Thời gian qua, ngoài việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, tỉnh tăng cường chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm nhựa, qua đó đạt nhiều kết quả quan trọng trong việc giảm thiểu chất thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường.
Công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về phòng chống rác thải nhựa được đẩy mạnh, chuyên sâu hơn. Tổng hợp báo cáo của các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị – xã hội trên địa bàn tỉnh, năm 2022 đã có khoảng 589 buổi mít tinh, cổ động, tập huấn, hội thảo, chương trình toạ đàm, phổ biến kiến thức, tuyên truyền… cho gần 5.000 lượt người tham gia.
Điển hình, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh và Bộ TN&MT phối hợp tổ chức thành công, hiệu quả, thiết thực Lễ phát động Quốc gia Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Kỷ niệm Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2022 với sự tham gia của khoảng 1.500 cán bộ, công chức, doanh nghiệp, người dân. Trung tâm Truyền thông tỉnh đã tuyên truyền đồng bộ trên tất cả các hạ tầng truyền thông với gần 600 tin, bài; các địa phương tổ chức tuyên truyền qua hệ thống thông tin cơ sở công tác sản xuất và tiêu dùng bền vững, trong đó có phòng chống rác thải nhựa… Trong các đợt ra quân hưởng ứng năm 2022, các đơn vị đã huy động được trên 73.500 người tham gia các hoạt động thu gom, xử lý rác thải, khơi thông cống rãnh, làm vệ sinh môi trường, trồng xây xanh…
Song hành với tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, phòng chống rác thải nhựa, công tác phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm nhựa được chú trọng thực hiện. Các ngành, địa phương đẩy mạnh việc quản lý sản xuất kinh doanh các sản phẩm nhựa trên địa bàn. Tăng cường quản lý kiểm soát phòng ngừa việc sử dụng, tiêu thụ túi nilon dùng 1 lần không thân thiện môi trường, các sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt, phòng họp, bếp ăn tập thể tại các doanh nghiệp, hội chợ, trung tâm thương mại, chương trình văn hóa thể thao.
Đối với các khu vực trọng điểm, nhạy cảm về môi trường, việc kiểm soát phòng ngừa sử dụng, tiêu thụ các sản phẩm nhựa dùng một lần càng được chú trọng. Tiêu biểu, Huyện ủy Cô Tô phê duyệt đề án “Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa”, tập trung vào việc hạn chế sử dụng túi nilon, thay bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường và phân loại rác thải tại nguồn, tái chế rác. Từ ngày 1/9/2022 du khách khi đặt dịch vụ tại cơ sở được tuyên truyền thực hiện chủ trương không mang túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần khi đi tham quan, du lịch tại Cô Tô. Tại Hạ Long, Ban Quản lý vịnh Hạ Long tiếp tục kiểm soát du khách mang, sử dụng túi nilon khó phân hủy, không thân thiện với môi trường khi tham quan vịnh; khuyến khích các doanh nghiệp, cộng đồng thực hiện các nội dung về phòng chống rác thải nhựa. Ban Quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long đã tổ chức quan trắc, giám sát, xử lý ô nhiễm nhựa vùng biển ven bờ tại khu vực do Ban quản lý.
Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, cấp ủy, chính quyền địa phương ven biển đã huy động cả hệ thống chính trị, triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm bảo vệ cảnh quan môi trường biển, lập lại trật tự kỷ cương liên quan đến hoạt động nuôi trồng thủy sản trái phép. Các địa phương đã thực hiện trục vớt, thu gom và xử lý toàn bộ các vật liệu nuôi trồng thuỷ sản thải bỏ trong quá trình chuyển đổi phao xốp sang sử dụng vật liệu nổi hợp chuẩn, hợp quy và xử lý di dời lồng, bè nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn.
Theo thống kê của Sở TN&MT, hiện trên 95% cơ quan, đơn vị hoạt động thuộc lĩnh vực thương mại đã thực hiện sử dụng các vật dụng thân thiện môi trường/tái sử dụng nhiều lần/tái chế (cốc thuỷ tinh/cốc giấy, bình đựng nước bằng thuỷ tinh/nhựa dùng nhiều lần, ống hút bằng giấy, thùng rác bằng giấy…) hàng ngày sử dụng tại nơi làm việc. Riêng tại các chợ, siêu thị tích cực tuyên truyền người tiêu dùng lựa chọn mua những sản phẩm thân thiện môi trường để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày; phát thùng giấy để đựng hàng hoá khi mua sản phẩm tại đơn vị (siêu thị MM Mega Market); kinh doanh những mặt hàng có bao bì thân thiện môi trường, hạn chế bán những sản phẩm bằng nhựa khó phân huỷ. Nhiều phong trào, mô hình chung tay giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường được duy trì, triển khai có hiệu quả như: Chi hội Tàu du lịch Hạ Long duy trì mô hình “Cánh buồm xanh”; mô hình Biến rác thành tiền của các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ; mô hình “5 không, 3 sạch”, “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh” của Đoàn Thanh niên…
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực phòng, chống rác thải nhựa, tuy nhiên, cũng theo đánh giá của cơ quan chức năng, việc quản lý, xử lý, giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn vẫn còn hạn chế. Hiện nay chưa có các văn bản quy định từ cấp trung ương về quy chuẩn, tiêu chuẩn xác định ô nhiễm nhựa, các quy định về giám sát nhựa, quy chuẩn, tiêu chuẩn về sản phẩm có chứa nhựa tái chế, tái sử dụng dẫn đến khó khăn trong quá trình quản lý, xử lý. Trên địa bàn tỉnh chưa có hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế, tái sử dụng được đầu tư đồng bộ, dẫn tới việc vẫn có chất thải nhựa thất thoát ra môi trường. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức còn giới hạn, hình thức…
Do vậy, cùng với việc kiến nghị Bộ TN&MT xem xét sớm ban hành Quy chuẩn Việt Nam, Tiêu chuẩn Việt Nam về chất thải nhựa, vật liệu sử dụng, tái chế nhựa; tích hợp điểm quan trắc vi nhựa trong mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai, cụ thể hóa các chỉ đạo của Trung ương, tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa để phòng, chống chất thải nhựa, bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, bền vững.