SGGP
Ngoại trưởng các nước Arab là Ai Cập, Iraq, Saudi Arabia và Jordan vừa mở một hội nghị mang tính bước ngoặt với người đồng cấp Syria, nhằm thảo luận cách thức bình thường hóa quan hệ với quốc gia Trung Đông này. Đây là một phần trong tiến trình tìm ra giải pháp chính trị đối với cuộc xung đột kéo dài tại Syria.
Hội nghị Ngoại trưởng các nước Arab và Syria |
Bình thường hóa quan hệ
Đây cũng là cuộc họp đầu tiên giữa Chính phủ Syria và một nhóm các nước Arab kể từ khi các bên quyết định đình chỉ tư cách thành viên của Syria trong Liên đoàn Arab năm 2011 - lúc chiến sự bùng phát. Cuộc họp đánh dấu một bước chuyển mới tại khu vực Trung Đông, cho thấy khi Chính phủ Syria đã kiểm soát phần lớn lãnh thổ, khu vực Arab có xu hướng mong muốn bình thường hóa quan hệ với Damascus. Hưởng ứng sáng kiến thúc đẩy bình thường hóa quan hệ ở khu vực Trung Đông của Saudi Arabia, Chính phủ Jordan cũng đã kêu gọi Syria tiếp xúc với các quốc gia Arab trên lộ trình từng bước.
Tại hội nghị, Ngoại trưởng Syria đồng ý hợp tác với các nước Iraq, Jordan trong hoạt động kiểm soát buôn lậu ma túy qua đường biên giới. Đây vốn là vấn đề gây căng thẳng giữa 3 bên trong thời gian qua. Tuyên bố chung sau hội nghị cho biết các quốc gia đã thảo luận về lộ trình để hàng triệu người Syria di tản tự nguyện hồi hương và cùng phối hợp thực hiện nỗ lực chống buôn bán ma túy.
Trong vài tháng gần đây, mối quan hệ giữa khối Arab và Syria đang dần cải thiện. Chính phủ Syria tuyên bố mở đại sứ quán tại Tunisia và thảo luận với Saudi Arabia về việc mở lại đại sứ quán ở Damascus và Riyadh. Vào giữa tháng 3, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đến UAE, chưa đầy một năm sau chuyến thăm “phá băng” của ông từ tháng 3-2022. Đây là lần đầu Tổng thống Syria thăm một nước Arab kể từ khi xung đột Syria nổ ra năm 2011. Sau đó, Ngoại trưởng Syria Faisal Mekdad có chuyến công du Ai Cập ngày 1-4, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của một ngoại trưởng Syria tới Cairo trong hơn một thập niên qua.
Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan al-Saud từng tuyên bố có sự đồng thuận ngày càng gia tăng trong thế giới Arab, cho rằng việc cô lập Syria không hiệu quả. Saudi Arabia có kế hoạch mời Tổng thống Syria Bashar al-Assad dự hội nghị thượng đỉnh của Liên đoàn Arab mà Riyadh sẽ tổ chức vào tháng 5.
Việc Tổng thống Assad tham dự hội nghị thượng đỉnh của Liên đoàn Arab sẽ đánh dấu bước phát triển quan trọng nhất trong quá trình khôi phục vị thế của Syria trong thế giới Arab kể từ năm 2011. Tương tự, việc Syria trở lại tổ chức gồm 22 nước thành viên này sẽ phản ánh sự thay đổi trong cách tiếp cận của khu vực đối với cuộc xung đột ở Syria.
Yếu tố nhân đạo
Theo giới quan sát, sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với thảm họa động đất tại Syria vào tháng 2 vừa qua đã góp phần đẩy nhanh việc hàn gắn khu vực. Ngoại trưởng UAE, Jordan và Ai Cập đã đến thăm Damascus. UAE đã cam kết hỗ trợ trên 100 triệu USD cho Syria. Các nạn nhân trong vụ động đất 6-2 tại Syria cũng được chuyển đến bệnh viện của UAE điều trị. Chính phủ Syria hy vọng việc bình thường hóa quan hệ với các quốc gia vùng Vịnh giàu có sẽ giúp Damascus giải quyết được vấn đề kinh tế và tái thiết đất nước.
Bên cạnh đó, Syria đang chồng chất khó khăn sau thảm hoạ động đất. Khu vực chịu ảnh hưởng bởi động đất ở phía Tây Bắc Syria đang trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo mới. Theo ước tính của Viện Trung Đông có trụ sở tại Washington (Mỹ), có tới 60% cơ sở hạ tầng của Tây Bắc Syria hư hại hoặc bị phá hủy trong trận động đất này với các cơ sở y tế đã bị tàn phá nặng nề.
Cho đến lúc này, Syria vẫn rất khó tiếp cận nguồn tài chính quốc tế nếu không có giải pháp chính trị dưới sự bảo trợ của Liên hiệp quốc. Hơn nữa, lệnh trừng phạt của Mỹ vẫn là vật cản để nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền vào các dự án tái thiết Syria.
Nguồn
Bình luận (0)