Tình trạng căng thẳng trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã giảm vào đầu năm nay, xuống gần mức trước đại dịch Covid-19. Điều này báo hiệu tình trạng thiếu sản phẩm, tắc nghẽn cảng và gián đoạn vận tải biển trong suốt 3 năm qua sắp kết thúc và mở ra sự ổn định phía trước, theo tờ The Wall Street Journal.
Hồi tháng 2, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khu vực New York công bố dữ liệu mới cho thấy Chỉ số Áp lực chuỗi cung ứng toàn cầu (GSCPI) đã giảm xuống mức âm 0,28, tương đương trước đại dịch Covid-19. Đến tháng 3, chỉ số GSCPI tiếp tục giảm xuống âm 1,06, mức thấp nhất kể từ tháng 8.2009.
Chỉ số GSCPI được tính toán dựa trên dữ liệu ngành sản xuất và vận tải nhằm đưa ra cái nhìn tổng quan về khả năng gián đoạn chuỗi cung ứng. Căn cứ trên chỉ số này, các chuyên gia trong ngành nhận định sự bình thường đã trở lại. Tuy nhiên, những “trải nghiệm đầy khó khăn” trong suốt những năm đại dịch vừa qua và những biến đổi địa chính trị trên thế giới đã và đang dẫn đến những thay đổi sâu rộng và có thể lâu dài trong cách các công ty quản lý dòng hàng hóa, từ nguồn nguyên liệu đến sản xuất và phân phối.
Những thay đổi đang diễn ra khá rõ từ các nhà máy ở Ấn Độ đến các nhà máy lắp ráp ô tô ở miền bắc Mexico, các cảng từ đông nam nước Mỹ đến khu vực Đông Phi và các mỏ khoáng sản ở Canada, Thụy Điển. Tại đây, các công ty đang ưu tiên triển khai nguyên tắc về khả năng phục hồi, khu vực hóa và đa dạng hóa nhà cung cấp, vốn được đặt lên hàng đầu khi phải đối phó với sự gián đoạn nghiêm trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu khi đại dịch bùng phát vào đầu năm 2020.
Chuyên gia Patrick Van den Bossche tại Công ty tư vấn toàn cầu Kearney (Mỹ) nhận xét rằng căng thẳng đã giảm bớt và tình trạng thiếu hụt nguồn cung ít hơn nhưng mọi thứ chưa thể trở lại bình thường và rất nhiều thứ đã thay đổi.
Phân cực kinh tế Nga – Trung với phương Tây ngày một rõ?
Tái định hình
Các chuyên gia trong ngành cho biết chuỗi cung ứng sau đại dịch đang tái định hình theo hướng khu vực hóa (nghĩa là việc sản xuất gần hơn với nơi tiêu thụ), mở rộng mạng lưới các nhà cung cấp trên toàn cầu nhằm tránh phụ thuộc vào riêng một thị trường, đồng thời tự động hóa mọi khâu từ hoạt động kho bãi đến nguồn nhập nguyên liệu. Chính những thay đổi này sẽ góp phần giúp chuỗi cung ứng phát triển bền vững, không để bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn như thời gian đại dịch vừa qua.
Những thay đổi dễ nhận thấy nhất đó là các công ty phụ thuộc ít hơn vào khu vực châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Đồng thời, công nghệ mang tính tự động hóa cao hơn được áp dụng trong việc duy trì hoạt động của dây chuyền lắp ráp và hoạt động kho vận. Apple (Mỹ) đang chuyển một số hoạt động sản xuất điện thoại thông minh từ Trung Quốc sang Ấn Độ. Trong khi đó, nhà sản xuất đồ chơi Mattel (Mỹ) mở rộng hoạt động ở Mexico. Thậm chí, ngay cả nhà sản xuất thiết bị điện tử Hisense Co. của Trung Quốc cũng đang tìm cách sản xuất thiết bị ở Mexico để cung cấp cho thị trường Mỹ.
