Hội thảo là hoạt động điểm nhấn trong chuỗi chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật của 3 hội văn học nghệ thuật Hà Nội – Huế và thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024) và niệm 50 năm thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội NSND Trần Quốc Chiêm khẳng định, giá trị văn học nghệ thuật Hà Nội – Huế – Thành phố Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng, là những giá trị tiêu biểu, nền tảng của văn hóa Việt Nam. Mỗi thành phố đều xây dựng và tạo nên gương mặt văn học nghệ thuật riêng, bản sắc riêng, đa dạng, muôn vẻ trên nền tảng văn hóa dân tộc, văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, sau ngày thống nhất đất nước, đặc biệt trong tình hình hiện nay, trước những biến đổi mạnh mẽ trong đời sống, với những vấn đề mới, yêu cầu mới và nhu cầu mới của công chúng, văn học, nghệ thuật của 3 địa phương ngày càng phải phát huy vai trò hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng hoạt động, nâng cao hiệu quả lao động sáng tạo nghệ thuật.
“Chính vì vậy, hội thảo hôm nay được tổ chức nhằm đánh giá sâu sắc, toàn diện nền văn học nghệ thuật 3 thành phố 50 năm sau ngày đất nước thống nhất; khẳng định thành tựu, chỉ rõ hạn chế, rút ra những bài học kinh nghiệm, đề ra nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn học, nghệ thuật của 3 thành phố trong giai đoạn mới” – NSND Trần Quốc Chiêm nói.
Tại hội thảo, các đại biểu cùng các văn nghệ sĩ đã tập trung trao đổi, đánh giá, khẳng định đường lối, chính sách đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Nhà nước trong tiến trình xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật 3 thành phố qua 50 năm đất nước thống nhất, hòa bình, đổi mới, phát triển. Và chỉ ra những ưu điểm, thành tựu và chỉ rõ những hạn chế, bất cập của văn học nghệ thuật 3 thành phố 50 năm sau ngày đất nước thống nhất. Từ đó, đề xuất định hướng, giải pháp xây dựng, phát triển văn học nghệ thuật giàu tính dân tộc, khoa học, tiên tiến, dân chủ, nhân văn.
Khẳng định văn học, nghệ thuật Hà Nội, Thừa Thiên – Huế, thành phố Hồ Chí Minh có những bước phát triển đầy ấn tượng sau ngày đất nước thống nhất, Ủy viên Thường Vụ, Trưởng Ban Lý luận phê bình Hội Sân khấu thành phố Hồ Chí Minh, đạo diễn Tăng Hoàng Thuận cho biết: “Nhìn lại chặng đường phát triển của văn học nghệ thuật ở ba thành phố lớn Hà Nội – Huế – Thành phố Hồ Chí Minh chúng ta nhận thấy, thành tựu đạt được vẫn là tôn vinh chủ nghĩa yêu nước và cách mạng, tinh thần dân chủ, nhân văn. Nhiều tác phẩm hay đã ra đời, tạo nên sức sống có nhiều khởi sắc. Văn nghệ sĩ của ba thành phố Hà Nội – Huế – Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt kịp với hơi thở của thời đại, sáng tạo nhiều tác phẩm đa dạng và phong phú về đề tài, chủ đề và phong cách; có giá trị chân, thiện, mỹ đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ của công chúng, đóng góp vào kho tàng văn hóa, văn học, nghệ thuật của quê hương và dân tộc”.
Đồng quan điểm trên, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế – nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc chia sẻ: Văn học nghệ thuật của ba địa phương có sự giao thoa, hội nhập và ngày càng phát triển. Đặc biệt, những năm gần đây, với nhiều vận hội mới đang mở ra, văn học, nghệ thuật nước nhà nói chung và của ba địa phương nói riêng đã có những cơ hội mới để phát triển hơn, hội nhập với thế giới sâu rộng hơn qua nền tảng công nghệ số…
Còn theo Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh – nhà văn Bích Ngân, tác phẩm văn học được xem như một kênh văn hóa quan trọng nuôi dưỡng tâm hồn và phẩm chất con người Việt Nam hiện tại cũng như tương lai, mà bệ phóng chính là những nhà văn trẻ bây giờ. Nhưng hiện nay, dấu ấn tiếp nối về đội ngũ sáng tác văn học trẻ của cả nước vẫn có thể điểm danh cũng như không quá khó để nhận ra độ dày mỏng về chất lượng tác phẩm sáng tác.
Vì vậy, để văn học nghệ thuật vươn xa hơn nữa trong thời gian tới, nhà văn Bích Ngân cho rằng: Cần có ngân sách hợp lý dành cho văn học trẻ. Nhà nước nên mạnh dạn đặt hàng cho các tác giả trẻ, nhất là thể loại tiểu thuyết. Khi và chỉ khi, các tác giả trẻ yên tâm với sứ mệnh ngồi trước trang viết thì họ mới phát huy hết trách nhiệm người cầm bút đích thực.
Đồng thời, Nhà nước cũng cần có chiến lược đầu tư cho việc quảng bá văn học ra thế giới. Nếu chỉ xuất khẩu các sản phẩm văn hóa mà thiếu “mặt hàng” văn học sẽ rất thiệt thòi cho người sáng tạo, cho văn chương quốc gia đã không được thế giới biết đến. Và càng thiệt thòi hơn khi vẻ đẹp tâm hồn và sức mạnh nội tâm của dân tộc Việt Nam thông qua những tác phẩm văn học có giá trị chưa được bước ra khỏi biên giới Tổ quốc mình.
Bên cạnh đó, trong hoạt động văn học, nghệ thuật của ba địa phương, Chủ tịch Hội Điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh – nhà biên kịch Dương Cẩm Thúy, cho rằng, bên cạnh giao lưu, hội thảo, văn nghệ sĩ của Hà Nội, Huế và thành phố Hồ Chí Minh cần chung tay sáng tạo, cùng đóng góp nguồn lực thực hiện những công trình văn học, nghệ thuật chung, có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng hiện nay…/.