Ngày càng có nhiều bạn trẻ yêu thích chụp hình không chỉ vì đam mê mà còn có thu nhập từ công việc nhiếp ảnh nghiệp dư này.
Các nhiếp ảnh nghiệp dư cũng đắt khách, nhất là vào các dịp cao điểm Giáng sinh, lễ, Tết cuối năm khi nhu cầu chụp hình tăng cao.
Chụp hình nghiệp dư, bớt phần nào áp lực tài chính
Bắt đầu từ niềm say mê muốn ghi lại những khoảnh khắc nho nhỏ, Nhật Vi (21 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) mở tiệm ảnh Bồng Bềnh. Mỗi lần chụp, bạn lấy giá 250.000 đồng. Có tháng cao nhất Vi từng nhận được khoảng 6 triệu đồng, vào thời điểm cuối năm mọi người chuẩn bị đón Tết. Nhờ đó, Vi có đồng ra đồng vào để tự lo chi phí đi lại, ăn uống hằng ngày mà không cần viện trợ từ gia đình.
Những ngày này, công việc chụp hình nghiệp dư của La Huế (21 tuổi, tỉnh Bình Dương) tất bật hơn. Kết thúc kỳ thực tập, Huế quyết định nhận thêm các show chụp ảnh giá rẻ tại TP.HCM và Bình Dương. Huế tính giá dao động từ 300.000 – 350.000 đồng cho một lần chụp, chưa bao gồm phí di chuyển hoặc vé vào cổng ở địa điểm chụp nếu có tính phí.
Cô gái khoe, nhờ công việc ấy mà mình đã gần như không còn phải xin tiền ba mẹ khá lâu rồi. Khoản tiền kiếm được giúp cô gái gánh hết mọi chi phí sinh hoạt và nhu cầu mua sắm cá nhân. “Nhờ công việc này mà mình đã giảm đáng kể áp lực tài chính, chứ hồi phổ thông hay mới vào đại học cái gì cũng trông hết vào ba mẹ”, La Huế cười.
Mới 17 tuổi song ngoài giờ lên lớp, Thiên Phú (17 tuổi, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã kiếm tiền với đam mê chụp ảnh của mình. Phú kể, tùy yêu cầu khác nhau của khách mà tính tiền công cho một lần chụp vài trăm ngàn đồng. Với các sự kiện lớn như Festival Huế, Giải vô địch bóng rổ 5×5 U20 quốc gia 2024, Phú nhận chụp có giá tiền triệu.
Để bổ trợ cho chuyên ngành thiết kế đồ họa, Huy Trực (21 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM) nhận thêm chụp ảnh. Ngoài có thêm thu nhập, Trực nói đã giúp mình tích lũy kiến thức, kinh nghiệm chụp ảnh để có thể ứng dụng vào việc làm nghề sau này. Anh bạn bật mí đã từng có tháng kiếm được đến 19 triệu đồng nhờ chụp thuê cho khách.
Vốn là sở thích song công việc nhiếp ảnh nghiệp dư giúp mình chủ động tự lo tiền sách vở, dụng cụ học tập lại còn thỏa đam mê, dần nâng cao kỹ năng, tay nghề đáng kể qua những góp ý của khách hàng sau mỗi lần chụp.
Bạn THIÊN PHÚ (tỉnh Thừa Thiên Huế)
Quảng bá để nhiều người biết đến
Để có nhiều khách hơn, Khánh Ly (21 tuổi, TP Thủ Đức) còn lập fanpage “Tiệm ảnh hai cô báo” trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Instagram và TikTok để tự quảng bá dịch vụ chụp hình bán chuyên của mình. Ly cũng nhờ bạn bè chia sẻ, giới thiệu thêm để khách hàng biết tới nhiều hơn.
Tương tự, Nhật Vi cũng lập fanpage “Tiệm ảnh Bồng Bềnh” đăng những bức ảnh đã chụp để quảng bá cho tiệm. Bạn cũng lân la vào các hội nhóm nghe ngóng, để lại bình luận, bài giới thiệu dịch vụ để ai có nhu cầu sẽ tìm, rồi dùng luôn trang cá nhân của mình trên mạng PR cho công việc làm thêm khá thú vị này.
Còn Huy Trực chọn chia sẻ hình ảnh, các clip ngắn mình thực hiện trên TikTok. Ban đầu khách hàng đến với Trực từ các buổi chụp ảnh nhưng sau đó nhiều người biết và tìm Trực từ chính các video TikTok của anh chàng. Không chỉ quay dựng hay chụp hình, Trực còn nhận được đặt hàng thiết kế cũng chính là công việc tương lai của ngành học và thu nhập cũng tăng đáng kể.
Thùy Nhi (16 tuổi) hào hứng khoe chỉ tốn chừng 300.000 đồng đã có được bộ ảnh áo dài dịp Tết chất lượng và khá ưng ý khi “book” một bạn nhiếp ảnh nghiệp dư chụp. “Mình thấy hài lòng vì ngay lúc đặt lịch đã được tư vấn rất kỹ từ khâu chụp ảnh đến việc chọn địa điểm nào là phù hợp. Mình đã được chỉnh sửa 15 tấm ảnh, cho mượn thêm phụ kiện chụp chung mà không phải tốn phí nên khoái lắm”, Nhi cười.
Buổi chụp đầu tiên
Sau một tháng kết thúc kỳ thực tập, Khánh Ly bắt đầu nhận chụp ảnh cho người khác và ấn tượng mãi với buổi chụp đầu tiên cho một nhóm sinh viên. Bạn có chút lo ngại vì chụp nhóm đông lại là lần đầu. Tuy nhiên suốt buổi chụp, cô gái âm thầm làm việc trong tâm thế như một người bạn muốn lưu giữ tất cả khoảnh khắc cho bạn bè mình.
May mắn là mọi người đều rất nhiệt tình, hợp tác tốt. Khi nhận hình đã dành nhiều lời khen kèm lời chúc đắt khách và gửi thêm ít phí ngoài khoản tiền đã thỏa thuận giúp Ly tự tin hơn với tay nghề nhiếp ảnh nghiệp dư của mình. “Mình thấy có thêm động lực để tiếp tục. Sau này qua từng buổi chụp lại tự rút ra hạn chế để luôn cố gắng hoàn thiện tay nghề hơn”, Ly nói.
Nguồn: https://tuoitre.vn/chup-hinh-nghiep-du-tui-van-rung-rinh-20241226095314548.htm