Tính năng Galaxy AI được tích hợp trên các dòng điện thoại mới nhất của Samsung có một phần công sức của những kỹ sư người Việt đang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Samsung Việt Nam.
Đầu năm 2024, Samsung đã công bố dòng điện thoại Galaxy S24 với các tính năng AI tạo sinh (GenAI) tích hợp trong Galaxy AI tại sự kiện Hoa Kỳ.
Trong 13 ngôn ngữ được hỗ trợ có cả tiếng Việt. Thông qua Galaxy AI, người dùng Việt có thể tương tác với công nghệ mới nhất bằng tiếng mẹ đẻ tương tự như các ngôn ngữ phổ biến trên thế giới khác. Ít ai biết rằng, đây là thành quả đầy tự hào của đội ngũ kỹ sư người Việt đang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Samsung Việt Nam (SRV).
Tiếng Việt lần đầu xuất hiện trên Galaxy AI
Tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Samsung Việt Nam (SRV) có 2.300 kỹ sư đang làm việc. Một trong những dự án đầy tự hào ngay khi Trung tâm khánh thành đó là triển khai phát triển ngôn ngữ tiếng Việt trên Galaxy AI.
Trong năm 2023, với việc Samsung lần đầu tiên giới thiệu về ứng dụng của trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI) trên các ứng dụng chỉnh sửa ảnh, đội ngũ kỹ sư của SRV cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển và hoàn thiện nhiều tính năng thông minh ở phần mềm chỉnh sửa ảnh trên các dòng điện thoại Samsung.
Nói về việc phát triển ngôn ngữ thứ 13 tiếng Việt trên Galaxy AI, ông Đỗ Đức Dũng – Giám độc bộ phận giải pháp phần mềm Trung tâm R&D Samsung cho biết: “Chúng tôi chỉ có vẻn vẹn 4 tháng và vài chục con người để phát triển từ con số 0. Trong khi đó, thông thường cần ít nhất từ 6 tháng đến một năm để phát triển AI ngôn ngữ lớn. Từ cuối tháng 10/2023 đến 18/1/2024 chúng tôi đã phát triển, kiểm thử và chính thức tích hợp tính năng AI tiếng Việt cho dòng Samsung Galaxy S24 mới ra mắt.”
Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, SRV đã gấp rút tập hợp những nhân sự có kinh nghiệm về học máy (machine learning), học sâu (deep learning) và xử lý ngôn ngữ tự nhiên (natural language processing) từ các bộ phận khác nhau để thiết lập nhóm Nghiên cứu language AI.
Anh Trần Tuấn Minh – Kỹ sư tại Bộ phận Language AI (Trung tâm R&D của Samsung) cho biết, các kỹ sư được tạo mọi điều kiện để chuyển giao công nghệ từ tập đoàn. “Chúng tôi được đến Hàn Quốc, Ấn Độ để nhận chuyển giao công nghệ về kiến trúc AI, thuật toán AI và dữ liệu, hướng dẫn cách đào tạo AI để phát triển các tính năng như nhận diện giọng nói, dịch và chuyển văn bản thành giọng nói.”
Để huấn luyện AI hiểu tiếng Việt không phải điều dễ dàng, anh Minh và đội ngũ của mình đã làm việc liên tục trong vòng 4 tháng để tạo ra sản phẩm.
Theo anh Minh, vấn đề lớn nhất khi phát triển tiếng Việt trên Galaxy AI là dữ liệu. “Ở Việt Nam không có nhiều công ty có thể cung cấp một lượng dữ liệu lớn cho đội ngũ phát triển. Số lượng dữ liệu và chất lượng dữ liệu ảnh hưởng lớn đến chất lượng AI. So sánh dữ liệu của tiếng Việt so với tiếng Anh hay Hàn thì rất ít. Có thời điểm chúng tôi huy động hàng trăm kỹ sư tạo ra hàng triệu bản ghi âm để kiểm thử.”
Với quy mô đầu tư khoảng 220 triệu USD, đây là trung tâm R&D lớn nhất của Samsung trong khu vực Đông Nam Á cho đến thời điểm hiện tại.
