Mỗi vai diễn, mỗi bài ca cổ được Lê Hoàng Nghi thể hiện đều sâu lắng, truyền tải được cái hồn cốt của đờn ca tài tử Nam Bộ
Sau khi đăng quang giải “Chuông vàng vọng cổ 2024”, Lê Hoàng Nghi trở thành một gương mặt trẻ được công chúng quan tâm.
. Phóng viên: Nhìn lại thành quả ban đầu của mình, anh có suy nghĩ gì?
– LÊ HOÀNG NGHI: Năm nay tôi vừa tròn 21 tuổi, độ tuổi còn quá trẻ để nói rằng mình đúc kết được thành quả gì. Tuy nhiên với tôi, giải “Chuông vàng vọng cổ” là cơ hội để bản thân nỗ lực nhiều hơn, là phần thưởng mà tôi dành tặng cho ba mẹ, cho các thầy cô đã dìu dắt tôi như: NSƯT Kiều Mỹ Dung, NSƯT Trúc Linh, NNND Trường Út, các NNƯT: Kiều Nga, Ái Hằng, Thanh Tùng…
. Có mặt tại Liên hoan Sân khấu Cải lương năm 2024 tại TP Cần Thơ với tư cách khán giả, phải chăng anh xem đây là dịp học nghề?
– Cải lương là niềm đam mê của tôi từ khi còn nhỏ. Cha tôi vốn là diễn viên đã từng tham gia biểu diễn trên sân khấu chuyên nghiệp. Tôi thừa hưởng từ cha mình tố chất hát cải lương. Liên hoan năm nay quy tụ 1.200 diễn viên, với 34 vở với phong cách khác nhau, nên tôi dành nhiều thời gian để thưởng thức và chiêm nghiệm. Đây là cơ hội quý để tôi học hỏi, nâng cao tư duy sáng tạo của bản thân về nghệ thuật ca diễn.
. Trong trích đoạn cải lương “Kiếm bạt lưu danh” của tác giả Thạch Tuyền, anh vào vai Anh hùng dân tộc Lâm Quang Ky, Phó tướng của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Anh nghĩ gì về vai diễn sử Việt?
– Đó là đề tài luôn hấp dẫn tôi. Hồi nhỏ, khi xem những vở diễn cổ trang trên truyền hình, tôi mơ ước một ngày nào mình sẽ thể hiện vai diễn như vậy. Tinh thần sử Việt nêu cao ý chí quật cường của những tấm gương anh hùng chói lọi, hào quang đó sáng mãi như vầng nhật nguyệt, trao sứ mệnh cho người diễn viên phải thể hiện cho được tính cách, hình tượng nhân vật anh hùng để nêu tinh thần ái quốc.
Khi còn trên ghế nhà trường, tôi đã được các thầy cô dạy diễn những vai sử Việt, nên khi được nhận vai Lâm Quang Ky, tôi rất thích nên dồn hết tâm trí để thể hiện.
. Ngoài giải Chuông vàng vọng cổ, anh còn nhận thêm giải do Hội đồng Báo chí bình chọn. Anh có nghĩ mình may mắn?
– Thành công bước đầu này là do bản thân tôi đã nỗ lực hết sức cộng thêm một chút may mắn. Là sinh viên lớp Cao đẳng diễn viên sân khấu kịch hát K4 của Trường Cao đẳng Văn hóa – Nghệ thuật Cần Thơ, vừa mới tốt nghiệp, nên tôi luôn nhớ lời dặn của thầy cô, đó là đừng bao giờ tự mãn mà phải luôn khiêm tốn để biết sự học bao la rộng lớn, học mãi vẫn chưa bao giờ thấy đủ.
. Anh có dự định gì sau khi đoạt giải?
– Tôi sẽ đầu quân về Đoàn Nghệ thuật cải lương Long An, nơi có nhiều cơ hội để phát triển sự nghiệp. Còn với TP Cần Thơ, tôi vẫn gắn bó với CLB Đờn ca tài tử và sân khấu cải lương của quận Ninh Kiều. Với Đài Truyền hình TP HCM – HTV (nơi tổ chức cuộc thi Chuông vàng vọng cổ), tôi luôn sẵn sàng tham gia mỗi khi có lời mời. Tôi cũng sẽ đồng hành cùng thầy của mình là NSƯT Kiều Mỹ Dung tham gia chương trình Sân khấu học đường biểu diễn tại TP HCM và các tỉnh, thành trong cả nước. Các trích đoạn mà cô chọn sẽ là những câu chuyện về sử Việt để hun đúc tinh thần ái quốc, học tập tấm gương của những anh hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm.
. Là diễn viên trẻ anh trăn trở điều gì nhất khi nhìn lại diện mạo của sân khấu cải lương hiện nay?
– Tôi mong sao sân khấu cải lương có thêm cơ chế đặc thù để cất cánh. Nội lực của sân khấu rất lớn, liên hoan năm nay có đến 34 vở diễn là một minh chứng cho thấy lực lượng trẻ từ các đơn vị nghệ thuật rất hùng hậu. Làm cách nào đó để đưa sản phẩm, vở diễn sau liên hoan quảng bá sâu rộng trong đời sống hưởng thụ văn hóa của giới trẻ. Sân khấu cải lương là tinh hoa mà ông cha ta đã kiến tạo hơn 100 năm qua, sứ mệnh của người trẻ thế hệ hôm nay là phải gìn giữ, vun đắp. Xem liên hoan nhiều vở diễn có đông khán giả trẻ đến xem, tôi xúc động lắm. Đây là ngày hội lớn của giới làm nghệ thuật, đồng thời là không gian để diễn viên thế hệ hôm nay học hỏi các nghệ sĩ đi trước.
. Còn quá sớm để anh định hình phong cách ca diễn của bản thân mình. Anh mong muốn điều gì khi trở thành kép chính của sân khấu chuyên nghiệp?
– Sự đa dạng trong thể hiện các nhân vật. Tôi đam mê sử Việt nhưng không có nghĩa chỉ diễn dạng vai này mà còn muốn được phát huy ở nhiều thể loại vai diễn khác từ tâm lý xã hội cho đến dã sử, dân gian, tuồng cổ… Mỗi dạng vai sẽ là bài học quý giúp tôi trưởng thành.
NSƯT Kiều Mỹ Dung nhận xét: “Ưu điểm của Lê Hoàng Nghi là làn hơi truyền cảm. Tôi đánh giá cao khả năng thích ứng và biết vận dụng những bài học được truyền thụ từ thầy cô để có nét sáng tạo riêng. Tôi đặt niềm tin vào Lê Hoàng Nghi bởi tinh thần chịu khó học hỏi, dấn thân với nghề”.
Nguồn: https://nld.com.vn/chuong-vang-vong-co-2024-le-hoang-nghi-cai-luong-la-dam-me-la-hoi-tho-196241109202005277.htm