Ông Nguyễn Văn Thăm (70 tuổi, ở TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) cho biết bắt đầu nghiên cứu sản xuất rượu khổ qua từ cuối năm 2009, nhưng thất bại nhiều lần do chưa có kinh nghiệm.
“Thời gian đầu, chỉ một mình tôi trồng, thu hoạch khổ qua và nấu rượu. Vợ và các con không đồng tình nên dọn nhà về TP Hồ Chí Minh sinh sống”, ông Thăm cho biết thêm.
Ông Thăm chia sẻ, khổ qua trồng sau một tháng bắt đầu cho trái non, giai đoạn này sẽ chọn những trái thuôn, thẳng, cuốn cho vào chai sành và 10 ngày sau sẽ thu hoạch.
Cuối năm 2010, sản phẩm rượu khổ qua chính thức được ra mắt và được nhiều người biết đến. Từ đó có nhiều người đến tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất rượu của ông Thăm.
Bà Lê Kim Thủy (tỉnh Vĩnh Long) cho biết, gia đình bà chuyên trồng các loại rau, củ, quả nhưng thường xuyên bị rớt giá dẫn đến thua lỗ. Năm 2020 bà tìm đến ông Thăm để tìm hiểu, học cách chọn giống khổ qua, thời gian sinh trưởng cũng như các quy trình sản xuất một chai rượu thành phẩm và sản xuất rượu đến ngày hôm nay.
“Cũng có nhiều lần thất bại do khổ qua trồng tại Vĩnh Long khác với Trà Vinh cho ra hương vị chưa đúng. Nhưng qua nghiên cứu, tôi cũng có được sản phẩm rượu đặc trưng riêng của Vĩnh Long, mỗi tháng xuất bán hơn 50 chai rượu khổ qua với giá 75.000 đồng/chai 0,5 lít”, bà Thủy cho biết thêm.
Mong muốn nâng cao giá trị các loại nông sản, ông Nguyễn Châu Phong ở (tỉnh Tiền Giang) không ngại đường xá xa xôi tìm đến ông Thăm học cách trồng và sản xuất rượu vào đầu tháng 10.2023.
“Được ông Thăm chia sẻ về chọn giống khổ qua, cho khổ qua vào chai sành đạt chất lượng tốt nhất. Tôi quyết định sản xuất 100 chai rượu khổ qua để kịp cung ứng vào dịp Tết Nguyên Đán sắp tới”, ông Phong cho biết thêm.
Ông Nguyễn Văn Thăm chia sẻ về khó khăn lúc đầu khi bắt tay vào sản xuất rượu khổ qua. Video: Hoàng Lộc
Chia sẻ về sự thành công quá trình khởi nghiệp ở tuổi xế chiều của mình, ông Thăm vui mừng cho biết: “Mỗi năm bán trên 4.000 chai rượu thành phẩm, trừ hết chi phí ông còn lãi trên 200 triệu đồng, bên cạnh đó chia sẻ kinh nghiệm trồng, sản xuất rượu khổ qua với nhiều người của các cơ quan, ban ngành giới thiệu đến”.
Ngày 5.10, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, bà Nguyễn Thị Dung, Phó Trưởng phòng Kinh tế TP Trà Vinh thông tin, sản phẩm rượu khổ qua Năm Bắc – Tư Thăm là một sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao tỉnh Trà Vinh năm 2021.
Theo bà Dung, ngoài sản xuất rượu khổ qua ông Thăm còn nhiệt tình tiếp đón, giới thiệu, hướng dẫn cách trồng, sản xuất rượu không chỉ là người của địa phương mà có cả những người từ nơi khác đến.
“Tuy nhiên, người dân cần tìm hiểu kỹ về kỹ thuật trồng khổ qua, nồng độ cồn của các loại rượu để sản xuất thành phẩm cung cấp đến tay người tiêu dùng, tránh tình trạng sản xuất sản phẩm không đạt chất lượng dẫn đến thua lỗ và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng”, bà Dung khuyến cáo thêm.