Panto ‘Beauty and the Beast’ lần đầu tiên có mặt tại TP.HCM và Hà Nội vào tháng 12 tới, với toàn bộ đội ngũ sản xuất và diễn viên đến từ Anh.
Pantomine (Panto) là chương trình hài kết hợp âm nhạc và tương tác với khán giả, có tính giải trí cao dựa trên những cốt truyện nổi tiếng. Không hàn lâm như nhạc kịch nhưng lại rất phổ biến tại Anh trong mùa Giáng sinh, Panto thường được tổ chức tại tất cả các tỉnh, thành phố vào tháng 12, thời điểm học sinh kết thúc học kỳ vừa là vào mùa lễ hội. Với các trường học đây là hoạt động văn hóa – ngoại khóa, với gia đình, đây là hình thức giải trí dịp lễ hội để học sinh có thể giải tỏa sau quá trình ôn luyện thi cử căng thẳng. Dựa trên các cốt truyện lừng danh nhưng được dẫn dắt theo cách mới mẻ và đầy sáng tạo, mục tiêu của Panto mang tới trải nghiệm vui nhộn nhất cho khán giả.
Truyện cổ tích Beauty and the Beast (tựa tiếng Việt: Người đẹp và quái vật) kể về cô gái Belle thông minh xinh đẹp phá vỡ lời nguyền của quái vật bằng tình yêu chân thành. Câu chuyện đã chạm vào tiềm thức của những cô bé cậu bé từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000 cho tới hiện tại. Và giờ, Panto Beauty and the Beast được kỳ vọng sẽ giúp những cô bé, cậu bé của hiện tại lẫn những “cô cậu bé” đầu những năm 2000 giờ đã là cha mẹ, tận hưởng câu chuyện quen thuộc thời thơ ấu dưới hình thức chưa từng có tại Việt Nam.
Khán giả có thể tham gia hát theo, vỗ tay thậm chí nhảy cùng nhịp điệu của những ca khúc sôi động và quen thuộc như What makes you beautiful (One Direction), Shake it off (Taylor Swift), Uptown funk (Bruno Mars), Creep (Radiohead)…
Để đảm bảo trải nghiệm chân thực và chất lượng cao nhất, toàn bộ đội ngũ sản xuất, bao gồm cả diễn viên, nhạc công và đội ngũ kỹ thuật, trang phục, bối cảnh sân khấu đều được đơn vị tổ chức mang về từ Vương quốc Anh.
Theo bà Đỗ Thu Giang, Giám đốc AMO Vietnam (đơn vị mang Beauty and the Beast về Việt Nam) chia sẻ: “Tôi kỳ vọng Panto Beauty and the Beast sẽ là một lựa chọn mới mẻ, bổ ích và đầy tính văn hóa với các khán giả trong dịp cuối năm, đặc biệt là các học sinh và gia đình có con nhỏ. Khi mang Panto đến Việt Nam, ê kíp đã có nhiều điều chỉnh về ngôn ngữ, kịch bản để phù hợp với khán giả Việt. Ban tổ chức đã tổ chức các buổi đọc thử kịch bản dành cho học sinh tiểu học, trung học từ nhiều trường học khác nhau để tìm những từ ngữ, câu thoại tối ưu với học sinh Việt”.
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/chuong-trinh-giai-tri-noi-tieng-cua-anh-co-mat-tai-viet-nam-185241007121644715.htm