Vừa qua, tại Khu di tích lịch sử Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam (tỉnh Tây Ninh), Bộ Công an tổ chức chương trình Giao lưu nghệ thuật Giữ trọn lời thề – Nối những dòng sông nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024).
Một tiết mục trong chương trình giao lưu nghệ thuật ‘Giữ trọn lời thề – Nối những dòng sông’. (Ảnh: Triều Dương) |
Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, chương trình Giữ trọn lời thề – Nối những dòng sông năm nay là lời tri ân, tôn vinh những công lao, đóng góp to lớn của các thương binh, liệt sĩ và người có công với Cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là những cán bộ chiến sĩ, công an nhân dân đã đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, một thời xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, không màng tính mạng bản thân, chi viện cho chiến trường miền Nam, hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Chia sẻ tại chương trình, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang nhấn mạnh, chương trình giao lưu nghệ thuật được tổ chức nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, góp phần giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nêu cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu, hy sinh của mỗi cán bộ chiến sĩ, tiếp tục phát huy, bồi đắp truyền thống anh hùng cách mạng của lực lượng Công an nhân dân anh hùng.
Mở đầu chương trình, các đồng chí lãnh đạo và đại biểu đã dành một phút tưởng niệm để tưởng nhớ tới Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc; các anh hùng liệt sĩ cùng nhiều thế hệ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đã dâng hiến trí tuệ, sức lực vì nền độc lập và sự thịnh vượng của nước nhà và đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kính yêu vừa đi xa, để lại cho nhân dân ta niềm thương tiếc vô hạn.
Chương trình giao lưu nghệ thuật Giữ trọn lời thề – Nối những dòng sông với nhiều tiết mục thuộc nhiều thể loại âm nhạc, hoạt cảnh, phóng sự tài liệu, được khắc họa qua 3 chương, có nội dung: Chương 1 – Dòng sông hoài bão; Chương 2 – Dòng sông hoa lửa; Chương 3 – Dòng sông khát vọng.
Chương 1 Dòng sông hoài bão được mở màn với ca khúc Biết ơn chị Võ Thị Sáu và hoạt cảnh Nụ hoa bất tử đầy lay động. Cùng với đó, nhiều ca khúc khác như Lên ngàn, Xuân Chiến khu, Làng quan họ quê tôi, Câu hò bên bờ Hiền Lương, Vàm Cỏ Đông… và nhiều hoạt cảnh múa hát đưa người xem qua hành trình dài, từ khi người chiến sĩ an ninh chia tay với người yêu lên đường vào miền Nam chiến đấu…
Với phim tài liệu Trận đánh để đời (nói về cuộc chiến đấu chống cuộc hành quân quy mô lớn nhất, dài ngày nhất mang tên Junction City của địch), nội dung của chương 2 chương trình Dòng sông hoa lửa với nhiều ca khúc như Hành khúc ngày và đêm, Lá đỏ, Bão nổi lên rồi, Tiến về Sài Gòn, bài ca vọng cổ Bông huệ đỏ và hoạt cảnh Còn mãi trong tim đã nhắc nhớ về một thời hào hùng và gian nan của cách mạng miền Nam.
Chương 3 – Dòng sông khát vọng đã có một cái kết thật hào hùng và oanh liệt. Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Bộ Công an đã huy động đến mức cao nhất về lực lượng, vũ khí và phương tiện kỹ thuật chuyên ngành; chi viện 4.500 cán bộ có kinh nghiệm công tác, chiến đấu, nâng tổng số cán bộ Công an chi viện cho chiến trường miền Nam lên hơn 11 nghìn đồng chí.
Giữ trọn lời thề là chương trình tri ân các anh hùng liệt sĩ CAND do VTV8 – Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị (Bộ Công an) thực hiện từ năm 2022, hướng tới kỷ niệm, tri ân ngày Thương binh liệt sĩ (27/7) với sự đồng hành của các đơn vị: Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (HABECO); Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank); “Mẹ Việt Nam – Gia đình Việt Nam” – chiến dịch truyền thông của Halotimes.
Nguồn: https://baoquocte.vn/chuong-trinh-giao-luu-nghe-thuat-giu-tron-loi-the-noi-nhung-dong-song-281442.html