(BGĐT) – Ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa đang là vấn đề nhức nhối. Thời gian qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã quan tâm thực hiện nhiều giải pháp, từng bước góp phần làm thay đổi nhận thức, ý thức của người dân, chung tay ngăn rác thải nhựa.
Tiện nhưng không lợi
Nhựa là một loại vật liệu hữu ích, xuất hiện nhiều trong đời sống hằng ngày, góp phần cải thiện và thay đổi nhiều lĩnh vực cuộc sống. Tuy nhiên, đây cũng là loại vật liệu tiềm ẩn nhiều rủi ro và hệ luỵ cho môi trường và sức khoẻ con người khi không được sử dụng và xử lý đúng cách. Khoa học đã chứng minh, một vật dụng bằng nhựa tuỳ theo loại (như chai nhựa, ống hút, túi ni-lông …) để phân huỷ được ít nhất cũng phải mất từ 50-100 năm, thậm chí 500-1.000 năm mới phân huỷ được.
Hội viên phụ nữ xã Đồng Vương (Yên Thế) tìm hiểu các phương pháp hạn chế rác thải nhựa từ gia đình. Ảnh: Ngọc Anh. |
Theo các nhà khoa học, một số chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trong nhựa đi vào cơ thể con người qua đường thực phẩm, qua tiếp xúc sẽ gây nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm như: Ung thư, viêm gan, dị ứng, rối loạn hệ thần kinh, vô sinh… Các vi hạt nhựa có thể xâm nhập và phá hủy tế bào trong cơ thể của các loài sinh vật trong nước ngọt và môi trường biển. Chúng có thể là vật trung gian tích tụ các loại hóa chất nguy hiểm, khi động vật ăn vào sẽ nhiễm độc, chất độc này sẽ chuyển sang người khi ăn các động vật đó. Rác thải nhựa còn tác động tiêu cực đến sinh thái biển, làm biến đổi khí hậu…
Trong những năm gần đây, tại Bắc Giang, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh đã thúc đẩy KT-XH phát triển, song cùng với đó, tỉnh cũng phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường do lượng rác thải (trong đó có rác thải nhựa) ngày càng nhiều, trong khi hạ tầng xử lý rác thải còn chưa theo kịp; nhận thức, ý thức của người dân về rác thải nhựa còn hạn chế. Tình trạng lạm dụng sử dụng rác thải nhựa hằng ngày diễn ra phổ biến: Rác thải nhựa vứt vào các thùng rác sinh hoạt, theo xe rác đến các bãi chôn lấp hoặc lò đốt; vứt bừa bãi ở nơi công cộng… Trung bình mỗi ngày, toàn tỉnh có hơn 930 tấn rác thải phát sinh, trong đó có rác thải nhựa. Hiện xử lý rác thải nhựa trên địa bàn vẫn thực hiện theo hình thức đốt và chôn lấp, nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường.
Nhiều hoạt động thiết thực
Ông Vũ Văn Tưởng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thông tin: “Bắc Giang xác định bảo vệ môi trường là vấn đề quan trọng để bảo đảm sự phát triển bền vững của tỉnh. Quan điểm, phương châm phát triển của tỉnh là không đánh đổi môi trường lấy kinh tế. Theo đó, nội dung bảo vệ môi trường đã được gắn vào các chủ trương, chính sách về phát triển KT-XH trên địa bàn. Công tác phòng ngừa sự cố môi trường được chú trọng và chuyển từ bị động giải quyết, khắc phục sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn ô nhiễm…”.
Một chiếc túi được tái chế từ rác thải nhựa do nhân viên cửa hàng Tokyolife thu gom. |
Với quan điểm trên, thời gian qua, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, quy định, hỗ trợ về công tác thu gom, xử lý rác thải nói chung và việc giảm thiểu rác thải nhựa nói riêng. Công tác thu gom, xử lý rác thải có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều điểm rác thải tồn lưu được xóa bỏ. Tỷ lệ rác thải được thu gom toàn tỉnh đạt 94,4%, tương đương 880,97 tấn/ngày; tỷ lệ thu gom được xử lý đạt 93,1%. Đề án tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên phụ nữ thực hiện thu gom, phân loại, đổ rác thải sinh hoạt được các cấp hội phụ nữ toàn tỉnh triển khai sâu rộng về cơ sở, góp phần thay đổi nhận thức, ý thức của một bộ phận người dân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp.
