Chương trình MTQG 1719, giai đoạn 2021-2030 với 10 dự án với tổng nguồn đầu tư lớn, đã tác động toàn diện lên vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Trị. Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, Chương trình còn hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, đầu tư mô hình sinh kế, sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Triển khai từ năm 2021 đến nay, Chương trình MTQG 1719, đã góp phần tạo sinh kế bền vững, tỉ lệ hộ nghèo giảm sâu, làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi Quảng Trị. Theo đó, tính từ cuối năm 2022 đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo tại 31 xã vùng đồng bào DTTS và miền núi ở Quảng Trị đã giảm 6,92%; tại các xã đặc biệt khó khăn giảm 7,47%. Hàng ngàn hộ nghèo sinh sống tại xã, thôn bản đặc biệt khó khăn đã được giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt.
Cũng trong khuôn khổ Chương trình MTQG 1719, kế hoạch ngân sách Trung ương bố trí cho tỉnh Quảng Trị hơn 1.198 tỉ đồng để thực hiện 10 dự án đầu tư phát triển công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh, hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế tại vùng đồng bào DTTS và miền núi. Quảng Trị đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu mức thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4 – 5%/năm.
Trong đó, nổi bật là huyện Đakrông đã hỗ trợ 65 hộ thiếu đất ở; xây dựng nhà mới cho 500 hộ nghèo; 126 hộ chuyển đổi nghề do thiếu đất sản xuất; xây dựng 68 công trình nước sạch… ở các thôn, bản đặc biệt khó khăn. Huyện cũng làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội, để tạo điều kiện cho hơn 12.900 lượt hộ nghèo được vay vốn xây dựng và phát triển sản xuất với tổng số tiền hơn 600 tỷ đồng. Cùng với hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, đồng bào các DTTS ở Quảng Trị còn được thụ hưởng chính sách hỗ trợ sinh kế, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.
Theo bà Hồ Thị Lệ Hà, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị, thời gian tới, Quảng Trị tiếp tục chỉ đạo đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững theo thứ tự ưu tiên, giải quyết những vấn đề bức thiết nhất về nhu cầu sản xuất tại vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đặc biệt chú trọng tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn về đất ở, đất sản xuất cho người dân; bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng DTTS, miền núi, biên giới, vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, sạt lở, khu vực rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; gắn với đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Nguồn: https://daidoanket.vn/chuyen-bien-tich-cuc-trong-dong-bao-dan-toc-thieu-so-10293996.html