Bỏ phố về quê, xây dựng và phát triển Sachi – công ty bánh tráng đặc sản xứ Nẫu trị giá hàng triệu USD, anh Nguyễn Hữu Vinh (37 tuổi, người Bình Định) vừa từ chối “kèo” đầu tư của “Shark” Nguyễn Văn Thái (nhà đồng sáng lập và Phó chủ tịch Tập đoàn Thái Hương) trong Thương vụ bạc tỉ – Shark Tank mùa 7.
“Dạ em không đồng ý” là câu trả lời của anh Vinh trước đề nghị của “Shark” Thái là đầu tư 5 tỉ đồng đổi lấy 10% cổ phần của Sachi đồng thời cho công ty mượn vốn thêm 10 tỉ đồng. Hai bên không đạt được thỏa thuận, nhưng đề xuất của ông Thái chính là sự định giá lên đến hàng triệu USD cho Sachi. Bởi theo định giá của “Shark” Thái thì công ty này có giá trị khoảng 50 tỉ đồng, xấp xỉ gần 2 triệu USD.
Từ lần khởi nghiệp thứ 3…
Gần 7 năm trước, vào năm 2017, sau khi tốt nghiệp đại học và lấy bằng thạc sĩ kinh tế nông nghiệp (Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM) cùng những trải nghiệm khởi nghiệp thất bại, anh Vinh quay về quê nhà ở tỉnh Bình Định.
Quyết định “bỏ phố về quê” của anh để bắt đầu một hành trình mới. Đó là hành trình đưa món bánh tráng xứ Nẫu phủ sóng thị trường cả nước. Món bánh tráng, đặc biệt là bánh tráng nước dừa, của miền quê Tam Quan (Bình Định) từ lâu đã được biết đến không chỉ tại Bình Định hay các tỉnh lân cận. Thế nhưng loại bánh này khá dày nên mỗi lần ăn thì phải có bếp than để nướng. Khi nướng xong, thông thường bánh sẽ nhanh bị dịu (ỉu, mềm) đi nếu không ăn ngay. Điều đó khiến cho những người dân phố thị khó có thể muốn là thưởng thức ngay được món bánh tráng giòn giòn, béo béo vị dừa. Đó là chưa kể bánh tráng hầu như chỉ làm được trong những tháng mùa nắng, còn mùa mưa thì không đủ nắng để phơi bánh nên không thể sản xuất.
Nhưng, chàng trai xứ Nẫu đã thay đổi cuộc chơi! Qua quá trình phát triển, áp dụng các kỹ thuật để chế biến nông sản như máy sấy nông sản tự động, máy rang các loại hạt bằng điện và máy định hình bánh cốm, anh Vinh đã bắt đầu ra mắt sản phẩm bánh tráng được nướng sẵn và đóng gói. Anh cũng đã phải tốn nhiều tháng giải quyết khâu đóng gói, hút ép bao bì để giảm thiểu khả năng bánh bị bể, bởi trước đó sản phẩm đã bị nhiều cửa hàng từ chối vì lý do này.
Năm 2019, khi hệ thống máy bánh tráng nước cốt dừa đa hình tự động của anh Vinh được UBND tỉnh Bình Định trao giải tại hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Định lần thứ XI, thì cũng là lúc bánh tráng Sachi có mặt trên thị trường.
Cứ thế, không chỉ cốm nổ và bánh tráng nước dừa, mà nhiều sản phẩm bánh tráng như gạo mè, rong biển… mang thương hiệu Sachi không ngừng mở rộng trên thị trường. Trong khoảng 2 năm, bao gồm cả giai đoạn có nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, Sachi đã không ngừng phát triển khi sản phẩm có mặt tại 20 tỉnh, thành cả nước.
Năm 2021, Sachi có lợi nhuận khoảng 800 triệu đồng, không hề nhỏ với một công ty khởi nghiệp tập trung vào những món ăn “nhà quê”. Con số này không ngừng tăng lên và mới nhất thì lợi nhuận công ty đạt khoảng 3,3 tỉ đồng trong năm 2023.
Với chàng trai Nguyễn Hữu Vinh, lần khởi nghiệp thứ 3 đã gặt hái thành công ban đầu.
