Thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tăng điểm 7 chỉ số thành phần DDCI
Liên tục được xếp trong “top” có năng lực điều hành tốt, đó là vinh dự, niềm tự hào của đơn vị sau những nỗ lực cải cách trong thực thi nhiệm vụ liên quan đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Để tiếp tục giữ vững thứ hạng, đáp ứng kỳ vọng, niềm tin của DN, Sở Công Thương Thanh Hóa sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, đơn vị liên quan trong ngành thực hiện tốt 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, mục tiêu tăng điểm các chỉ số thành phần, tiến tới tăng điểm số DDCI chung của ngành trong năm 2023 và giai đoạn tiếp theo.
Thứ nhất: Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai đồng bộ các nhiệm vụ cải cách hành chính trên tất cả các nội dung nhằm nâng cao các chỉ số về “Tính minh bạch và tiếp cận thông tin”, “Chi phí thời gian”; thường xuyên quán triệt thực hiện tốt phương châm “4 tăng, 2 giảm, 3 không”; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong cơ quan.
Thứ hai: Tăng cường thời gian làm việc với cơ sở, DN để nắm bắt tình hình kịp thời hoạt động sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN; áp dụng triệt để công nghệ thông tin trong điều hành, quản lý công việc nhằm nâng cao các chỉ số về “Tính năng động và vai trò của người đứng đầu”, “Cạnh tranh bình đẳng” và “Hỗ trợ DN”.
Thứ ba: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm trong thực thi công vụ nhằm nâng cao chỉ số về “Chi phí không chính thức”; tập trung kiểm tra tác phong, lề lối làm việc, kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức nhằm phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời những vi phạm, tiêu cực trong thực thi công vụ.
Thứ tư: Tiếp tục tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung và ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước về công thương nhằm nâng cao chỉ số về “Thiết chế pháp lý”. Quá trình tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách đều phải được thực hiện đầy đủ các quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định, công khai lấy ý kiến đánh giá tác động của chính sách đối với các tổ chức, cá nhân và DN có liên quan.
Phạm Bá Oai
Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa
Góp phần đẩy lùi căn bệnh sợ sai, sợ trách nhiệm
Thực tế, trong thời gian gần đây, ở một số sở, ngành, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức đã xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm. Hậu quả dẫn đến quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây cản trở đến tiến trình đầu tư, hoạt động sản xuất và làm suy giảm niềm tin của DN đối với cơ quan Nhà nước. Do đó, việc đánh giá DDCI trong bối cảnh hiện là một giải pháp hữu hiệu hiện nay để “đo” mức độ hoàn thành công việc, góp phần đẩy lùi căn bệnh sợ sai, sợ trách nhiệm hiện nay.
Qua 2 năm đánh giá DDCI, trước yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, cộng đồng DN mong muốn lãnh đạo tỉnh tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương sớm xây dựng các giải pháp để phát huy các chỉ số thành phần có điểm số tốt; khắc phục, cải thiện các chỉ số thành phần thấp điểm; tạo lập môi trường kinh doanh công khai, minh bạch, nhất là trước sự phát triển của chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, công dân số; đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính; dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh; tăng cường cắt giảm, đơn giản hóa những quy trình, thủ tục không cần thiết; rút ngắn thời gian xử lý công việc; cá thể hóa quyền hạn, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong từng khâu của quy trình xử lý công việc; kịp thời thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực; kiên quyết khắc phục tình trạng đùn đẩy, không dám làm, không dám chịu trách nhiệm vì mục tiêu chung, lợi ích và sự phát triển chung.
Cao Tiến Đoan
Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa
DDCI giúp chính quyền ngày càng năng động hơn
Qua 2 năm triển khai cho thấy việc đánh giá DDCI được VCCI thực hiện rất chính xác, công tâm và khoa học, dựa theo các chuẩn mực với nguồn dữ liệu độc lập và có tính liên tục, dài hạn để có thể nhận diện được mức độ cải thiện theo thời gian.
