Bảo Lạc là huyện vùng cao biên giới, với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 94%. Xác định việc thực hiện các Chương trình MTQG, là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành, đặc biệt là Chương trình MTQG 1719. Cụ thể, ngay từ đầu năm huyện đã tập trung chỉ đạo các xã lấy ý kiến của người dân phục vụ công tác lập kế hoạch Chương trình MTQG 1719.
Để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng ban, địa phương, chủ đầu tư tăng cường, chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả quản lý vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước; triển khai thực hiện nghiêm các quy định của nhà nước về đấu thầu; kiểm soát chặt chẽ việc lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư và quyết toán dự án hoàn thành theo đúng quy định của nhà nước, đảm bảo hiệu quả đầu tư; tăng cường công tác giám sát, đánh giá đầu tư, quản lý chặt chẽ chất lượng thi công các dự án, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư; kiểm soát chặt chẽ tạm ứng vốn cho nhà thầu và yêu cầu hoàn trả vốn tạm ứng theo đúng thời gian, định mức quy định.
Bên cạnh đó, UBND huyện cũng yêu cầu, các chủ đầu tư tập trung mọi nguồn lực, thường xuyên phối hợp với các địa phương trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, nhất là các dự án trọng điểm của huyện, các dự án góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương, các dự án thành phần của Chương trình MTQG 1719 được triển khai đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động của địa phương, đặc biệt là người thuộc hộ nghèo, cận nghèo để vươn lên thoát nghèo bền vững.
Anh Lăng Văn Phương, dân tộc Lô Lô, xóm Cốc Xả, xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc cho biết: “Đầu năm 2023, gia đình tôi được hỗ trợ một con bò giống để phát triển sản xuất. Giờ bò mẹ đã sinh sản được một bò con. Nếu cuối năm nay mà bán bò con cũng được khoảng 10 triệu đồng, gia đình phấn khởi lắm”.
Bên cạnh hỗ trợ phát triển sản xuất, đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng đến tận thôn bản, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giao thương hàng hóa, phát triển sản xuất.
Triển khai Tiểu dự án 1 (Dự án 4) về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện triển khai thực hiện đầu tư 80 công trình hạ tầng cơ sở thiết yếu, với tổng kinh phí 67,7 tỷ đồng; đã giải ngân 63,5 tỷ đồng, bằng 94% kế hoạch. Giao các xã làm chủ đầu tư thực hiện 6,2 tỷ đồng vốn sự nghiệp để duy tu sửa chữa nhỏ các công trình được đầu tư từ giai đoạn trước, giải ngân gần 2,5 tỷ đồng, bằng 40% kế hoạch.
Năm 2023, huyện Bảo Lạc được giao hơn 234 tỷ đồng thực hiện Chương trình MTQG 1719. Đến ngày 31/12/2023, giải ngân 128,3 tỷ đồng, bằng 54% kế hoạch, trong đó, giải ngân 108,8 tỷ đồng vốn đầu tư, bằng 93% kế hoạch; 15,5 tỷ đồng vốn sự nghiệp, bằng 13% kế hoạch.
Theo ông Hoàng Văn Tuân, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư và xây dựng huyện Bảo Lạc: Công tác đầu tư xây dựng cơ bản luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo, điều hành sát sao, quyết liệt của Thường trực Huyện ủy, HĐND – UBND huyện, Ban chỉ đạo Chương trình MTQG, tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, các cơ quan liên quan để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc cho biết: Các dự án thành phần của Chương trình được triển khai đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động của địa phương, đặc biệt là người thuộc hộ nghèo, cận nghèo để vươn lên thoát nghèo bền vững.
“Hiệu quả của Chương trình góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, đặc biệt là hệ thống cơ cơ hạ tầng thiết yếu, tạo điều kiện cho người dân, có điều kiện thuận lợi để tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế – xã hội của huyện phát triển vững mạnh. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm bình quân mỗi năm trên 5%”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận.
Có thể thấy, việc thực hiện đồng bộ và có hiệu quả chính sách dân tộc đã đem lại những thay đổi tích cực trong đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện vùng cao Bảo Lạc. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được,số dự án chưa thể triển khai thực hiện do còn thiếu hướng dẫn, một số dự án đối tượng thụ hưởng ít…
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc kiến nghị, Trung ương cho phép mở rộng đối tượng thụ hưởng Chương trình như: bổ sung thêm hộ mới thoát nghèo thuộc các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở xã, thôn đặc biệt khó khăn để các hộ vươn lên làm chủ cuộc sống, thoát nghèo một cách bền vững.