Quốc hội mới thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035; Đối với chủ trương đầu tư, Chính phủ đề xuất huy động nguồn lực thực hiện khoảng 122.250 tỷ đồng cho giai đoạn 2025-2030, trong đó vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp được bố trí tối thiểu khoảng 77 nghìn tỷ đồng (chiếm 63%).
Ngày 1/11, tham gia thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035, nhiều đại biểu Quốc hội đề cập đến một số nội dung về các chỉ tiêu liên quan đến giáo dục. Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 sẽ giải quyết được nhiều kỳ vọng của ngành GD&ĐT trong việc phát triển con người.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Quốc hội. Ảnh: Internet.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 có khá nhiều nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của ngành GD&ĐT.
Lĩnh vực văn hóa và giáo dục có nhiều nội dung có tính chất giao thoa, gần gũi, bởi cả 2 bộ ngành đều chung một mục tiêu, một đối tượng lớn là phát triển con người và các giá trị của con người. Trong quá trình xây dựng Chương trình này, 2 bộ cũng đã phối hợp rất chặt chẽ, có nhiều nội dung của GD&ĐT đã được đưa vào Chương trình.
Về mục tiêu “Đến năm 2030, 100% học sinh, học viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia hiệu quả, thường xuyên các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay, nội dung này do Bộ GD&ĐT đề xuất với một mong muốn là phát triển con người một cách toàn diện và các nội dung giáo dục về nghệ thuật, về di sản văn hóa thực chất cũng đã có trong chương trình giáo dục phổ thông, trong đó đã có các môn học về mỹ thuật, về nghệ thuật.
“Đây là một nội dung triển khai với một mục tiêu tốt đẹp, nhưng trong thực tế, một số nơi, nhất là những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện có phần khó khăn”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù bằng sức mạnh nội sinh của dân tộc, đó là văn hoá.
Việc đổi mới phương pháp cũng như đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho văn hóa là yêu cầu cần thiết hiện nay, góp phần chấn hưng văn hóa và thực hiện thắng lợi các mục tiêu Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030.
Việt Nam đang ở trong một thời điểm hết sức quan trọng trong phát triển văn hóa, ở đó đan xen cả những thuận lợi và khó khăn, thời cơ cũng như thách thức. Ở điểm thuận lợi và thời cơ, có thể nói, chưa bao giờ văn hóa nhận được nhiều sự quan tâm như hiện nay, đặc biệt từ Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021. Không chỉ là những chuyển biến từ phía Nhà nước, các thành phần xã hội cũng thể hiện sự năng động, nhiệt huyết đối với lĩnh vực văn hóa. Giờ đây, nhiều người bắt đầu nói về một công cuộc phục hưng văn hóa đất nước.
Tuy nhiên, với sự phát triển của xã hội trên mọi mặt đời sống xã hội cũng có nhiều ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền văn hoá, giáo dục, ảnh hưởng phức tạp đối với sự phát triển văn hóa. Để khắc phục tất cả những vấn đề trên, việc xây dựng một chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa là cần thiết và quan trọng để định hình và thúc đẩy sự phát triển toàn diện của quốc gia. Chương trình giúp Việt Nam có được một nguồn lực đầy đủ, với những đầu tư mang tính trọng tâm, trọng điểm, mang tính định hướng, khơi nguồn cho các đầu tư xã hội cho văn hóa.
Việc xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa cần bám sát vào quan điểm và chủ trương của Đảng và Nhà nước. Ảnh: Internet.
Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa sẽ là công cụ hỗ trợ cho việc triển khai hiệu quả các mục tiêu này, đồng thời đảm bảo sự nhất quán và liên kết giữa các chương trình, dự án văn hóa trên toàn quốc.
Dù mang tính bao quát để tạo ra tính tổng thể cho sự phát triển văn hóa nhưng chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa vẫn cần nhấn mạnh vào một số điểm nhấn, mang tính đột phá như tập trung vào bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc.
Kiên trì quan điểm coi đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững đất nước. Tăng dần mức chi ngân sách nhà nước cho văn hóa, cả vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp… Thể chế hóa Nghị quyết trên bằng các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong phân bổ ngân sách nhà nước cho từng giai đoạn để các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện.
Cùng với đó, là đổi mới phương thức đầu tư cho văn hóa, có cơ chế thu hút đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ văn hóa. Thực hiện bình đẳng trong đầu tư của Nhà nước đối với các thành phần kinh tế tham gia hoạt động văn hóa trên cơ sở năng lực và hiệu quả xã hội của mỗi tổ chức. Tạo môi trường pháp lý để các doanh nghiệp kinh tế bảo trợ, tài trợ cho văn hóa.
Và đẩy mạnh chiến lược văn hóa đối ngoại, ngoại giao nhân dân thông qua các hoạt động văn hóa; xây dựng các Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại một số quốc gia ở địa bàn trọng điểm, nơi có nhiều kiều bào sinh sống để nuôi dưỡng tình yêu quê hương cội nguồn, tăng cường trao đổi, giao lưu giữa các thế hệ người Việt Nam, giao lưu và tiếp thu có chọn lọc văn hóa nước ngoài.
Như vậy, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa không chỉ đơn thuần là một kế hoạch chi tiết, mà còn là một phương tiện để thể hiện quyết tâm và sự cam kết của Đảng và Nhà nước trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa./.
Công Đảo