Điểm khó khăn nhất của tiếng Việt là phương ngữ vùng miền. Trong mỗi phương ngữ mỗi tỉnh có một phương ngữ nhỏ hơn. “Có 3 vấn đề lớn là phát âm, từ vựng, ngữ pháp. Để giải quyết chúng tôi phải phân tích từng câu, từng từ xem ngữ pháp xem ý nghĩa như thế nào tạo một lượng dữ liệu liên quan để đào tạo cho AI.”
Để đảm bảo tính năng dịch chính xác và đảm bảo mức độ nhận giọng nói trong các môi trường tiếng ồn khác nhau, các kỹ sư của SRV không chỉ thực hiện kiểm thử trong môi trường phòng lab mà còn đi đến nhiều địa điểm công cộng như Hồ Gươm, bến xe bus, trung tâm thương mại để đảm bảo tính năng AI hoạt động tốt trong môi trường người dùng thực.
Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ, chỉ trong vòng 4 tháng các kỹ sư người Việt đã tự mình làm chủ công nghệ và hoàn thiện tiếng Việt để tích hợp lên Galaxy AI.
Trí tuệ Việt “ghi dấu” trên các dòng sản phẩm Samsung
Chia sẻ về vai trò của Việt Nam khi Samsung đưa tiếng Việt vào dòng điện thoại mới nhất của Samsung, ông Dũng cho biết Samsung đã đầu tư vào Việt Nam từ rất lâu. Tuy nhiên việc hình thành một Trung tâm R&D để cạnh tranh với các Trung tâm khác trên thế giới thì cần nhiều thời gian. Ông Dũng cho biết trước đó, các kỹ sư người Việt đã có một thời gian dài chứng minh năng lực bằng những giải pháp nhỏ, kết hợp với những Trung tâm nghiên cứu khác hoặc đưa ra những giải pháp tự chủ để hỗ trợ cho nhà máy tại Việt Nam.
Qua 10 năm phát triển, đến nay Trung tâm tại Việt Nam mới có được năng lực và quy trình để tiến vào những giải pháp cốt lõi bao gồm: multimedia, security và AI.
“So với các ngôn ngữ được lựa chọn trước đó dựa trên số lượng người dùng và độ phổ biến trên thế giới, tiếng Việt có số lượng người dùng ít hơn. Điều đó cho thấy Việt Nam là một thị trường quan trọng và có vị trí chiến lược trong kế hoạch phát triển của Samsung. Và Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Samsung Việt Nam (SRV) tự hào khi được tập đoàn đặt niềm tin, giao nhiệm vụ nghiên cứu phát triển cho ngôn ngữ tiếng Việt trên Galaxy AI.”
Đây không phải lần đầu tiên những thành quả của kỹ sư Việt Nam “ghi dấu” trên các sản phẩm của Samsung. Ông Đỗ Đức Dũng tiết lộ, Galaxy AI không phải dự án toàn cầu đầu tiên mà các kỹ sư người Việt tại Trung tâm R&D Samsung tham gia.
Ông Dũng cho biết, S Pen – trang bị gắn liền với dòng Galaxy Note của Samsung có đóng góp không nhỏ của khả năng sáng tạo và trí tuệ của người Việt Nam. Ứng dụng PENUP hoặc các ứng dụng multimedia, các phần mềm toàn cầu đều được thiết kế và xây dựng tại đây.
Những thành quả mà nhóm nghiên cứu và phát triển AI của SRV gặt hái được là minh chứng cho thấy sự trưởng thành của các kỹ sư Việt Nam. Tiếng Việt được tích hợp trên Galaxy AI là kết quả nghiên cứu của Trung tâm R&D của Samsung.
Bằng việc chuyển giao AI – là công nghệ tiên tiến nhất và quan trọng nhất của tập đoàn cho Việt Nam, Samsung đã giữ đúng lời hứa với Chính phủ Việt Nam khi quyết tâm đưa Việt Nam vượt qua vai trò là cứ điểm sản xuất để trở thành cứ điểm chiến lược về R&D của Samsung trên toàn cầu.
Thông qua việc xây dựng Trung tâm R&D hiện đại, Samsung muốn nâng cao năng lực nghiên cứu của các kỹ sư Việt Nam không chỉ trong lĩnh vực phát triển sản phẩm mà còn ở các lĩnh vực nghiên cứu đang là xu hướng như trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), mạng 5G… Điều này có thể tạo tiền đề để Việt Nam đón đầu những thay đổi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư./.