điều này không chỉ thể hiện cam kết ở cấp cao nhất của Việt Nam mà còn là lời khẳng định về vai trò tích cực của quốc gia trong việc thúc đẩy các giá trị cốt lõi của Liên hợp quốc.
Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79, các chủ đề quan trọng như nhân quyền, y tế, giáo dục và phát triển bền vững được thảo luận, cũng chính là những lĩnh vực mà Việt Nam luôn ưu tiên và cam kết. Những đóng góp của Việt Nam, từ việc gửi các nhân viên gìn giữ hòa bình tới Nam Sudan, cho đến tham gia các ủy ban quan trọng của Liên hợp quốc như Hội đồng Nhân quyền, không chỉ góp phần vào mục tiêu gìn giữ hòa bình toàn cầu mà còn khẳng định vai trò trách nhiệm và chủ động của Việt Nam.
Vai trò của Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai
Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai là sự kiện đặc biệt, mở ra cơ hội để các nhà lãnh đạo quốc tế cùng nhau xây dựng các thể chế quốc tế thích ứng với thế kỷ 21. Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam – bà Pauline Tamesis cho biết: thế giới đang phải đối mặt với những thách thức mà hệ thống quốc tế hiện nay không thể giải quyết được, từ biến đổi khí hậu đến sự phát triển của các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo. Hội nghị nhằm cải tổ các cấu trúc lỗi thời, xây dựng một khuôn khổ quản trị toàn cầu mới, toàn diện và hiệu quả hơn.
Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam. (Ảnh: TTXVN) |
“Sự tham gia của Việt Nam vào Hội nghị thượng đỉnh này là rất quan trọng. Là một quốc gia có thu nhập trung bình, Việt Nam có lợi ích nhất định trong việc định hình lại cơ cấu tài chính toàn cầu nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn tài chính hợp lý cho phát triển bền vững.
Việt Nam cũng đóng góp tiếng nói và vai trò dẫn dắt của mình trong các cuộc thảo luận quan trọng về biến đổi khí hậu – một lời nhắc nhở kịp thời về tính dễ bị tổn thương của một quốc gia đang phát triển trước biến đổi khí hậu, đặc biệt là ngay sau khi cơn bão Yagi gây ra thiệt hại to lớn cho những nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất.
Bằng việc tham gia tích cực, Việt Nam có thể vận động cho những cải cách ưu tiên các nước đang phát triển và góp phần xây dựng các thể chế quốc tế toàn diện và thích ứng hơn.
Hội nghị thượng đỉnh cũng mang lại cho Việt Nam một nền tảng để hợp tác với các nhà lãnh đạo toàn cầu, đảm bảo giải quyết các quan điểm và thách thức nhằm theo đuổi một tương lai công bằng và bền vững hơn. Hội nghị thượng đỉnh là cơ hội quan trọng để Việt Nam dẫn dắt và đóng góp vào các cuộc đối thoại toàn cầu cũng như các hành động tiếp theo”, bà Pauline Tamesis nhận định.
Cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với tương lai toàn cầu
Trong bài phát biểu được ghi hình trước tại Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh “hội nghị thượng đỉnh lịch sử này sẽ mang lại tư duy mới và cách làm mới cho tương lai thế giới”.
Ông cũng cho rằng “điều này mang lại cơ hội lớn cho Liên hợp quốc và chủ nghĩa đa phương nhằm tái khẳng định những giá trị không thể thay thế của họ trước những thách thức to lớn của thời đại”.
Ông xác định rằng “sự chuyển đổi phải bắt đầu bằng những tiến bộ trong khoa học, công nghệ và đổi mới” và “Liên hợp quốc phải đi đầu trong việc thiết lập khuôn khổ pháp lý để chia sẻ thông tin và hỗ trợ các quốc gia phát triển các công nghệ đột phá một cách an toàn và bảo mật”.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề xuất “thành lập một nền tảng công nghệ xanh toàn cầu, nơi ASEAN và các tổ chức khu vực khác có thể chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy phát triển công nghệ xanh”. Với những đóng góp tích cực của Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh và những nỗ lực chung nhằm tăng cường hòa bình, hợp tác và đoàn kết quốc tế nhằm thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc ở Việt Nam tin tưởng rằng cùng nhau, “chúng ta có thể đạt được các mục tiêu của Hội nghị thượng đỉnh và tạo dựng nền tảng vững chắc cho tương lai”.
Nguồn: https://thoidai.com.vn/chuyen-cong-tac-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-nang-tam-quan-he-viet-nam-lien-hop-quoc-205104.html