Câu nói bỏ lửng thể hiện sự băn khoăn của anh Vũ Minh, phụ huynh học sinh Trường THCS Hồng Bàng (quận 5, TPHCM) cũng là tâm trạng của nhiều phụ huynh mà phóng viên Báo PNVN ghi nhận được.
Anh Vũ Minh chia sẻ: “Nhà trường có quy định học sinh không được sử dụng điện thoại trong giờ học, tôi ủng hộ nhưng tôi cũng lo ngại những bất tiện trong việc liên lạc với con. Nhà trường có trang bị điện thoại cố định để học sinh có thể sử dụng khi cần nhưng như vậy không chủ động.
Vì vậy, gia đình tôi chỉ trang bị cho con một chiếc điện thoại di động và dặn con để trong balo, khi nào cần thì liên lạc”.
Đồng tình với việc nhà trường siết chặt quản lý học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học nhưng điều khiến chị Nguyễn Hồng Minh (quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội) băn khoăn là việc cấm này liệu có khiến con trẻ bị “thụt lùi” trong bối cảnh phát triển không ngừng của công nghệ số.
“Điện thoại thông minh kết nối Internet có thể là một công cụ hỗ trợ học tập thiết thực cho các con. Con có thể học ngoại ngữ, tìm kiếm, lưu trữ tài liệu, thực hiện các bài tập, bài thi được số hóa. Với các ứng dụng tích hợp trí tuệ nhân tạo, các con có thể vẽ tranh, tìm ý tưởng cho các dự án, viết bài luận, sáng tác tranh, truyện, video…
Nếu học sinh không biết tận dụng nguồn kiến thức khổng lồ này, không biết ứng dụng công nghệ vào việc học tập, e rằng các em sẽ không thích ứng được xã hội mà công nghệ đang phát triển như vũ bão hiện nay”, chị Hồng Minh lo lắng.
“Tôi thấy quy định này lợi nhiều hơn hại”
Ghi nhận của phóng viên Báo PNVN cho thấy, rất nhiều phụ huynh đồng tình, ủng hộ việc các trường siết chặt quản lý học sinh sử dụng điện thoại.
Chị Phan Kim Phương, một phụ huynh có con học tại Trường THCS Lê Quý Đôn (Quận 11, TPHCM), cho biết: “Tôi thấy quy định này rất tốt, lợi nhiều hơn hại. Học sinh cần liên lạc với bố mẹ thì có thể xuống căng-tin để gọi và trả phí 4-5 nghìn đồng/lần.
Một số học sinh mang theo điện thoại đắt tiền rồi bị mất, dẫn đến tình trạng nghi kỵ nhau, gây nên mâu thuẫn không đáng có. Chưa kể việc học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học, ở lớp sẽ gây sao nhãng, mất tập trung học tập”.
Việc Trường THCS Huy Văn (quận Đống Đa, Hà Nội) cấm học sinh mang điện thoại đến trường cũng nhận được sự đồng tình của các phụ huynh. Anh Nguyễn Đình Cường (phường Thổ Quan, quận Đống Đa, Hà Nội) cảm thấy rất phấn khởi khi con gái lớp 8 đến trường mà không sử dụng điện thoại di động.
“Đầu năm học trước, con đua theo các bạn đòi bố mẹ mua điện thoại đắt tiền. Ở lớp, con có một nhóm chat và các bạn trong nhóm thường xuyên nói xấu, tẩy chay một bạn gái trong lớp. Chưa kể, thỉnh thoảng tôi còn nhận được phản ánh của giáo viên chủ nhiệm là con lén sử dụng điện thoại trong giờ học.
Thế nên từ kỳ 2 năm học trước, được tin nhà trường ra quy định cấm học sinh mang điện thoại đến trường, tôi như trút được gánh nặng. Chắc chắn là không có điện thoại, con sẽ tập trung nghe giảng hơn. Con cũng sẽ kết nối với bạn bè trực tiếp nhiều hơn thay vì kết nối qua mạng xã hội”, anh Cường chia sẻ.
Khi biết tin trường của con quy định thu điện thoại của học sinh trong giờ học, chị Phan Thị Thanh Thảo (quận Đống Đa, Hà Nội) thấy mừng.
“Ở nhà, thấy con kè kè điện thoại suốt ngày, kể cả trong giờ học, tôi rất sốt ruột. Tôi rất khó thu điện thoại của con vì con viện đủ lý do như trao đổi bài với bạn, xem bài tập cô giáo giao qua Zalo…
Tôi để ý thấy thời gian con chat với bạn nhiều hơn thời gian học và hậu quả là kết quả học tập của con không tốt. Tôi rất lo nếu như ở lớp, con cũng học với điện thoại trong tay như vậy. Thế nên, tôi rất ủng hộ quy định thu điện thoại trong giờ học và tôi cảm thấy yên tâm hơn khi con sẽ tập trung nghe giảng hơn”.
Tại khoản 4 Điều 37 Chương V Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 quy định: Học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép.
Bài sau: Nên tạo môi trường học tập tích cực và trách nhiệm, thay vì cấm đoán
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/loi-va-hai-khi-truong-siet-hoc-sinh-dung-dien-thoai-bai-2-chung-toi-ung-ho-nhung-20241108153633173.htm