KHÔNG TỰ HỌC VÌ… kHÔNG BIẾT BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU
Là lứa đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo định hướng chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Trang Triệu Hồng Phúc, học sinh (HS) lớp 12 tin Trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt (Kiên Giang), xác định phải tự học từ sớm để có đủ kiến thức, nhất là ở 3 môn thi toán, lý, tiếng Anh.
“Mỗi tối, em dành 1 – 1 tiếng rưỡi đọc sách tham khảo của các môn này. Ở các môn xã hội, em dùng ChatGPT để cô đọng kiến thức và tổng hợp ví dụ thực tế, giúp tối ưu thời gian tự học”, nam sinh chia sẻ.
Dù luôn dành thời gian tự học, Phúc vẫn song song học thêm 3 môn trên, bởi chưa thể xác định đâu là những dạng bài trọng tâm của môn học để có thể đạt kết quả tốt nhất. Trong khi đó, lớp học thêm cung cấp cho em những tài liệu và đề minh họa sát với yêu cầu kỳ thi.
Nguyễn Chánh Khiêm, HS lớp 9/1 Trường THCS Thị trấn Kiên Lương 1 (Kiên Giang), cũng kết hợp tự học và học thêm với mục tiêu đạt điểm tốt nhất trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm tới. “Mỗi ngày em đều dành 1 giờ để tự học một trong các môn toán, lý và tiếng Anh”, Khiêm nói. Tuy nhiên, nam sinh cũng học thêm 4 môn toán, lý, hóa và tiếng Anh, cũng với lý do để “hiểu sâu kiến thức và dạng bài”, từ đó có thể làm bài tốt hơn. Khiêm cho hay phần lớn HS đều đi học thêm để đạt kết quả cao nhất trong bài kiểm tra.
Đ.T.A, HS một trường THPT tại TP.HCM, nêu một trong những lý do em không tự học là… không biết bắt đầu từ đâu. “Trên lớp, thầy cô chỉ bảo chung chung là về nhà tự học thêm hoặc mở sách ra xem bài trước mà không hướng dẫn cụ thể nên làm những gì để chuẩn bị hiệu quả. Và dù em tự học trước hay không, GV khi vào lớp cũng giảng như bình thường, khiến em thấy việc tự học cũng không quá quan trọng”, nữ sinh bộc bạch.
DO THIẾT BỊ CÔNG NGHỆ, MẠNG XÃ HỘI, CÁCH THI
Hiện giảng dạy bậc THCS, THPT, thạc sĩ Khưu Hoàng Nhật Minh, Giám đốc điều hành Minh Khuu Academy (TP.HCM), nhận định nhiều HS chưa xây dựng được tính tự học cao, trừ khi các bạn thật sự chú trọng việc học hoặc có phụ huynh kèm cặp. Một trong những nguyên nhân, theo thầy Minh, là nhiều bạn có khả năng tập trung kém, lại mau quên, do ảnh hưởng từ thiết bị công nghệ và mạng xã hội.
“Điều này ảnh hưởng đến tiến độ học tập của các bạn rất nhiều ngay cả khi có GV theo sát, nên việc tự học kém. Một nguyên nhân khác là dù chương trình mới học nhiều bộ sách giáo khoa nhưng các bạn lại thi chung một đề chuyển cấp, khiến HS không dám tìm tòi kiến thức mới mà chỉ học theo người có kinh nghiệm là GV”, thạc sĩ Minh lý giải.
Thạc sĩ Khưu Hoàng Nhật Minh đề cập khái niệm “washback effect” (tác động dội ngược), tức đề thi sẽ quyết định phương pháp sư phạm và nội dung giảng dạy. Thế nên, nếu còn thi đề chung, việc thay đổi chương trình giáo dục cũng sẽ dẫn tới kết quả là HS phải đạt điểm cao.
“GV vẫn đóng vai trò lớn trong hành trình học tập của HS, vì nếu tự học mà lạc khỏi ma trận đề thi thì hoàn toàn tốn công”, thầy Minh chia sẻ.
GIẢI PHÁP TĂNG TÍNH TỰ HỌC
Trước thực tế trên, thạc sĩ Minh đề xuất GV cần được học bài bản về thuyết kiến tạo, các phương pháp hướng dẫn dựa trên tác vụ, dự án, cùng các loại hình hỗ trợ khác mà thầy cô có thể đưa cho HS, từ đó khuyến khích việc tự học. “Có trường mở một dự án lớn để dạy trong học kỳ và mời chuyên gia về chấm, đây là cách giúp HS tự học rất hay”, thầy Minh nói.
Thầy Lê Văn Thương, tổ trưởng tổ Ngoại ngữ Trường THPT Kiên Lương (Kiên Giang), cho rằng với nhóm HS chủ động, GV cần gợi mở ý niệm tự học cũng như giới thiệu cách học và các nguồn tham khảo. Trong khi đó, với nhóm HS bị động, các em trước hết cần được củng cố kiến thức nền tảng, sau đó GV có thể khơi nguồn cảm hứng để các em tự tìm hiểu thêm.
Phó hiệu trưởng một trường THPT tại Q.3 (TP.HCM) khẳng định khả năng tự học của nhiều HS THPT đã phát triển hơn trước. Nhiều HS có ý thức tự học tốt, biết tận dụng thời gian để tự nghiên cứu các chủ đề khác nhau ngoài giờ học chính thức. Tuy nhiên, cũng có một bộ phận HS vẫn còn dựa nhiều vào GV, chưa thực sự chủ động trong việc học, thầy nhận định.
“Nhờ công nghệ, HS đã dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm tài liệu, các khóa học trực tuyến để tự học thêm. Các trường THPT ở TP.HCM cũng đều cố gắng tạo điều kiện để HS phát triển kỹ năng tự học qua việc giao cho các bạn bài tập, dự án, hoạt động nhóm đòi hỏi tự nghiên cứu. Tuy nhiên, một rủi ro là các em sẽ dễ bị phân tâm bởi lượng thông tin dày đặc trên mạng, ảnh hưởng đến chất lượng tự học”, vị phó hiệu trưởng nói.
Trước thực tế này, ở cấp quản lý, thầy khuyến nghị nhà trường phải đẩy mạnh phát triển các nền tảng học tập trực tuyến. Thầy cô cũng cần dạy HS cách tra cứu thông tin và chọn lọc nguồn tài liệu đáng tin cậy, đồng thời hướng dẫn cách dùng các công cụ tự học như AI, theo vị phó hiệu trưởng.
Nguồn: https://thanhnien.vn/chuong-hoc-them-hon-tu-hoc-vi-sao-185241010190730607.htm