…Đến công ty triệu USD, thâm nhập thị trường Mỹ
Không dừng lại ở những thành quả trên, để vươn xa trên thị trường, hệ thống sản xuất, sản phẩm của Sachi đã đạt các chứng nhận OCOP 4 sao, ISO14001, ISO22000, FDA, và chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia được cấp bởi Bộ Công thương năm 2023. Sản phẩm bánh tráng Sachi có mặt trên hầu hết các hệ thống siêu thị toàn quốc như: Emart, WinMart, Lotte, Co.opmart, BigC, Annam…
Không còn giới hạn ở thị trường trong nước, Sachi đã xuất khẩu bánh tráng sang Đài Loan, Canada và thậm chí là thị trường Mỹ vốn nổi tiếng khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng. Thành quả này của anh Vinh không chỉ đem đến hương vị quê hương cho người Việt xa xứ, mà còn là bước tiến của một thương hiệu Việt ra thế giới. Bánh tráng Sachi ấp ủ để trở thành “món ngon biến tấu” như một món snack quen thuộc của phương Tây.
Song hành vươn lên trên thị trường, Sachi cũng đã tiếp nhận đầu tư, xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất. Nhận thấy tiềm năng của Sachi khi sản phẩm có mặt ở nhiều tỉnh thành, từ năm 2022, Công ty IPP Group chuyên về mảng phân phối đã đầu tư cho Sachi. Với lợi thế kênh phân phối mạnh mẽ của IPP nên kết quả của sự hợp tác này là doanh thu của Sachi từ mức 15 tỉ đồng trong năm 2022 đã tăng lên thành 24 tỉ đồng trong năm 2023 và dự kiến cán mốc 50 tỉ đồng trong năm nay. Về chiến lược dài hạn, Sachi đặt mục tiêu đạt doanh thu 250 tỉ đồng vào năm 2029. Về năng lực sản xuất, Sachi hiện có công suất lên đến 1.200 tấn/năm cho bánh tráng nướng và 240 tấn/năm cho bún khô.
Với kết quả hoạt động như vậy, không hề khó hiểu khi “Shark” Thái đưa ra đề nghị đầu tư trên cho anh Nguyễn Hữu Vinh tại chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 7. Nhưng chàng trai xứ Nẫu đã từ chối! Trả lời Thanh Niên, anh Vinh chia sẻ: “Tôi từ chối không phải vì ngạo mạn hay “ảo tưởng sức mạnh”, mà đơn giản là Sachi muốn tìm người đồng hành tri kỷ, có tình yêu đặc sản và tìm “cá mập” hỗ trợ xuất khẩu, mang sản phẩm ra quốc tế, có thể như “Shark” Hùng Anh hoặc “Shark” Phú”.
Phát triển 2 nhà máy
Đến nay, Sachi đã có 2 nhà máy. Thời gian đầu thành lập, Sachi đã xây dựng nhà máy đầu tiên. Đến đầu năm 2024, để tăng cường năng lực sản xuất đáp ứng thị trường, công ty khánh thành thêm nhà máy sản xuất sản phẩm truyền thống bún khô và bánh tráng trong cụm công nghiệp Bồng Sơn (TX.Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) với diện tích gần 1,8 ha, trong đó có 5.000 m² nhà xưởng. Nhà máy được trang bị công nghệ đáp ứng yêu cầu chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, theo hướng sản phẩm sạch, chất lượng cao và thân thiện với môi trường. Trong đó có công nghệ sấy nhiệt hơi nước đảm bảo chất lượng sản phẩm được đồng đều, không phụ thuộc vào thời tiết. Toàn bộ nguyên liệu của nhà máy được thu mua từ bà con nông dân ở TX.Hoài Nhơn và năm 2024 công ty sẽ triển khai liên kết vùng nguyên liệu cho nhà máy với quy mô 150 ha lúa và 30 ha mè. Mục đích của Sachi là tận dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương như lúa gạo, bột mì, củ hành, củ tỏi, muối, ớt…
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/chuyen-chang-trai-banh-trang-xu-nau-tu-choi-deal-cua-shark-thai-185240813191238233.htm