Thông qua công cụ này, cộng đồng DN trẻ được bày tỏ cảm nhận về sự đồng hành của sở, ngành, địa phương đang trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính với DN. Kết quả này sẽ là cơ sở để các đơn vị rút kinh nghiệm, tự đổi mới, tự nâng cao năng lực để thay đổi chỉ số, thay đổi cách quản lý, lãnh đạo và chú trọng lắng nghe tiếng nói của cộng đồng DN, các nhà đầu tư hơn, hướng tới ngày càng chủ động, năng động hơn.
Tuy nhiên, để thúc đẩy gia nhập thị trường và mở rộng quy mô sản xuất trong thời gian tới, DN cần được hỗ trợ nhiều hơn nữa từ chính quyền địa phương về cơ chế, chính sách và những cải cách đột phá về thủ tục hành chính. Do đó, cộng đồng DN trẻ mong muốn trong năm 2023 và các năm tiếp theo, chỉ số DDCI tiếp tục được các sở, ngành, địa phương chú trọng cải thiện hơn nữa; cơ quan chủ trì cũng cần tiếp tục nghiên cứu, chuẩn hóa bộ chỉ số DDCI để phù hợp với tình hình thực tiễn, đặc biệt trong bối cảnh thời đại 4.0 cũng như dịch bệnh COVID-19 đã làm thay đổi nhiều phương thức hoạt động của DN.
Bùi Tiến Thành
Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Thanh Hóa
Đặt doanh nghiệp ở vị trí trung tâm của quá trình quản lý, điều hành
Qua cách triển khai đánh giá DDCI của tỉnh Thanh Hóa, VCCI rất ấn tượng với tinh thần chỉ đạo nâng cao chất lượng thực thi công việc của bộ máy chính quyền tỉnh Thanh Hóa. Thực tế, việc tăng điểm trung vị ở cả 2 nhóm đánh giá đã minh chứng cho chất lượng điều hành của bộ máy chính quyền đã được cải thiện. Các sở, ngành, địa phương đã và đang đặt DN vào vị trí trung tâm của quá trình quản lý, điều hành. Thực tế, nếu đánh giá về việc ban hành, mức độ cởi mở của chính sách trên văn bản hành chính và chỉ đạo của cấp trên thì địa phương nào cũng “hô hào” nhiều cơ chế, chính sách tốt. Tuy nhiên cái khó là việc chuyển tinh thần chỉ đạo xuống bộ máy hành chính các cấp, từ sở, ngành, địa phương tới các phòng, ban, từng công chức, viên chức. Đó chính là khoảng cách giữa chính sách và thực thi. DDCI sẽ trao quyền cho DN thực hiện nhiệm vụ ấy.
Để cải thiện chỉ số DDCI trong những năm tiếp theo, tỉnh Thanh Hóa cần tạo sự lan tỏa truyền thông mạnh mẽ về DDCI của tỉnh như là một điểm nhấn quan trọng trong nỗ lực triển khai cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và quyết tâm nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; giúp cộng đồng DN tích cực nghiên cứu các nội dung, nội hàm và ý nghĩa của Chỉ số DDCI nhằm nâng cao nhận thức, tích cực tham gia đánh giá chỉ số này một cách khách quan bởi đây là cơ hội để các DN nói lên cảm nhận của mình, từ đó tạo chuyển biến tốt trong hệ thống chính quyền các cấp về nhận thức và năng lực phục vụ DN. Các đơn vị được đánh giá cần tổ chức các sự kiện như hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến từ DN và chuyên gia, phân tích chuyên sâu những ưu, nhược điểm của từng chỉ số thành phần DDCI trong đơn vị mình, qua đó đưa ra các giải pháp cụ thể cải thiện hơn trong thời gian tới. Cùng với đó, tỉnh cần tăng cường hoạt động đối thoại và công tác phòng, chống tham nhũng; tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thật sự trong sạch, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu công tác; kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao gây khó khăn cho người dân và DN.
Đậu Anh Tuấn
Trưởng Ban Pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án PCI