Theo các nhà phân tích, các thay đổi lâu dài hơn sẽ ảnh hưởng sâu rộng hơn đến cách các công ty nhập nguyên liệu và phụ tùng, lựa chọn nơi sản xuất hàng hóa cũng như cách vận chuyển thành phẩm đến tay người tiêu dùng. Đây sẽ là thay đổi lớn nhất trong cách quản lý chuỗi cung ứng kể từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001, mở ra một kỷ nguyên toàn cầu hóa mới.
Chuyên gia Van den Bossche cho biết các công ty đang chuyển sang một mô hình có nhiều dự phòng hơn. Việc giảm dần sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc thực sự mới chỉ bắt đầu và các công ty vẫn đang cố gắng tìm ra cách hoạt động tốt nhất.
Nhà tư vấn Rick Gabrielson, nguyên Giám đốc vận tải cấp cao tại các hãng bán lẻ Mỹ Target và Lowe’s, cho biết nhiều công ty đang xem xét kỹ chiến lược tìm nguồn cung ứng để tránh việc chỉ phụ thuộc vào một quốc gia hoặc một nhà cung cấp duy nhất. Việc đa dạng nhà cung cấp sẽ khiến chi phí gia tăng nhưng là cần thiết với tương lai phát triển của công ty. Tuy nhiên, ông Gabrielson cũng lưu ý rằng quá trình này không thể diễn ra trong một sớm một chiều và các công ty sẽ dần thích nghi theo thời gian. Họ sẽ sử dụng nhiều hàng tồn kho an toàn hơn trong khi quản lý rủi ro theo những cách khác như lựa chọn thêm nhiều nhà cung cấp. Bên cạnh đó, chiến lược khu vực hóa sản xuất lớn hơn cũng sẽ giúp giảm thiểu rủi ro thiếu hụt nguồn cung bởi vì các dây chuyền cung ứng không nằm quá xa.
Hồi tháng 3, tại Hội nghị chuyên đề về quản lý chuỗi cung ứng của Đại học Pittsburgh (Mỹ), bà Heidi Landry, Giám đốc mua sắm công nghệ y tế tại Johnson & Johnson đã phát biểu rằng công ty của bà đang đánh giá rủi ro trong mạng lưới các nhà cung cấp toàn cầu sau sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 thời gian qua. Việc này nhằm tránh rủi ro và duy trì việc cung cấp liên tục các loại thuốc và thiết bị y khoa trên phạm vi toàn cầu.
Giáo sư Yossi Sheffi, Giám đốc Trung tâm Vận tải và Hậu cần của Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), cho biết việc áp dụng công nghệ trong thời kỳ đại dịch để đẩy nhanh sản xuất và vận chuyển hàng hóa sẽ có tác động lâu dài đến chuỗi cung ứng. Đáng chú ý, sau đại dịch Covid-19, các công ty hàng tiêu dùng đã nhanh chóng điều chỉnh lại chuỗi cung ứng bằng cách cắt giảm dòng sản phẩm, thiết lập lại nguồn cung và sử dụng các công cụ khác để phục hồi. Các doanh nghiệp đã “học được nhiều điều mà họ nghĩ là không thể” và đây là điều quan trọng nhất.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng việc định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, nhất là phải làm sao để có thể đáp ứng được các quy định về môi trường và nỗ lực cắt giảm lượng khí carbon. Tính bền vững cũng sẽ làm tăng thêm sự phức tạp và chi phí.
Những dấu hiệu tích cực từ đầu năm 2023 đến nay cho thấy chuỗi cung ứng toàn cầu đang phục hồi và được tái định hình theo hướng “gần bờ, tự động hóa, đa dạng hóa nhà cung cấp và phát triển bền vững”. Có thể thấy, tổn thất do gián đoạn chuỗi cung ứng vì đại dịch Covid-19, nhất là từ thị trường Trung Quốc, cũng như các biến động địa chính trị thời gian qua là đòn bẩy mạnh mẽ khiến chuỗi cung ứng toàn cầu phải tái định hình để đáp ứng yêu cầu của thương mại toàn cầu trong kỷ nguyên mới.