Đến tham dự Đêm thơ có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm; Vụ Trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Minh Nhựt; Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam Đỗ Hồng Quân;…
Đêm thơ là một hoạt động đặc biệt để tôn vinh thơ ca và lan tỏa vẻ đẹp và sự cần thiết của thơ ca rộng sâu hơn nữa trong đời sống. Chương trình nhằm giới thiệu đến với công chúng những di sản thi ca quý báu trong kho tàng thi ca 54 dân tộc Việt Nam và những tác phẩm tiêu biểu của các nhà thơ dân tộc hoặc tác phẩm viết về các thiên nhiên, vùng đất, con người các dân tộc Việt Nam trên mảnh đất hình chữ S thân yêu.
Đồng thời, thông qua chương trình các nhà thơ sẽ thấu hiểu hơn vẻ đẹp và sứ mệnh trong sự sáng tạo thơ ca của mình. Họ nhận thấy cả cộng đồng đang đợi chờ vào những sáng tạo thơ ca của họ, họ tìm thấy sự gắn kết kỳ lạ giữa con người với con người, giữa cá nhân họ và cộng đồng rộng lớn. Đó là nguồn cảm hứng lớn lao cho sự sáng tạo lặng lẽ.
Phát biểu tại Đêm thơ, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho biết: “Dân tộc Việt Nam đã làm nên một nền văn hóa lâu đời và kỳ vĩ và thơ ca chính là một trong những vẻ đẹp huyền diệu góp phần làm nên nền văn hóa ấy. Các nhà thơ có mặt trong đêm thơ “Bản hòa âm đất nước” – đại diện cho 54 dân tộc dân dải đất chữ S – đã mang đến bản tuyên ngôn về cái đẹp và tự do của mỗi cá nhân, của mỗi dân tộc.
“Hãy để thơ ca ngự trị mãi trong đời sống tinh thần của con người Việt Nam. Hãy để thơ ca mang khát vọng về cái đẹp và tự do đến mọi số phận ở mọi miền đất nước của xứ sở yêu thương, kỳ vĩ, bất khuất và đầy kiêu hãnh này. Các nhà thơ hãy cùng nhau cất lên “Bản hòa âm đất nước”. Những người yêu thơ ca hãy bước đến để đón nhận, hưởng thụ bằng vòng tay, trái tim và lương tri của mình vẻ đẹp của dân tộc mà một trong những vẻ đẹp đó là thơ ca” – nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh.
Mở đầu chương trình là màn biểu diễn Cồng chiêng của đồng bào dân tộc Mường do các nghệ sĩ tỉnh Hòa Bình thực hiện quanh 22 đài đuốc, tương ứng với con số Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22.
Tiếp theo là các nội dung chính của Đêm thơ, gồm 4 phần: Phần một trình diễn và đọc thơ của các tác giả khu vực phía Bắc; Phần hai: Các nhà thơ quốc tế tham gia giao lưu và đọc thơ; Phần ba: Trình diễn và đọc thơ của các tác giả khu vực miền Trung-Tây Nguyên và miền Nam; Phần bốn: Những dư âm còn mãi.
Các tác phẩm được trình diễn trong Đêm thơ bao gồm các truyện thơ, sử thi: Bách điểu bách hoa của dân tộc Tày; Đẻ đất đẻ nước của dân tộc Mường và Xống chụ xonxao (Tiễn dặn người yêu) của dân tộc Thái. Đây là những kiệt tác thi ca trong kho tàng văn học dân gian của đồng bào các dân tộc Việt Nam.
Bên cạnh đó, tại Đêm thơ, còn có các tiết mục ngâm thơ của tác giả trong nước và quốc tế. Có thể kể tên một số nhà thơ có tác phẩm tại đêm thơ như: Nông Quốc Chấn, Dương Khâu Luông (dân tộc Tày); Lò Ngân Sủn (dân tộc Giáy); Pờ Sảo Mìn (dân tộc Pa Dí); Lý Hữu Lương (dân tộc Dao); Kiều Mai Ly (dân tộc Chăm); Thạch Đờ Ni (dân tộc Khmer); Thái Hồng (dân tộc Hoa); Bùi Tuyết Mai (dân tộc Mường); Đỗ Thị Tấc, Nguyễn Phúc Lộc Thành (dân tộc Kinh)…
Chương trình Đêm thơ năm nay là sự kết hợp hài hòa, cân đối các yếu tố sân khấu hóa trong trình diễn thơ, sử dụng các hiệu ứng âm nhạc, diễn xướng, âm thanh, ánh sáng, trang phục…, song song với việc duy trì lối đọc thơ truyền thống của các nhà thơ. Qua đó, đã đem đến sự thưởng thức trọn vẹn những tác phẩm thơ xuất sắc của các nhà thơ dân tộc cho khán giả./.