Người Bru-Vân Kiều sống dọc theo dãy Trường Sơn, phía tây Quảng Bình, rất coi trọng cây lúa.
Theo truyền thuyết của người Bru-Vân Kiều, “thần lúa” không chỉ cứu vớt loài người trong những trận lũ lụt mà còn mang lại ấm no hạnh phúc. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, họ vẫn gìn giữ được nhiều nét văn hóa, tín ngưỡng vô cùng đặc sắc liên quan đến thần lúa như: Lễ trỉa (lấp lỗ), lễ mừng cơm mới…
Với người Bru-Vân Kiều tại xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy, phong tục Mừng cơm mới đã được nâng tầm thành lễ hội và được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào đầu năm nay. Đây là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia thứ 3 của đồng bào dân tộc thiểu số tại Quảng Bình.
Ông Hồ San, trú xã Ngân Thủy, cho biết cứ vào tháng 11, 12 âm lịch, người Bru-Vân Kiều ở xã Ngân Thủy lại rộn ràng tổ chức Lễ hội Mừng cơm mới, đồng bào gọi là “Tư Ka Bôn”. Đây là nghi lễ nhằm tạ ơn các thần linh sau một vụ mùa no ấm, cầu xin thần lúa, thần sông, thần núi ban cho mùa lúa mới mưa thuận gió hòa.
Người Bru – Vân Kiều chuẩn bị lễ vật cho lễ hội mừng cơm mới rất chu đáo. Lúa nếp sau khi thu hoạch từ nương rẫy về được bà con đem phơi khô, làm sạch, chọn lọc những hạt lúa chắc nhất để dành cho lễ hội. Lúa nếp sau đó được người phụ nữ Bru-Vân Kiều giã một cách khéo léo, tạo ra gạo nếp trắng trẻo, thơm nồng.
Gần đến ngày tổ chức Lễ Mừng cơm mới, những người phụ nữ Bru-Vân Kiều sẽ cùng nhau đi gùi củi, lấy nước, cắt lá dong, lấy rau củ trên rừng, trên nương để chuẩn bị vật phẩm phục vụ lễ cúng. Trong khi đó, những người đàn ông thì lên rừng, xuống suối để tìm kiếm những thành quả mà thiên nhiên ban tặng như: cá, mật ong và các sản vật khác.
Để tổ chức Lễ Mừng cơm mới, già làng, trưởng bản, người uy tín trong đồng bào Bru-Vân Kiều sẽ dựng 1 cột nêu hình cây lúa. Trên cây nêu có buộc túm những cây lúa sai hạt, ngoài ra còn được trang trí hình chim muông, mặt trăng, mặt trời với các đường nét đơn giản nhưng thanh thoát.
Lễ hội Mừng cơm mới của đồng bào Bru-Vân Kiều ở Quảng Bình được tổ chức trên quy mô cộng đồng, do đồng bào tự đóng góp lại. Lễ hội thường được tổ chức theo nhóm, hay từng dòng họ. Lễ vật gồm có trâu hoặc dê, lợn, gà, ché rượu và nhiều sản vật, bánh trái khác. Đặc biệt, vật phẩm không thể thiếu tại lễ hội đó là những mâm xôi lúa mới để cúng lễ.
“Mỗi dòng họ sẽ có quy định đóng góp riêng cho lễ Mừng cơm mới, cùng nhau chung tiền để mua 1 con trâu, con dê làm lễ. Đây là con vật hiến sinh mang ý nghĩa thiêng liêng. Lễ hội Mừng cơm mới như là Tết của đồng bào chúng tôi. Nhà nào cũng chuẩn bị gạo nếp ngon, nấu xôi, thịt lợn, gà cùng nhau vui lễ”, ông Hồ San nói.
Trong Lễ hội Mừng cơm mới, các cụ cao niên trong bản sẽ trực tiếp làm lễ, cúng trời đất, “thần lúa”, dân bản quây quần xung quanh cùng tham gia. Sau phần nghi lễ, họ sẽ cùng nhau uống rượu cần, thưởng thức sản vật, tham gia các trò chơi dân gian và thực hành, trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Ngân Thủy, cho biết Lễ hội Mừng cơm mới vừa có giá trị về lịch sử và văn hóa tộc người, vừa góp phần thu hút các nhà nghiên cứu, khách du lịch đến trải nghiệm đời sống văn hóa cộng đồng của người dân địa phương.
Việc Lễ hội Mừng cơm mới của người Bru Vân Kiều xã Ngân Thủy được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia sẽ tạo điều kiện để địa phương gìn giữ nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc, đồng thời, khi đưa lễ hội thành một sản phẩm du lịch, bà con sẽ có thêm thu nhập để nâng cao đời sống.
Trên địa bàn xã Ngân Thủy có vùng thảo nguyên, hang động, khe suối phong cảnh đẹp, tiềm năng để phát triển du lịch. Thời gian qua, với sự hỗ trợ của Sở Du lịch Quảng Bình và các đơn vị, chính quyền xã Ngân Thủy đang tổ chức mô hình du lịch văn hóa cộng đồng. Trong đó có đưa các lễ hội, âm nhạc dân gian của bà con Bru-Vân Kiều vào phục vụ du khách.
Ảnh: Cương Trần