Để hạn chế lượng túi ni-lông xả ra môi trường, một số siêu thị như: Coopmart, Go! Bắc Giang đã đưa vào sử dụng các loại túi đựng hàng là nhựa tự tiêu huỷ. Hai cửa hàng của hệ thống Tokyolife tại TP Bắc Giang hạn chế sử dụng túi ni lông trong bán hàng.
Bà Cao Thị Kiều Trinh, quản lý bán hàng tại cửa hàng Tokyolife, số 178 đường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang) nói: “Để góp phần giảm tác hại từ rác thải nhựa, hơn 3 năm nay, tại các hệ thống cửa hàng của Tokyolife trên toàn quốc không dùng túi ni lông đựng hàng cho khách. Khách hàng đến Tokyolife phải tự trang bị đồ đựng khi mua hàng hoặc phải trả tiền để mua túi vải đựng hàng. Cùng với hoạt động này, Tokyolife còn thực hiện chương trình thu gom chai nhựa, túi ni-lông đổi quà (gom cả chai, túi lành và rách, hỏng đã được làm sạch). Túi ni-lông thu gom về được chuyển cho người khuyết tật làm nên những chiếc các túi ni-lông sử dụng nhiều lần”.
Đáng chú ý, một số cá nhân, cơ sở kinh doanh hàng ăn uống đã quan tâm sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường để thay túi ni-lông, như cửa hàng “6 lươn” trên đường Nguyễn Văn Mẫn, phường Trần Phú (TP Bắc Giang).
Với quyết tâm giảm thiểu, hạn chế đến mức thấp nhất tác hại từ rác thải nhựa, Ngày Môi trường thế giới năm nay (5/6/2023), Bộ TN&MT chọn chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa” trong đó tập trung thực hiện chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa”. |
Anh Phạm Công Đạt, chủ cửa hàng thông tin: “Mỗi ngày quán bán vài trăm suất. Nhận thấy việc sử dụng hộp nhựa để đựng thực phẩm không an toàn cho sức khoẻ, gây ô nhiễm môi trường nên hơn 2 tháng nay, chúng tôi đã chuyển sang dùng hộp giấy. Giá mỗi suất mang về vì thế tăng lên 5.000 đồng nhưng mừng là hầu hết khách hàng đều vui vẻ, hài lòng về sự thay đổi này”.
Nhiều đơn vị, địa phương trong tỉnh thực hiện mô hình dùng làn đi chợ, sử dụng sản phẩm tự nhiên như lá cây, làn tre… đựng thực phẩm thay túi ni-lông; thu gom rác thải nhựa tái chế.
Với quyết tâm giảm thiểu, hạn chế đến mức thấp nhất tác hại từ rác thải nhựa, Ngày Môi trường thế giới năm nay (5/6/2023), Bộ TN&MT chọn chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa”, trong đó tập trung thực hiện chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa”. Mục đích nhằm truyền tải thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tại Bắc Giang, ngày 5/6, ở địa bàn xã Nghĩa Hoà (Lạng Giang), Sở TN&MT phối hợp với UBND huyện tổ chức Lễ trao Giải thưởng môi trường tỉnh năm 2023 cho các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác này; đồng thời tổ chức lễ phát động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường năm 2023.
Tuấn Dương
Góp sức cho môi trường thêm xanh
(BGĐT) – Mong muốn góp một phần công sức nhỏ bé cho môi trường thêm xanh, sạch, đẹp, nhiều cá nhân ở khắp miền quê trên địa bàn tỉnh đã tích cực tham gia giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm bằng nhiều phần việc thiết thực, hiệu quả. Ghi nhận những đóng góp đó, nhiều cá nhân đã được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang tặng Giải thưởng Môi trường năm 2023.
Bảo đảm vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch
(BGĐT) – UBND tỉnh Bắc Giang vừa có văn bản yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Giao thông – Vận tải; UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác hướng dẫn, bảo đảm vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch nhằm xây dựng hình ảnh đẹp, ấn tượng về du lịch Bắc Giang đối với du khách.
Phụ nữ tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường: Nhiều cách làm mới
(BGĐT) – Sau hơn hai năm triển khai, hội phụ nữ các cấp có nhiều mô hình, cách làm mới trong thực hiện Đề án tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên phụ nữ thực hiện thu gom, phân loại, đổ rác thải sinh hoạt đúng quy định trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Bắc Giang, Ngày Môi trường Thế giới, Chung tay phòng, chống rác thải nhựa